Hai hàng đèn cao áp màu vàng sáng rực soi rõ từng đám cỏ bên vệ đường. Có một con rắn mối đi ăn đêm chạy xẹt ngang thật nhanh từ bên này; đến giữa đường tim màu trắng nó khựng lại, ngóng đầu lên rồi tích tắc phóng vụt vào bãi cỏ phía đường bên kia.
Chỉ có anh và chiếc bóng đen ngắn ngủn đồng hành. Anh dừng lại lấy trong túi áo cái bật lửa và điếu thuốc rồi ngồi xuống vệ đường. Trên bầu trời đen chiếc đĩa tròn sắc nét màu trắng dõi theo anh qua những con phố mờ tối giờ nhòe đi nhợt nhạt. Anh nhìn quanh, những con đường mới nằm trong khu quy hoạch vuông vức như ô bàn cờ. Vẫn còn những khu đất trống đầy cỏ lau chen lẫn những khu nhà đã được xây cất tử tế, có ánh đèn vàng hắt ra từ những ô cửa sổ. Một con chó hoang như vừa chui ra từ đám cỏ lau nào đó chạy tới phía anh, nó dừng lại, dỏng tai, giương mắt nhìn anh như muốn làm quen.
Anh huýt sáo và đưa bàn tay vẫy, con chó ngần ngừ một lúc rồi chầm chậm bước tới. Đến gần chỗ anh ngồi, nó chăm chăm chờ những tín hiệu tỏ vẻ chấp thuận cho nó tới gần hơn nữa. Thấy anh không còn vẫy tay hay huýt sáo, con vật dè dặt nằm xuống cách xa anh khoảng hai thước. Nhìn con chó tự dưng trong anh dâng lên cảm giác cô đơn và hụt hẫng lạ thường. Anh quay về phía trước mặt, ánh đèn sáng chói nơi anh ngồi nhấn chìm khu rừng dương và biển trong một màn đen. Như vậy, anh đã đi bộ hơn năm cây số từ khu phố cũ để về lại nhà khách nằm trong khu vực quy hoạch mới này của thị xã.
Anh có đúng hai mươi hai năm để trở lại nơi này. Nếu không phải là đại biểu có tham luận trong hội nghị ngày mai chắc có lẽ anh không bao giờ đến đây. Ban chiều, khi chiếc xe rẽ ngoặt vào con đường chính, tim anh như muốn vỡ tung, kỷ niệm cũ và nỗi day dứt mơ hồ nào đó thi nhau vò xé lòng anh. Anh đã trải qua năm năm của thời tuổi trẻ không buồn, không vui ở đây.
Con phố chính cắt đôi thị xã chạy dài từ Quốc lộ 1A về phía biển bị chắn bởi khu quân sự cũ và rừng dương cùng một cồn cát làm đường ranh phố – biển ngày xưa thường ngăn bước chân khám phá của anh. Anh không thích biển nơi đây, không có núi che chắn, nó bao la và mênh mông quá dễ làm anh choáng và ngộp thở. Cho đến một ngày, không chịu nổi sự tĩnh lặng luôn mang dáng vẻ uể oải của nó, những bài giảng nhai lại kèm theo những khuôn mặt học trò vô cảm, anh ra đi.
Những con đường trong phố vẫn còn nguyên hàng cây xà cừ thật lớn chạy ngang dọc như những nhát dao băm vằm tim anh. Sự thay đổi chậm chạp nơi đây làm lòng anh càng thêm trĩu nặng. Phải chi nó khác đi nhiều so với ngày xưa để anh có cảm giác mình đang đến một nơi hoàn toàn xa lạ. Đã vậy, những tấm banderole ghi dòng chữ chào mừng đại biểu về dự hội nghị như tát nhẹ vào mặt anh, thị xã vẫn đang bao dung mở rộng tấm lòng đón anh – một kẻ đã từ chối và bỏ chạy để bây giờ nhìn lại mọi việc diễn ra trong cuộc đời như một “nhãn tiền” mà ở tuổi hai mươi ngày ấy anh làm sao biết được!
