T’re! T’re! T’re! Trong đêm thanh vắng, tiếng dế gáy cứ vang vang. Không biết con dế đã từ đâu chui vào phòng. Mà nó đang ở góc nào vậy cà? Mấy hôm nay Liên cứ tìm hoài sao không thấy. Nhưng cứ đêm đến là nó lại cất lên cái tiếng gáy rất sung, rất vang khiến Liên cứ vừa thiu thiu ngủ phải bừng dậy.
Trong chập chờn nửa tỉnh nửa mê cứ tưởng như mình đang ở quê nhà. Ừ, bao nhiêu năm rồi Liên rời bỏ quê nghèo? Bao nhiêu năm “cơm hàng cháo chợ”, lê lết chỗ này chỗ kia, thay chỗ ở đến nỗi mỗi buổi sáng thức dậy không biết mình ở đâu. Cảm giác cứ chông chênh, hụt hẫng như vừa đánh mất thứ gì. Chừng tỉnh ra mới xót xa: Hóa ra mình đã đánh mất quê nhà!
Nhớ đêm qua gã chồng hờ rủ rỉ:
– Em ráng đợi một thời gian. Anh sẽ ly dị vợ rồi sống luôn với em.
Liên cũng giả bộ gật đầu. Câu này cũng đâu có gì mới. Đàn bà nói bằng mắt, đàn ông hứa qua miệng mà. Mấy tên đi chơi gái tên nào không nói vậy. Dường như những câu “Thêm mắm dặm muối” đó làm cuộc chơi thú vị hơn, nóng bỏng hơn thì phải?
Vậy nên sau mỗi lần gần gũi, sau khi Khanh ra về Liên cứ nằm mở mắt thao láo, nhìn lên trần nhà, rũ sạch những cảnh tượng vừa qua, tưởng như ai đó mới trải qua những phút giây ân ái cuồng nhiệt kia chứ không phải mình, con bé Liên quê mùa, nghèo khổ ngày nào. Hình như sự phân thân ấy có làm dịu bớt nỗi đau hay sao đó nên Liên đã quen tách mình ra như vậy. Nhưng không phải lúc nào Liên cũng tách bạch được. Có khi tiếng rủ rỉ của gã đàn ông giàu có lại gợi trong Liên một giọng nói khác, xa xăm lắm mà sao vẫn còn nóng bừng một bên tai:
– Mình ráng vài mùa lúa nữa nghe em.
Trả xong nợ anh sẽ lo cho mẹ, cho em. Mình siêng năng chịu khó chắc sống được mà.
Sao câu nói cứ âm âm u u trong đầu và ánh mắt thân thiết kia vẫn ám ảnh hoài không thôi. Và còn nữa, còn tiếng lá xạc xào dưới bước chân đi, còn gió thổi mát rượi trên bờ măng cụt, còn tiếng gáy ri… ri… của mấy con dế ngoi lên từ mảnh ruộng cạnh đó mỗi mùa mưa rớt hột rào rào cho môi má ướt đầm nước mưa, thơm ngái mùi hơi nước. Trời ơi, sao mà cái mùi nước mưa ấy, cái tiếng dế gáy râm ran ấy cứ theo Liên vào căn phòng khách sạn sang trọng này khiến bụng dạ lại cồn lên, đau quặn từng cơn, từng cơn…
- Xem thêm: Gốc mận trước sân
– Hay là má để con theo chị Hai Hạnh, lấy chồng Đài Loan?
– Không được! Con hổng thấy mấy đứa làng này đi qua đó, trừ mỗi con Loan con bà Hai Lướt, có đứa nào về đâu!
– Thì cũng chờ vài năm chứ má. Mới đi ai cho về.
– Thôi, làm gì cũng ở nước mình. Mầy muốn mất xác xứ người hả? Báo chí đăng hoài đó.
– Cá biệt thôi má ơi!
Vậy đó. Cãi không lại má, con bé muốn thoát nghèo phải ra chợ, cọ rửa chân tay cho sạch phèn lăn lộn kiếm sống. Những mùa lúa quê nghèo mỗi năm càng thất bát, người yêu thời con gái cũng rơi lại đâu đó trên thửa ruộng thiếu nước, trên mảnh vườn chỉ đủ đất chọi chim.
Đời sống “cơm hàng cháo chợ” lúc đầu chưa quen rồi cũng quen dần. Liên nhín nhút lắm mới đủ chút tiền gửi về cho má nuôi mấy đứa em. Nhưng đâu phải ai cũng muốn sống hoài cái cảnh “con sen, người làm” bưng bê, hầu bàn, rửa chén.
Kẻ đi làm thuê cũng từng bước ngoi lên, từ quán cà phê, quán cơm bình dân đến nhà hàng, khách sạn. Cố cho bằng chị bằng em, cố cho đầy đủ chút tiện nghi phố chợ. Vậy là một đêm say khướt với khách, tỉnh ra đã thấy mình trượt dài xuống con dốc đời rồi, còn biết trách ai!
