Tuy nhiên, cũng như thực trạng chung của toàn ngành xuất bản, sự phát triển về chất của đội ngũ biên tập trẻ đang không bắt kịp sự phát triển về số lượng.
Những nghịch lý của nghề
Từ khi hình thức liên kết xuất bản trở nên phổ biến, dù quyền chính danh biên tập vẫn thuộc về nhà xuất bản (NXB) nhưng trên thực tế thì công ty đối tác thường đảm nhiệm hầu hết mọi khâu, kể cả việc biên tập. Nghịch lý này đang tạo kẽ hở trong quản lý chất lượng sách vì biên tập viên ở công ty liên kết không phải chịu trách nhiệm về các sai sót. Các công ty sách quy mô nhỏ thường trông vào lần biên tập cuối của NXB, các công ty sách quy mô lớn thì do không chịu sự quy định nào về biên chế nên hầu như không có chuẩn mực chung về biên tập.
Trong các đầu sách liên kết xuất bản, tên người biên tập thường xuất hiện trong mục “sửa bản in”. Trên thực tế, công việc gọi là biên tập ở đa số các công ty sách cũng không thật sự có ranh giới so với công việc sửa bản in. Trong khi theo nhà phê bình Lại Nguyên Ân, một biên tập đúng nghĩa phải có được cái nhìn tương lai về cuốn sách: Nó thêm được những nội dung gì cho độc giả? Nó có gì mới hơn so với một loạt cuốn sách có đề tài gần gũi với nó? Bên cạnh đó là sự phát hiện những chỗ sai, chỗ yếu, chỗ thiếu ở bản thảo, đảm bảo những chú thích, bảng chỉ dẫn… Hiện tại, đây gần như đều là những việc quá sức các nhân viên gọi là “biên tập” trong các cơ sở liên kết làm sách vì để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, các công ty phải tuyển cả người chưa có kinh nghiệm. Vậy nên chất lượng của một đầu sách hầu như chỉ tùy thuộc vào mức độ kỹ lưỡng của các tác giả hoặc soạn giả, dịch giả. Đó là lý do tại sao sách mắc nhiều lỗi chính tả, sai sót về nội dung, sách mang tính giải trí tầm thường… vẫn qua được cửa biên tập để ra thị trường.
Gần đây, Dự thảo Luật Xuất bản sửa đổi (đang được xem xét thông qua) đòi hỏi biên tập viên phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp với các điều kiện cụ thể là có ít nhất hai năm làm việc trong ngành, có chứng nhận nghiệp vụ không kể đến một bằng đại học trước đó. Tuy nhiên nhiều người trong ngành lại cho rằng chứng chỉ hành nghề chẳng khác nào một giấy phép con vì trên thực tế, nhiều NXB mời các chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín tham gia biên tập sách, nếu yêu cầu có chứng chỉ sẽ làm khó cho các đơn vị xuất bản. Mặt khác, chứng chỉ là việc của quản lý nhà nước, thực tế nghề nghiệp đang đòi hỏi biên tập viên những phẩm chất mới. Đó là kiến thức về các vấn đề như bản quyền, sở hữu trí tuệ, các thông lệ giao dịch quốc tế về xuất bản – phát hành sách… Để đáp ứng nhu cầu mới, một biên tập viên chuyên nghiệp còn phải có khả năng giải quyết những tình huống tranh chấp trong các hoạt động xuất, nhập khẩu, liên danh, liên kết xuất bản.
Nghề biên tập cũng cần hướng đến chuẩn quốc tế
Cũng theo nhà phê bình Lại Nguyên Ân, hoạt động làm sách ở Việt Nam chỉ mới vận hành theo chuẩn “không bị xử phạt hay thu hồi”, người Việt Nam làm sách còn ở dưới chuẩn làm sách ở các nước tiên tiến. Muốn cải thiện chất lượng biên tập, các NXB, các công ty sách nên hướng đến việc đưa các tiêu chuẩn khắt khe hơn vào sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, giới quản lý xuất bản, hiệp hội của giới xuất bản cũng nên đề xuất những chuẩn làm sách, điều quan trọng hơn là đưa được các chuẩn đó tới các NXB và các đối tác liên kết, tạo nên những trao đổi về những chuẩn nên có, nên vươn tới của sách Việt. Giới làm sách nên hình thành các chuẩn sàn như: Số chữ trong mỗi loại trang, số lỗi chính tả được phép mắc trong một số lượng trang nhất định (để làm cơ sở thu hồi hoặc đình chỉ những sách phạm quá nhiều lỗi in ấn, kỹ thuật)… và các chuẩn trần như việc sách biên khảo cần có các bảng tra cứu (chủ đề, ngữ vựng, tên riêng…) ở cuối sách. Với giới biên tập, khi các chuẩn về làm sách được nâng cao lên, họ sẽ buộc phải nâng cao tay nghề để đáp ứng.
Trong việc sửa đổi luật Xuất bản, một vấn đề khác cũng đã được thảo luận là nên quy định rõ hơn về cơ cấu tổ chức nhân sự, quy trình tổ chức biên tập bản thảo của cơ sở liên kết xuất bản, công nhận thực tế sự tham gia biên tập của đối tác liên kết và quản lý hoạt động này bằng quy định chỉ “biên tập bước đầu, sơ bộ”, NXB vẫn phải chịu trách nhiệm cuối cùng về bản thảo. Như vậy, biên tập viên sẽ được nhìn nhận theo hướng chuyên môn hóa, và dù làm việc ở NXB hay đơn vị liên kết thì yếu tố chuyên nghiệp và trách nhiệm trước luật pháp vẫn phải được đặt lên hàng đầu.
Để ngành xuất bản Việt Nam hướng tới những chuẩn mực làm sách của các nền xuất bản tiên tiến, một trong những việc đầu tiên phải làm là phát triển được đội ngũ biên tập có trình độ và trách nhiệm. Điều đó sẽ quyết định trực tiếp việc nâng cao chất lượng và hiệu quả toàn diện của hoạt động xuất bản.
Cẩm Tú