***
Ra trường năm hai mươi hai tuổi, anh nhận quyết định về dạy học ở một trường trung cấp nằm trong thị xã. Cùng về với anh đợt ấy có Khoa và Bích, hai người là bạn học cùng trường. Anh và Khoa là dân thành phố còn Bích là người địa phương. Học trò đa phần là các học sinh vừa tốt nghiệp lớp 9, bộ đội phục viên hay cán bộ đi học. Anh dạy môn phụ nên dù có đầy nhiệt huyết cũng không thoát khỏi tâm trạng chán nản. Còn Khoa, tuy dạy môn chính nhưng do gia đình ở thành phố tương đối khá giả, phải về đây Khoa cũng chẳng phấn khởi gì. Chỉ có Bích là thoải mái vì cô được về gần nhà và được dạy môn chính.
Anh và Khoa ở cùng phòng trong khu tập thể. Biết tâm trạng buồn chán của hai người, sáng nào lên lớp Bích cũng tranh thủ đi sớm gần nửa tiếng tạt vào lôi anh và Khoa lên lớp. Có hôm cả hai trùm chăn kín mít mặc cho Bích gõ cửa đến mỏi tay và luôn vùng dậy khi nghe giọng cô bắt đầu nghèn nghẹn nước mắt.
Nhiệt tình của Bích dần cảm hóa được hai người, cô kéo anh và Khoa từ trong đống chăn mền bèo nhèo trên chiếc giường đơn ở khu tập thể những ngày nghỉ cuối tuần để ra phố, về quê, ra biển hay về nhà cô, một ngôi nhà nằm trên con phố chính có cây xà cừ xòe tán rộng phủ trùm hết vuông sân thượng, có những buổi sinh hoạt gia đình đầm ấm cùng những món ăn ngon do chính tay mẹ cô làm thết đãi hai người. Ba Bích – một người đàn ông vui tính và chân thật, thích chơi cờ; thỉnh thoảng ông vẫn nói đùa anh và Khoa là Sơn Tinh và Thủy Tinh, ai thắng ông liên tiếp ba ván cờ sẽ được ông gả con gái. Không bao giờ anh hay Khoa thắng được ông, nhưng chắc có lẽ khi ấy, cả hai người chẳng ai có ý nghĩ muốn thắng ông liên tiếp ba ván.
Một học kỳ, hai học kỳ rồi những học kỳ sau đó trôi qua trong bình lặng và tẻ nhạt vô cùng đối với anh. Những lá đơn xin việc anh gởi về thành phố mong được chuyển một công việc làm khác ngày càng ít hy vọng; sự tự tin trong anh mòn dần, có đôi lúc biến thành mặc cảm, tự ti hay những buồn vui vô cớ. Anh đem tất cả những muộn phiền ấy trút hết cho Bích. Cô yên lặng hàng giờ nghe anh tâm sự, cố gắng cùng anh tưởng tượng về một tương lai khá hơn cho anh; thế nhưng, cuối cùng bao giờ cô cũng nhận từ anh một gáo nước lạnh hất đi vùng vằng: “Em làm sao hiểu hết được những điều ấy!”. Anh chẳng thèm đếm xỉa những nét u buồn đến tội nghiệp trên gương mặt Bích, anh chỉ biết loay hoay với những trăn trở cho riêng mình.