Mà làng quê càng lúc càng xa. Xa xăm cả lời hứa chắc nịch với má “Con ra thành phố làm ăn vài năm, dành dụm đủ tiền mở cho má một tiệm tạp hóa rồi về. Con không ở luôn ngoài chợ đâu!”. Vậy mà… ba cái tết rồi Liên vẫn không về quê. Chút tiền tết cho má và mấy bộ quần áo cho hai đứa em ở quê chắc không đủ yên lòng bà mẹ nghèo. Nhưng, biết làm sao được!
– Mấy ngày này vợ con anh nó chạy theo “mốt” ăn tết du lịch ở Đà Lạt, Vũng Tàu, tụi mình tha hồ tự do, em về quê làm gì, gửi tiền cho bà già là được rồi!
Vậy là… phải cười gượng, vui gượng, phải đêm đêm ra chợ hoa, chợ tết mua mua sắm sắm, đi bên cạnh gã chồng hờ như kẻ thực sự có gia đình hạnh phúc. Biết đâu chỉ là cắn răng, nhắm mắt cho qua.
Đêm về, nằm trong tay người tình, lòng đau đáu hướng về mảnh vườn cũ nhớ từng vỉ bánh tráng phơi nắng ngoài sân, nhớ dĩa bánh ướt chan nước mắm ớt chua ngọt như món quà đặc biệt của đám trẻ nhà nghèo những ngày cận tết, nhớ cả những đám lắc “Bầu cua cá cọp” trong xóm dưới xóm trên và con đường đất mai vàng nở rực trên sân trước mỗi nhà… Mãi rồi không dám nhớ nữa. Cứ chập chờn sống, chập chờn đi đứng, cả những lúc quan hệ ái ân cũng chập chờn lời hứa hẹn bên tai bất kể lời khuyên của mấy đứa bạn cùng cảnh ngộ:
– Mày phải biết “thủ” cho mình một chút. Đừng ngủ mê giữa ban ngày. Tình cảm của bọn đàn ông trốn cơm nhà đi ăn phở này chẳng lâu bền gì đâu!
Ừ, mà Liên có “ngủ mê giữa ban ngày” không? Hay Liên đã rơi vào trạng thái “mộng du” từ bấy lâu nay?
Người phụ nữ ngồi trước mặt Liên ăn mặc giản dị, mặt để trần không son phấn, tóc búi lại phía sau ót có vẻ tươi mát, gọn gàng. Ừ, sao càng nhìn Liên càng có cảm giác thân thuộc. Hình như Liên đang nhìn vào phiên bản của chính mình, một cô gái hiền lành mộc mạc mới vừa rời quê ra phố chợ.
Vậy ra đó là vợ Khanh, là người đàn bà bị Liên cướp chồng đó sao? Bấy lâu sống cảnh “Già nhân ngãi, non vợ chồng” với gã đàn ông giàu có, chủ yếu Liên chỉ tìm chỗ dựa kinh tế, chưa hề nghĩ đến “người vợ”, nghĩ đến cái gia đình vợ cái con cột của anh ta. Giờ nhìn chị, Liên mới thấy áy náy, xót xa. Cái cảm giác là người thứ ba mới khó chịu, xốn xang làm sao! Nhất là người phụ nữ này đây không hề tỏ vẻ căm hận hay giận dữ. Chị chỉ nhìn Liên bằng ánh mắt rầu rầu, giọng nói rời rạc như mất hết thần sắc:
– Tôi nhờ bạn bè theo dõi giùm mới biết chỗ ở của cô. Anh Khanh cũng không biết gì đâu. Trước giờ cuộc sống vợ chồng tôi vẫn nhợt nhạt như vậy. Nhưng chúng tôi chưa hề cãi nhau to tiếng hay hục hặc gì. Mấy đứa nhỏ vẫn thấy êm ả, bình thường trong gia đình…
– Chị đến đây… Anh Khanh có nói gì sao?
– Không, ảnh tưởng giấu được tôi, không nói gì đâu!
– Vậy chị muốn?
– Tôi không cản được việc chồng tôi tìm cô, chỉ xin cô tiếp tục giữ kín như hiện nay để ba đứa con tôi khôn lớn hơn một chút. Tụi nó đang tuổi ăn tuổi học, lỡ biết ra chúng hư hỏng thì khổ lắm… Tôi chỉ còn bám víu vào đó thôi.
Không biết chị ta nói thật hay đang đi nước cờ cao đầy bản lĩnh đàn bà? Chỉ biết từng lời cứ như từng vết dao cứa vào tim, đau nhói. Hóa ra bấy lâu lăn lộn trong bùn lầy, Liên vẫn chưa “bọc thép” được trái tim mình sao? Hay tại cái dáng vẻ có chút quê mùa đó, tại đôi mắt rầu rĩ và giọng nói mất hết hồn vía kia khiến Liên chạnh lòng?
