Giữa làn sóng mua bán doanh nghiệp ngày càng lan rộng và bối cảnh nhiều công ty Nhà nước tiến hành cổ phần hóa như hiện nay, các yếu tố xoay quanh tài sản vô hình tại Việt Nam liên tục được nhắc đến. Hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh cùng nhiều quy định chưa thống nhất khiến việc định giá tài sản vô hình gặp nhiều khó khăn. Về phía doanh nghiệp, chuyện đầu tư đúng mức cho tài sản vô hình cũng còn là một câu chuyện dài.
Thiếu sáng tạo, giá trị doanh nghiệp khó tăng mạnh
Theo tổ chức OECD, tài sản vô hình cụ thể bao gồm ba loại: thứ nhất là dữ liệu thông tin; thứ hai là các tài sản sáng tạo như bằng nghiên cứu sáng chế, bản quyền…; thứ ba là các tài sản tạo dựng sức mạnh cạnh tranh như thương hiệu, nguồn nhân lực, các mối quan hệ xã hội và bí quyết kinh doanh… Trong đó, yếu tố được quan tâm nhiều nhất thường là thương hiệu, thường chiếm bình quân khoảng 27% tổng giá trị tài sản vô hình (theo dữ liệu của S&P 500), hoặc có thể cao hơn tùy theo lĩnh vực hoạt động. Ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á – Thái Bình Dương cho biết ở các nước phát triển, 70 – 75% giá trị của các công ty là tài sản vô hình, không nằm trong bảng tổng kết tài sản.
Tại Việt Nam, phần lớn giá trị của đa số doanh nghiệp vẫn nằm ở tài sản hữu hình. Chẳng hạn Vinamilk được xác định giá trị doanh nghiệp hơn 7 tỉ USD nhưng tỷ lệ tài sản vô hình chỉ chiếm 14%. Theo đánh giá của các chuyên gia, hàm lượng nghiên cứu sáng chế của Vinamilk cũng như phần lớn doanh nghiệp Việt Nam khác là rất ít so với đa số doanh nghiệp ở các nước phát triển. Điều đó nói lên rằng năng lực sáng tạo của doanh nghiệp Việt vẫn còn ở mức thấp. Số lượng đơn xin cấp quyền sở hữu trí tuệ hiện nay ở Việt Nam là khoảng hơn 5.000 sáng chế/năm, quá khiêm tốn so với con số trên 1 triệu sáng chế của toàn thế giới. Đã vậy, trong 5.000 sáng chế đó thì chỉ có 12% là của doanh nghiệp và cá nhân người Việt, còn lại là đến từ doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học Công nghệ cho biết trong số đơn xin cấp quyền sở hữu trí tuệ của người Việt, số lượng xin đăng ký bảo hộ giải pháp công nghệ chiếm tỷ lệ rất ít và hầu như không tăng qua các năm, trong khi hiện nay đó là yếu tố chính giúp giảm chi phí, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, từ đó khẳng định được giá trị thương hiệu. Một ví dụ điển hình là năm 2015 hãng Apple đã nộp đơn đăng ký gần 2.000 bằng sáng chế, nhờ đó năm 2016 Apple được xếp đứng thứ nhất trong Top 8 doanh nghiệp có giá trị thương hiệu lớn nhất (theo bảng xếp hạng của Brand Finance). Đây cũng là lý do dẫn đến thực trạng nhiều doanh nghiệp Việt đã sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao nhưng khi xuất ngoại vẫn phải núp dưới tên của các thương hiệu có giá trị trên thế giới mới có thể vào được thị trường quốc tế. Việc không được chính danh khiến các doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận, đánh mất nhiều cơ hội trong xâm nhập và mở rộng thị trường mới. Theo các nghiên cứu của Brand Finance, tại đa số các nước, hiện nay việc đầu tư vào giá trị vô hình mang lại lợi ích và lợi nhuận (chỉ số ROI) cao hơn nhiều so với việc đầu tư vào tài sản hữu hình.
Mặt khác, theo số liệu từ VCCI, khoảng 80% doanh nghiệp Việt đầu tư dưới 5% doanh số cho việc phát triển thương hiệu nên sản phẩm không được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng muốn tăng giá trị thương hiệu đơn giản chỉ cần tăng truyền thông, quảng cáo. Ông Samir Dixit cho rằng điều này là chưa chính xác vì thương hiệu được cấu thành bởi rất nhiều yếu tố. Trong khung chỉ số mà Brand Finance sử dụng, tổ chức này đưa vào tính toán và sử dụng rất nhiều yếu tố, từ yếu tố nhỏ nhất là quản trị nhân lực, marketing thị trường để làm ra các bộ chỉ số ESI và JSI.