Một buổi tối thứ Bảy, Khoa đã về nhà. Anh cảm thấy rất ngột ngạt trong căn phòng mười sáu mét vuông, anh lôi chai rượu ra uống một mình. Những suy tư về một tương lai không có viễn ảnh gì sáng sủa ở thị xã nhỏ bé và hiu hắt này thi nhau dằn xé, anh có cảm giác mình như con cá bị bủa trong tấm lưới chật hẹp, càng vẫy càng bị bó chặt. Đang lúc cực điểm của sự bế tắc thì Bích đến. Như người chết đuối vớ được chiếc phao, anh ôm lấy Bích và trút hết vào cô những nỗi buồn, những bế tắc. Bích dịu dàng vuốt ve anh xoa dịu dần sự căng thẳng. Khi sợi dây đã chùng, cô nhận thấy anh chẳng hề yêu cô; cô chỉ là một từ hay một cụm từ điền vào dấu ba chấm đang bị khuyết trong cuộc đời anh, cô lặng lẽ rời khỏi căn phòng ấy và nuốt ực xuống cổ cảm giác buồn, tủi, đớn đau.
Cuộc sống là một chuỗi thất vọng rồi hy vọng kéo dài theo dạng biểu đồ hình sin lay lắt kéo anh vào những giờ lên lớp vô cảm. Cho đến một ngày chuỗi hy vọng ở đỉnh điểm cao nhất là lúc anh nhận được sự chấp thuận về làm việc ở một viện nghiên cứu trung tâm thành phố. Cùng lúc đó, tất cả như nhấn chìm anh xuống điểm cực tiểu khi Bích đến báo tin có một mầm sống đang cựa quậy trong cô. Đó là một đêm mưa. Tiếng mưa rơi đều đều trên mái tôn đưa anh từ từ rớt xuống đến tận cùng. Biểu đồ hình sin cuốn lại chập chờn dùng dằng trong anh. Cuối cùng, như một sợi dây nó kéo nhanh anh lên khỏi vực sâu với một lời từ chối quyết liệt: “Anh đã quyết định rời khỏi nơi này trong tháng tới!”.
Khi buột miệng nói xong câu đó, có lẽ lần đầu tiên trong đời anh nhìn thấy một đôi mắt khác thường như vậy từ Bích. Nó như một tấm thảm trải rộng được đan bằng những sợi dây thương yêu, oán hận, tuyệt vọng đến căm hờn và cuối cùng được gút lại ở đường biên bằng những đường chỉ lạnh lẽo, vô hồn, không cảm xúc. Bích đứng lên, quyết liệt và mạnh mẽ. Cơn mưa bên ngoài đã dứt. Cầm áo mưa cô rũ thật mạnh cố làm rớt hết từng hạt nước nhỏ rồi xếp lại một cách chậm rãi và bước rất nhanh ra khỏi căn phòng ấy.
Cuối cùng mọi việc kết thúc như có một bàn tay sắp đặt khéo léo. Ngày đám cưới Khoa và Bích cũng là ngày anh bước lên xe đò rời khỏi thị xã. Hôm ấy mưa rất to, những giọt nước mưa như những viên đá quất vào mặt anh đau rát và lạnh buốt; dù việc ra đi đã quyết định từ trước nhưng cái tâm trạng của người vội vã chạy trốn vẫn theo anh bao năm trời đằng đẵng về sau và đến mãi hôm nay.
Anh không gặp lại Khoa, Bích từ đó. Tin tức của hai người thỉnh thoảng tạt vào đời anh như những cơn mưa bóng mây, khi nhỏ lúc ồạt. Họ đã có con, một bé gái xinh đẹp nhưng yếu ớt vì được sinh ra và nuôi nấng trong bối cảnh người mẹ bị đau ốm triền miên. Hai năm sau họ chia tay. Người ta nói họ không hợp nhau nhưng anh hiểu Khoa đã làm xong vai trò của mình. Khoa chuyển công tác về một thành phố trên cao nguyên và lập gia đình sau đó ít năm. Còn Bích, sau những chìm nổi trong cuộc đời, như một con bướm được thoát xác cô vươn mình đứng dậy. Nghe nói mấy năm sau cô được đề bạt lên làm hiệu trưởng.