Tiễn người đàn bà ra cửa, Liên cứ nhìn hút theo. Dáng đi hơi lệch về một bên, gầy gò liêu xiêu sao gợi lên hình ảnh mấy người chị, người mẹ ở vùng quê nghèo xa ngái. Chắc chị ấy cũng người gốc quê. Sự suy đoán làm Liên suýt cười phì. Rõ vô duyên! Ai chẳng là người gốc quê chứ. Đáng nghĩ bây giờ là mình phải làm sao đây? Tách khỏi gã tình nhân giàu có hay nhắm mắt lại sống tiếp. Kín đáo một chút thôi mà. Chị vợ cũng chỉ yêu cầu vậy. Nhưng đã biết vậy rồi, mình yên tâm sao?
- Xem thêm: Vết khắc trên cửa sổ
Con đường làng vẫn chỗ lồi chỗ lõm có vẻ như không có gì thay đổi từ khi Liên về quê lần cuối cách đây ba năm. Má Liên nói:
– Mấy ông khu vực nói đã có kinh phí làm hương lộ này hai năm rồi mà có thấy gì đâu. Mùa nắng còn đỡ, mưa xuống thì ôi thôi…
– Thế nào cũng làm mà má. Cầu Cần Thơ lớn vậy mà đã xong rồi, không lẽ quận mình cứ để con đường vậy hoài.
– Ừ, thì tao cũng mong vậy cho dân đỡ khổ. Có chở rau cải, trái cây ra chợ cũng dễ dàng hơn. Xóm mình ghe xuồng gần hết rồi mà đường xe thì…
Nói chuyện này chuyện kia nhưng sao Liên cứ phải nén lại một câu hỏi cứ muốn buột ra cửa miệng, cái câu hỏi mà vì nó Liên đã đột ngột về đây. Gấp gáp gì! Rồi sẽ biết thôi mà.
Buổi chiều nắng vừa dịu, Liên đã thả bộ ra đình. Không biết vì sao mỗi lần nhìn cái mái đình cong vút in hình đen thẳm lên bầu trời chiều, nhìn mái ngói rêu phong phía trước đã sạt đi một nửa, Liên lại xót xa. Ngôi đình làng này đã một thời oanh liệt nổi tiếng gần xa với cái xoáy nước cuồn cuộn đầu vàm, với khu võ ca hoành tráng từng diễn ra biết bao vở hát bội, hát tuồng cho ghe xuồng khắp nơi tụ về xem nay chỉ còn “vang bóng”, không biết chừng nào mới được trùng tu để dân làng đỡ tủi trong những ngày lễ kỳ yên?
Ngay đầu con đường bước lên lộ lớn, quán xá mọc lên khá nhiều. Nào quán cà phê, quán ăn bình dân, quán nhậu… Mới nhìn qua dễ lầm tưởng xóm này đang ăn nên làm ra. Hình như có một tiệm tạp hóa vừa mới mở. Rề lại coi, một chị phụ nữ trong nhà nách con bước ra, vồn vã:
– Mua gì vậy cô?
Chưa kịp trả lời, Liên đã sững người.
Anh, phải anh đó không? Bất chợt nghe nóng bừng bên tai “Em ráng chờ…”. Người đàn ông cũng khựng lại:
– Liên… Phải Liên không?
– Em đây anh. Em mới về hồi trưa.
– Ừ, lâu quá!
Chỉ có vậy. Vài ba câu hỏi thăm rồi Liên ra về. Không cần hỏi cũng biết đó là vợ con anh. Đã qua biết bao mùa lúa rồi mà. Mừng cho anh đã đạt thành ước nguyện. Một gia đình êm ấm, một tiệm tạp hóa nhỏ trong xóm. Dù sao cũng khiến Liên chạnh lòng. Mình đã hứa với má điều gì, bao nhiêu năm vẫn chưa thực hiện. Thiệt là…
Đêm. Nằm trong căn nhà cũ trong phòng má, tiếng dế gáy râm ran. Cả tiếng uềnh oang trầm buồn của mấy con ễnh ương sau trận mưa đầu hôm. Cố nén mà sao nước mắt cứ tuôn trào. Vậy là câu hỏi đã được trả lời. Rõ ràng, dứt khoát, không cần phải thắc mắc, băn khoăn gì nữa. Mưa vẫn rả rích bên ngoài, những con dế vẫn tiếp tục gáy suốt đêm: T’re… T’re… T’re…
- Xem thêm: Chiều mưa
Nửa đêm, Liên lại thức dậy. Trong phòng khách sạn con dế hôm rồi vẫn còn trốn đâu đó, cứ cất tiếng lúc khuya khoắt như vậy. Hay đó là một con dế khác mới lọt vào? Gã đàn ông bên cạnh vẫn ngủ khì. Chỉ Liên quay quắt, xót xa “Có lẽ đây là lần cuối cùng mình nằm trong căn phòng sang trọng này. Có bấp bênh, trôi nổi thế nào mình cũng không trở lại đây”…
Tiếng dế lại cất lên: T’re… T’re… T’re… Lần đầu tiên Liên nhận ra: Không giống như ở dưới quê, tiếng con dế gáy một mình trong phòng khách sạn sao nghe buồn rầu, lạc lõng thế nào!