Với người dân, có thể đây là thông tin tốt, bởi khi giá cả không tăng thì mức sống sẽ không bị ảnh hưởng nếu thu nhập không đổi. Với nhà điều hành, vốn luôn bị chỉ tiêu “kiềm chế lạm phát” đè nặng từ nhiều năm nay, đây cũng là thông tin tích cực. Một khi lạm phát đã được kiềm chế, việc áp dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ theo hướng nới lỏng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Chỉ có các nhà kinh tế là không cảm thấy lạc quan, sau khi phân tích vì sao chỉ số CPI không tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do sức mua suy giảm, người dân tiết giảm tiêu dùng. Sức mua thấp khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa nhưng không bán được, phải giảm giá để nhanh chóng quay vòng vốn, thu hẹp sản xuất, thậm chí ngưng hoạt động, giải thể. Trong quý I vừa qua, số doanh nghiệp thành lập mới chỉ tương đương với số doanh nghiệp phải giải thể.
Việc chỉ số CPI không tăng sẽ là thông tin tích cực với nền kinh tế nếu trên thị trường hàng hóa dồi dào do doanh nghiệp có năng suất cao, giảm chi phí sản xuất nên chỉ số giá không tăng dù sức mua tăng. Người tiêu dùng không ngần ngại mua sắm, từ đó tác động trở lại đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Còn trong trường hợp của chúng ta hiện nay, chỉ số CPI ổn định không hề do yếu tố năng suất và tổng cầu tăng, chưa kể tình trạng nhập siêu vẫn là một sự nhức nhối.
Trong tình hình kinh tế hiện nay, có lẽ những giải pháp – cả tài khóa lẫn tiền tệ – nên thay đổi. Tổng cầu suy giảm kéo dài sẽ dẫn đến năng lực sản xuất của nền kinh tế giảm xuống, cả doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh lẫn người tiêu dùng đều bị ảnh hưởng. Một chính sách kích cầu song song với khuyến khích sản xuất thông qua việc giảm thuế, giảm phí là điều cần làm lúc này. Đánh thuế cao có thể giúp ngân sách tăng ngay thời điểm ấy nhưng về lâu dài nguồn thu sẽ giảm, đặc biệt trong tình trạng kinh tế suy thoái. Giảm thuế suất, ngược lại, có thể khiến nguồn thu ngân sách giảm trong hiện tại nhưng lại khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều của cải vật chất cho xã hội, người dân tăng tiêu dùng, qua đó lại tăng được nguồn thu cho ngân sách thông qua những sắc thuế khác.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng Chính phủ cần điều hành thị trường một cách đồng bộ, điều tiết giá cả các mặt hàng thiết yếu một cách hợp lý. Không nên để tình trạng mỗi khi CPI có xu hướng giảm thì các doanh nghiệp độc quyền nhà nước lại xem là cơ hội để điều chỉnh tăng giá. Việc cải tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động của hệ thống doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp nhà nước nói riêng là rất cần thiết và là liều thuốc căn cơ cho căn bệnh lạm phát. Bởi chính trong lúc chỉ số CPI ổn định như vài tháng qua, chúng ta càng phải đề phòng nguy cơ lạm phát quay lại vào cuối năm, hệ quả của một sự nới lỏng chính sách tiền tệ. Đó là chỉ tính đến nguyên nhân nội tại phát sinh từ việc tăng cung tiền cho nền kinh tế. Thêm vào đó, vẫn còn một nửa số tỉnh thành chưa thực hiện lộ trình tăng giá dịch vụ y tế, mười tỉnh chưa điều chỉnh bất cứ loại thuế, phí nào và đều có thể tiến hành trong năm nay. Chưa kể đến tác động từ bên ngoài, nếu giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới biến động thì nguy cơ lạm phát càng trở nên rõ ràng. Nền kinh tế rất cần một sự ổn định thực sự là vì thế.
Minh Hằng