Dịch cúm gia cầm H7N9 xuất phát từ Trung Quốc từ ngày 1-4, cho đến ngày 6-4 đã ghi nhận 18 trường hợp nhiễm H7N9 trên toàn quốc trong đó sáu người đã tử vong. Đây là tỷ lệ tử vong khá lớn khiến nhiều nước phải cảnh giác cao độ. Có một số lý do đánh giá dịch cúm H7N9 là loại bệnh nguy hiểm. Đó là số ca nhiễm bệnh tăng hằng ngày, tỷ lệ tử vong cao, những người đang điều trị đều ở trong tình trạng nguy kịch, căn nguyên của dịch còn rất mù mờ.
Việt Nam kiểm tra thân nhiệt khách nước ngoài
Riêng tại nước ta các biện pháp ngăn ngừa dịch cúm này đã được áp dụng, trước mắt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vốn là cửa ngõ giao thông quốc tế.
Ngày 5-4, tại cuộc họp của Sở Y tế Hà Nội về ngăn chặn dịch cúm gia cầm H7N9, các chuyên gia cảnh báo có nguy cơ cúm H7N9 bùng phát thành dịch ở Việt Nam.
Theo giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính, các bác sĩ đang điều trị dịch H7N9 ở Trung Quốc cho biết bệnh cúm H7N9 rất nguy hiểm và rất giống với cúm H5N1, virus có độc lực cao làm bệnh rất nặng, hai phổi của người bệnh sũng nước, phù phổi.
Mặc dù dịch chưa đến Việt Nam nhưng nguy cơ lây lan dịch sang nước ta là hoàn toàn có thể. Ngoài giao lưu thông thương, việc gia cầm và phụ phẩm gia cầm nhập lậu vào Việt Nam từ Trung Quốc vẫn ngoài tầm kiểm soát.
Trước mắt, để ngăn chặn lây lan, Việt Nam đã bắt đầu áp dụng trở lại tờ khai sức khỏe với người nhập cảnh từ vùng có dịch. Người trở về từ vùng dịch cũng phải khai báo với cơ quan y tế địa phương để được theo dõi và giám sát sức khỏe.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không ăn gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân và nguồn gốc.
Chiều 5-4, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và các đơn vị trực thuộc triển khai ngay công tác phòng chống dịch cúm H7N9 trên người.
Sở Y tế thành phố yêu cầu thực hiện kiểm tra thân nhiệt bằng máy đo nhiệt độ từ xa đối với tất cả hành khách nhập cảnh TP. Hồ Chí Minh tại các cửa khẩu. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp, cần tiến hành khám sàng lọc, cách ly để hạn chế bệnh lây lan. Các đơn vị phải lấy mẫu bệnh phẩm những người bị nghi ngờ viêm phổi nặng do virút – đặc biệt nếu là người đi từ vùng dịch về hay từng tiếp xúc với gia cầm ốm, chết – gửi về Viện Pasteur để xác định.
Cục Y tế dự phòng cũng cho biết sẽ đưa các đoàn đi kiểm tra, hỗ trợ chuyên môn cho kiểm dịch y tế phục vụ phòng chống dịch cúm H7N9 tại tất cả các tỉnh có cửa khẩu hàng không, đường thủy, đường bộ như Đà Nẵng, Lạng Sơn, Tây Ninh, Khánh Hòa, Hải Phòng…
Thế giới cảnh giác
Hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy loại virus độc hại này lây từ người sang người, nhưng chính quyền đặc khu Hongkong đã tăng cường kiểm tra tại sân bay.
Riêng Đài Loan đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ đối với dịch cúm gia cầm H7N9. Hôm 5-4 vừa qua, cơ quan kiểm soát dịch bệnh của hòn đảo đã yêu cầu các nhân viên y tế sân bay theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của du khách, đặc biệt là những du khách đến từ đại lục. Đài Loan đã thành lập một trung tâm chỉ huy đặc biệt đối với cúm gia cầm H7N9 nhằm theo dõi chặt chẽ tình hình và liệt cúm gia cầm H7N9 vào danh sách căn bệnh phải khai báo.
Tại Nhật Bản, tất cả các sân bay đều treo bảng hiệu cảnh báo rằng hành khách đến từ Trung Quốc nên đến gặp bộ phận y tế nếu mắc phải những triệu chứng giống như bệnh cúm.
Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo vắc-xin phòng H7N9. Theo cơ quan này, sẽ phải mất từ năm đến sáu tháng để có thể tung vắc-xin phòng bệnh ra thị trường.
Các trung tâm y tế có hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Atlanta (Mỹ), Bắc Kinh (Trung Quốc), London (Anh), Melbourne (Úc) và Tokyo (Nhật Bản) hiện đang phân tích các mẫu vi rút H7N9 thu thập được để lọc ra loại tốt nhất dùng cho việc chế vắc-xin.
Trong khi có nhiều ý kiến lo sợ loại cúm gia cầm mới có thể gây ra dịch bệnh giống như bệnh SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp) trước đây, chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định sẽ dồn toàn lực để ngăn chặn loại cúm mới.
Được biết hồi năm 2003, nhiều báo chí nước ngoài cáo buộc nhà chức trách tại Trung Quốc đã cố bưng bít thông tin về dịch bệnh SARS tại nước này.
SARS đã làm thiệt mạng khoảng 10% trong tổng số 8.000 người bị nhiễm trên toàn thế giới.
Khuyến cáo phòng, chống cúm A (H7N9) tại cộng đồng
1. Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
2. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm.
3. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Khi có các biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
5. Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.