Những gì đang xảy ra với thị trường chứng khoán nước ta trong nửa đầu tháng 11 chứng tỏ rằng bất cứ thị trường tài chính nào – dù lớn hay nhỏ – cũng đều có sự tương quan chặt chẽ với thị trường toàn cầu. Nói cách khác, một sự kiện kinh tế – chính trị quan trọng xảy ra ở một quốc gia này hoàn toàn có thể gây chao đảo thị trường chứng khoán của một quốc gia khác cách đó nửa vòng trái đất. Nhiều sự kiện còn có tầm ảnh hưởng đến toàn thế giới. Như ít tháng trước, việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) khiến cho thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Điều đó còn bởi vì Brexit ập đến khá bất ngờ, trước cuộc trưng cầu dân ý của người Anh thì đa phần tin rằng người dân nước này vẫn sẽ ở lại EU, nên khi điều ngược lại xảy ra, việc đối phó trở nên vội vã. Có lẽ vì vậy mà các nhà giao dịch trên thị trường tài chính thế giới – và đặc biệt là tại Mỹ – sẵn sàng tiếp nhận kết quả cuộc bầu cử diễn ra ngày 8-11 một cách nghiêm túc nhất có thể. Thay vì “nước đến chân mới nhảy”, các nhà đầu tư đã “nhảy” từ nhiều ngày trước đó. Đây cũng là lý do khiến cho độ biến động giá các loại tài sản, tỷ giá hối đoái, trái phiếu, cổ phiếu… đều tăng mạnh. Các biện pháp phòng ngừa rủi ro như sử dụng các hợp đồng quyền chọn cũng gia tăng đột biến, đặc biệt là đối với những người cần phải mua/bán hàng hóa hay tiền tệ vào những ngày sau bầu cử.
Không cần đợi đến khi kết quả ngã ngũ, thanh khoản trên thị trường tài chính – chứng khoán thế giới đã chùng xuống từ đầu tháng 11. Sự dè dặt hiện diện ở khắp nơi, ít nhà đầu tư sành sỏi nào có động thái mua hay bán với quy mô lớn trước cuộc bầu cử, bởi không ai có thể dự đoán liệu các thị trường chứng khoán lớn có đồng loạt tăng hay giảm điểm mạnh sau đó hay không. Đa phần các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm đã tạm thời rút lui khỏi hoặc giảm tỷ trọng các tài sản mang tính rủi ro cao như trái phiếu, cổ phiếu của doanh nghiệp Mỹ, đồng USD… để lựa chọn các loại tiền an toàn như đồng yen (Nhật) và những loại hàng hóa quan trọng như vàng và các nguyên liệu quý…
Tại nước ta, thị trường cũng có những ngày tăng/giảm điểm khá rõ ràng. Những thông tin hỗ trợ từ trong nước gần như không có và cũng không “kháng cự” lại được xu thế chung đến từ bên ngoài, sự thận trọng trong giao dịch là điều tất yếu. VN-Index vẫn trong vùng 660-670 điểm, kèm theo đó là thanh khoản tiếp tục ở mức thấp. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài thể hiện rõ điều này, khi họ gần như chỉ giao dịch cầm chừng và có phiên giao dịch với khối lượng thấp kỷ lục kể từ đầu năm nay (ngày 4-11). Điểm tích cực duy nhất là khối ngoại vẫn đang thể hiện trạng thái mua ròng nhẹ trên cả hai sàn trong tuần giao dịch đầu tháng 11. Còn với nhà đầu tư cá nhân trong nước, đặc biệt là với những nhà đầu tư có nhiều tiền mặt, việc thị trường có những phiên giảm điểm mạnh dĩ nhiên là cơ hội để họ có thể mua những cổ phiếu tốt với giá rẻ.
Mặc dù thị trường có phản ứng hồi phục ngay khi VN-Index lùi về vùng hỗ trợ quanh mốc 660 điểm, nhưng lực cầu là khá yếu ớt, cả nhóm bluechip lẫn đa phần cổ phiếu đầu cơ đều không thu hút được dòng tiền. Với nhóm cổ phiếu đầu cơ, có thể là do nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh một số mã bất động sản, còn với nhóm bluechip thì rõ ràng chúng đã không còn ở vùng giá hấp dẫn. Đa số chuyên gia đều khuyên nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch và chờ những tín hiệu rõ nét hơn về mặt xu hướng.
Ngọc Khang (DNSGCT)