- Xem thêm: Ngắm trăng
Anh bơi ngược bơi xuôi trong bể cuộc đời khi chìm khi nổi cũng đến gần mười năm sau đó mới lập gia đình. Cuộc sống gia đình của anh sẽ hoàn toàn thuận lợi và đầy đủ nếu vợ anh mang đến cho anh những đứa con. Thế nhưng, một năm, hai năm rồi năm năm hy vọng ấy càng ngày càng tắt, càng chờ càng mất. Vợ anh đòi đi khám, nhưng anh nhất quyết không chịu. Anh biết rất rõ điều này. Anh yêu vợ thật sự và anh không muốn cô phải mang tâm trạng người có lỗi.
Anh nhận phần thua thiệt về mình, đó là lần đầu tiên trong đời anh nhận mình là kẻ bại trận: “Có lẽ anh đã lớn tuổi nên không thể có con được. Nếu chúng mình yêu nhau thì sống như vầy cũng tốt rồi” – Anh nói với vợ như thế. Và từ đó căn nhà của họ là hai thế giới riêng biệt. Chị lao vào những đề án, những chương trình, những công việc ngoài xã hội. Anh chìm đắm vào những trang sách dịch, những bản văn tự cổ, những tấm văn bia trải qua nhiều thế hệ. Anh lút đầu sau những cuốn tự điển thật dày tìm lại quá khứ qua những trang tài liệu đã có hàng trăm năm. Cuộc sống của anh như con thuyền trôi chậm rãi, bình an trên dòng sông thời gian đưa con người về đến cái đích cuối cùng nào đó.
Thế nhưng, ám ảnh về những đứa con vẫn không thôi rời bỏ anh. Những giấc mơ của anh thường xuyên có những đứa trẻ bụ bẫm với nhiều tiếng bi bô không rõ nét hay những tiếng cười trong trẻo. Thỉnh thoảng, anh mơ thấy ngôi nhà trên con phố chính có cây xà cừ xòe tán rộng, trên vuông sân thượng đặt sẵn một bàn cờ, có anh và một người đàn ông đang thận trọng tiến thoái đẩy lui mong giành phần thắng cuộc. Xung quanh lũ trẻ con chạy nhảy, chơi ô quan, chơi canh chuông. Có đứa thụp xuống níu lấy người anh, mong được anh che chắn trong một trò chơi trốn tìm… Tất cả những điều đó luôn dằn vặt anh như anh đã từng có những dằn vặt một thời trai trẻở cái thị xã buồn tẻ và uể oải ấy.
***
Con chó hoang đã lần nhích đến sát chân anh tự lúc nào. Anh giật mình khi bàn tay bỗng chạm vào lớp lông mềm của nó. Búng tàn thuốc còn đốm lửa đỏ ra xa, anh đứng dậy và đi về phía bóng tối. Chiếc bóng và con chó lại lẳng lặng theo chân anh trên con đường vắng. Hết con đường có hàng đèn cao áp, anh rơi vào vùng ánh sáng mờ nhạt của những bóng đèn nhỏ đủ soi đường cho anh xuống biển. Mặt trăng ló ra khỏi lùm dương như một con mắt tò mò cố dõi theo anh. Bóng cây in trên bờ cát những vệt đen lờ mờ xiên xẹo không hình thù. Không có một ngọn núi nào che chắn.
Biển lặng như một tấm thảm trải rộng. Không gian bao la và thoáng đãng làm anh ngộp thở! Xuống đến mép nước, anh thấy rõ những con sóng chạm thật nhẹ vào bờ cố không gây nên một tiếng động nào dù là tiếng xạc xào nho nhỏ. Gió se se mang cái lạnh gai gai của đêm đang chuyển dần sang ngày khác. Con chó lúc này đã mạnh dạn hơn. Nó quấn lấy chân anh như muốn tìm một chút hơi ấm. Anh ngồi xuống bờ cát. Con chó phục xuống nằm bên cạnh. Anh lấy tay vuốt đầu con vật. Được bàn tay người thương yêu, nó duỗi mình dài ra và mọp sát đầu xuống cát.