Theo Brand Finance, JSI là chỉ số sức mạnh quản trị, chỉ số này quyết định 10 – 15% tổng giá trị thương hiệu doanh nghiệp đang có. Ví dụ, Viettel có giá trị thương hiệu gần 2 tỉ USD, 15% của con số đó là khoảng 300 triệu USD phụ thuộc vào việc Viettel tổ chức, quản lý thương hiệu tốt đến mức độ nào. Nếu không quản trị tốt thì doanh nghiệp gặp rất nhiều loại rủi ro khác nhau liên quan đến thương hiệu như rủi ro về sản phẩm, thị trường, pháp lý. Chỉ số sức mạnh thương hiệu ESI cũng rất quan trọng vì nó là một chỉ số tổng hợp tất cả các yếu tố. ESI cho phép các thương hiệu cùng ngành nghề lẫn khác ngành nghề có thể so sánh được mức độ cạnh tranh lẫn nhau. Ví dụ như Viettel so sánh với Vietnam Airlines, Vinamilk…
Nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước
Trong một hội thảo gần đây, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết phần lớn doanh nghiệp Việt vẫn chưa xác định được hoặc xác định chưa đầy đủ giá trị thương hiệu. “Nhà nước có thể bị thất thoát lớn trong quá trình cổ phần hóa, nhất là giai đoạn tới sẽ cổ phần hóa nhiều tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn. Doanh nghiệp có nguy cơ thiệt thòi trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập…” – ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là khía cạnh pháp lý chưa có sự thống nhất về phương pháp đánh giá. Nghị định 109/2008/NĐ-CP về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; Nghị định 59/2011/NĐ-CP về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đều xác định lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm cả giá trị thương hiệu, doanh nghiệp được góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng điều này lại không phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam vì giá trị thương hiệu hay nhãn hiệu hàng hóa được coi là tài sản cố định vô hình.
Ông Đặng Quyết Tiến còn cho biết thêm: Vừa qua nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong xác định giá trị thương hiệu vào tài sản doanh nghiệp. Cụ thể, tên thương mại là quyền sở hữu của pháp nhân, khi góp vốn nhận cổ phần thì pháp nhân đó có còn được sở hữu hay không. Riêng nhãn hiệu hàng hóa thì dễ dàng xác định được chủ sở hữu thông qua hợp đồng góp vốn quy định rõ sử dụng có thời hạn. Tuy nhiên, trường hợp này lại gặp khó trong vấn đề xác định giá trị thương hiệu. Ví dụ gần đây, nhà đầu tư Hàn Quốc trả hàng triệu USD cho Fafim để sử dụng thương hiệu Fafim cho hệ thống rạp chiếu phim họ đầu tư tại Việt Nam. Một thời gian sau khi quyết định tăng vốn, các bên không biết tính giá trị thương hiệu Fafim tăng lên bao nhiêu, cuối cùng đi đến thống nhất để hai doanh nghiệp tự thỏa thuận, nhà nước không can thiệp.
Bên cạnh bị cản trở về pháp lý, thất thoát tài sản còn có nguyên nhân vì doanh nghiệp chưa có ý thức đủ về sở hữu trí tuệ – cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền giá trị tài sản. Năm 2002, Vinataba – công ty thuốc lá thuộc Nhà nước của Việt Nam đã bị P.T. Putra Stabat Industri (một công ty của Indonesia) chiếm đoạt đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và toàn ASEAN. Sau đó Vinataba đã phải chi đến hàng tỉ đồng và tốn nhiều thời gian cho việc bảo vệ thương hiệu ở nước ngoài. Mấy năm trước, nhãn hiệu PetroVietnam của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam cũng bị một doanh nghiệp giành đăng ký tại Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ.
Trước làn sóng sáp nhập thứ hai sắp sửa bước vào giai đoạn sôi động, thị trường Việt Nam hứa hẹn sẽ chứng kiến nhiều vụ mua bán đình đám. Còn nhớ hơn 20 năm trước, thương hiệu kem đánh răng P/S từng được công ty nước ngoài mua lại với giá 5 triệu USD, trong khi giá trị tài sản hữu hình chỉ khoảng hơn 1 triệu USD. Rõ ràng, đầu tư vào tài sản vô hình có thể đạt “một vốn bốn lời” khi doanh nghiệp nhanh nhạy với các xu hướng mới và luôn nghĩ đến đường dài của thương hiệu.