Tại Hội thảo quốc tế “Chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2035 thực trạng và định hướng”, do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức ngày 20-6 ở Hà Nội, các diễn giả trong nước và quốc tế đã tập trung làm rõ, hệ thống hóa lý luận về chính sách công nghiệp, chính sách phát triển công nghiệp, kinh nghiệm quốc tế và bài học kinh nghiệm cho nước ta. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ phát biểu: “Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt chủ trương và có chính sách phù hợp để xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm, tập trung vào những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu”.
Để làm được điều này, theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cần có sự chuyển hóa mạnh mẽ hơn nữa, thúc đẩy tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động, khắc phục những hạn chế trong điều phối, thực hiện chính sách công nghiệp kiểu cũ theo chiều dọc mang tính chất tìm kiếm đặc quyền đặc lợi, tập trung vào can thiệp trực tiếp, ưu đãi trong tiếp cận thị trường, bảo hộ một số ngành mục tiêu. Theo đó, Chính phủ phải có chính sách công nghiệp tốt, đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển hóa về cơ cấu ngành, có cam kết thực sự cho khu vực tư nhân trong nước nổi lên, lấy khu vực tư nhân làm trung tâm với những chính sách can thiệp gián tiếp theo chiều ngang.
Ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cũng chỉ ra rằng kinh nghiệm 30 năm đổi mới chứng tỏ chính sách công nghiệp lấy doanh nghiệp nhà nước làm công cụ thực hiện chính sách công nghiệp chính yếu không đem đến thành công và tăng trưởng công nghiệp trong khu vực doanh nghiệp nhà nước đã thật sự chững lại từ giữa thập niên 2000. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy nếu thực hiện công nghiệp hóa trên ý muốn chủ quan và “chọn trước người chiến thắng” thì thường dẫn đến thất bại và chính khu vực tư nhân mới là động lực thật sự của tăng trưởng. Nhà nước cần trao cơ hội để khu vực này có thể bứt phá đưa nền kinh tế đến đích công nghiệp hóa, thay vì tiếp tục đánh cược với sự thành bại của doanh nghiệp nhà nước lần nữa.
Ly Lam (DNSGCT)