Người ta có thể dối với bất cứ ai, giấu giếm nhiều người nhưng không bao giờ qua mắt được người mẹ. Tối nay anh đã đến ngôi nhà đó. Thời gian phủ một lớp mờ lên tất cả mọi thứ. Anh dựa lưng rất lâu vào cây xà cừ đã có dáng vẻ hơi cỗi vẫn xòe tán xum xuê như tựa vào một người quen cũ. Qua khung cửa kính anh nhìn thấy bộ salon cổ ngày trước. Khi cánh cửa mở ra, một người đàn bà có gương mặt phúc hậu, mái tóc bạc trắng, dáng đi nhẹ nhàng thanh thoát nhìn anh chẳng có gì lạ lẫm hay ngạc nhiên:
– Tôi biết rồi cũng sẽ có một ngày cậu đến đây.
Không mời anh vào nhà, đứng dưới gốc cây xà cừ bằng một giọng nhẹ như gió thoảng bà đã nói với anh:
– Mọi việc qua lâu rồi, chúng tôi đã quên tất cả. Mong cậu hãy hiểu cho là giờ đây chúng tôi đang sống rất bình yên.
Cánh cửa sắt kéo lại. Những bánh xe có lẽ từ lâu chẳng được tra dầu mỡ nghiến ren rét trên đường ray như nghiền nát quả tim anh. Ánh sáng bên trong vụt tắt. Bóng anh hòa tan vào bóng tối dưới cây xà cừ.
***
Mặt trăng đã nghiêng chếch về Tây. Con chó dưới chân anh đã ngủ từ lúc nào. Biển mênh mông là thế nhưng sao không hề nghe tiếng sóng? Cảm giác mỏi mệt thấm dần khắp người anh. Mọi thứ mờảo trước mắt. Anh đứng dậy trở ngược lên con đường đi về nhà nghỉ, bỏ lại sau lưng bờ biển vắng và con chó hoang bằng bước chân của người đi trong vô thức. Thả người xuống giường, anh nằm im cố lắng nghe tiếng sóng từ xa dội lại; thế nhưng, xung quanh anh tất thảy đều yên ắng. Anh đã có một đêm ở biển không hề nghe tiếng sóng.
- Xem thêm: Những buổi chiều cũ
Anh ngủ được chút xíu thì bị đánh thức bởi những âm thanh xôn xao ngoài hành lang. Hình như có một đoàn khách ở xa vừa đến. Màu trời xanh thật nhạt bên ngoài khung cửa sổ đã kéo anh nhổm dậy. Biển gần đến nỗi anh tưởng mình có thể nhảy qua khỏi khung gỗ kia là rơi ngay vào làn nước xanh lơ đó. Anh bước đến bên cửa sổ nhìn xuống đường.
Dòng người đi biển sớm như những quân cờ di động. Hàng dương kéo dài ngút mắt không có điểm dừng. Trời và biển xanh đến nao lòng. Thị xã mang một vẻ đẹp hoang sơ và tinh khiết của một cô gái không hề có chút điểm trang. Anh nhìn mãi những màu xanh được pha trộn một cách hoàn hảo trước mặt với đầu óc trống rỗng và giật mình khi có người gõ cửa phòng mời anh chuẩn bị đi ăn sáng để bắt đầu cho ngày làm việc đầu tiên.
***
Hội nghị được tổ chức theo kiểu bàn tròn tọa đàm. Từng thành viên tham dự lần lượt được giới thiệu. Anh như bị thôi miên vào góc cuối căn phòng. Người ta vừa giới thiệu một đại biểu còn rất trẻ, cô tốt nghiệp ra trường không bao lâu nhưng đã có nhiều công trình nghiên cứu đóng góp cho địa phương và hiện đang là giáo viên trường cao đẳng của thị xã. Một mái tóc xõa dài ôm bờ vai nhỏ nhắn, nụ cười e ấp và khuôn mặt ửng hồng vì thẹn. Anh giật mình. Có phải là tuổi trẻ của anh đó không? Một khuôn mặt quen lắm trong miền ký ức xa thẳm nào đó?
Bên cạnh anh có tiếng một người giới thiệu với một người như muốn khẳng định thêm uy tín cho cô gái: “Con cô Bích, hiệu trưởng trường Trung cấp Y…”. Sống lưng anh lạnh toát. Tay anh run rẩy. Đầu óc anh choáng váng. Mọi việc sau đó diễn ra một cách máy móc đối với anh. Những ánh đèn flash lóe sáng, những ống kính đưa tới chụp gương mặt anh cận kề, bài tham luận và những câu trả lời phỏng vấn bên lề hội nghị… Đầu anh ong ong.
Tim anh muốn vỡ tung ngàn mảnh! Ngôi nhà có cây xà cừ xòe tán rộng và câu nói của một người lại văng vẳng bên tai: “Giờ chúng tôi đang sống rất bình yên…”. Anh đã làm dang dở một thời tuổi trẻ của cả ba người: anh, Khoa và Bích và đã gây nên biết bao sự việc rắc rối trong quá khứở đây. Anh không có quyền làm xáo trộn sự bình yên nơi này một lần nữa. Thị xã vẫn rất yên tĩnh cũng như đêm qua biển không có sóng đấy thôi!
Hội nghị còn tiếp tục một ngày nữa, nhưng chiều tối hôm ấy, không chịu nổi những dằn vặt và nỗi buồn nặng trĩu trong tim, anh rời khỏi nhà nghỉ, ngoắc một chiếc xe đò Bắc – Nam, vội vã giống như một ngày mưa cách đó hai mươi hai năm.
Chiếc xe đò dừng lại một quán ăn bên đường cho tài xế cùng hành khách nghỉ ngơi, ăn tối. Đứng tựa lưng vào một gốc cây nhìn ra quốc lộ nhuộm màu đen thẫm của đêm, anh nghe tiếng hát một người mù ai oán tả cảnh gà trống nuôi con và trách cứ ông trời sao bày vẽ chi nhiều bi kịch bắt người đời phải gánh chịu. Người chủ quán đang pha cà phê cho khách nói bâng quơ một mình theo thói quen muốn tìm ai chia sẻ trong cái đám đông đang lặng lẽ đứng ngồi chung quanh: “Ông ta mù hát rong kiếm tiền mà nuôi con gái tươm tất lắm. Con gái ông học rất giỏi, vừa thi đậu vào trường chuyên thị xã…”.
Câu nói bâng quơ như nhát dao xắn vào quả tim nặng trĩu của anh một nhát thật sâu. Không suy nghĩ gì thêm nữa, anh khoác vội chiếc túi du lịch bước ra đường vẫy một chiếc xe đò Nam – Bắc khác đang ngược về thị xã, bỏ lại sau lưng vài câu suy đoán mơ hồ của đám đông:
– Ông ta vừa lên ở K. ban nãy mà!
– Chắc chợt nhớ bỏ quên gì đó quan trọng lắm nên mới vội vã quay lại như thế!
Người phụ xe xếp cho anh một chỗ ngồi trên băng ghế sau cùng. Ngả đầu vào thành ghế, anh nhắm mắt. Quá khứ, hiện tại, tương lai như đoạn phim quay chậm có nhiều màu sắc khi nhòa, khi tỏ. Luồng gió đêm tạt vào xe mang theo mùi nồng nồng của rơm rạ và của đất hòa quyện với hơi người trong xe tạo thành một hơi ấm xoa dịu dần nỗi đau đớn trong trái tim anh. Biển trước mặt anh trải rộng đến vô cùng và xanh thẫm màu ngọc bích. Vẫn là đêm không hề nghe tiếng sóng.