Từ lâu nông nghiệp luôn là ngành có sức hấp dẫn lớn, nhưng việc thiếu các chính sách hợp lý và những ưu đãi cần thiết từ Nhà nước để giảm bớt rủi ro đã khiến rất ít doanh nghiệp dám tham gia đầu tư. Đó là ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp và chuyên gia tại buổi hội thảo chủ đề “Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng nông thôn mới” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 22-10 vừa qua ở Hà Nội.
Theo TS Tăng Minh Lộc – Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương thì trong nhiều năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2010-2015, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất ít. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản chỉ chiếm 0,96% tổng số doanh nghiệp (trong số này doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 3%); Tổng vốn đầu tư cũng chiếm tỷ lệ rất thấp là khoảng 1% và chỉ chiếm 2,3% về lao động.
Lý giải nguyên nhân, TS Nguyễn Trí Ngọc – Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho rằng các chính sách khuyến khích hiện có chưa đủ mạnh và chưa phù hợp để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Hiện các doanh nghiệp đang gặp khó về tiếp cận đất đai vì phải thỏa thuận với từng hộ nông dân; sau khi thỏa thuận được thì phải chi phí hai lần trả tiền sử dụng đất: tiền thuê hoặc mua đất của người có quyền sử dụng đất đồng thời lại phải nộp tiền sử dụng đất. Thêm vào đó, với các dự án mới, dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hầu hết doanh nghiệp cũng lại phải tự bỏ vốn đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào dự án. Về thuế phí còn bất cập giữa nông sản nhập khẩu, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; khuyến khích sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp, chế biến. Đặc biệt, hạn chế lớn nhất hiện nay là bảo hiểm rủi ro trong sản xuất nông lâm thủy sản do thiên tai, dịch bệnh và biến động giá cả chưa được quan tâm phát triển.
Bổ sung thêm cho ý kiến của TS Nguyễn Trí Ngọc, bà Nguyễn Thị Lan Hương – Giám đốc Công ty CP TNHH Việt Phúc lấy ví dụ: doanh nghiệp của bà kinh doanh về chuối nên đã mời gọi nông dân cung cấp đất rất nhiều. Nhưng do nông dân dễ dao động nên khi nghe có thông tin rằng trồng mắc ca cho thu nhập cao hơn, nhiều hộ nông dân đang hợp tác với bà đã bỏ chuối, chuyển sang trồng mắc ca. Những trường hợp tương tự như vậy đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp. Do đó bà Lan Hương kiến nghị, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể hơn về việc thuê đất của dân và cần kiên định về giá đất. Ngoài ra, bà Lan Hương cũng cho rằng, các tiêu chí để ứng dụng công nghệ cao đang làm doanh nghiệp mất nhiều thời gian vì quá nhiều thủ tục. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần coi trọng và nghiêm túc trong việc kiểm định an toàn thực phẩm để những doanh nghiệp làm ra những sản phẩm sạch có thể tồn tại trên thị trường.
Cẩm Tú theo thông tin từ VCCI (DNSGCT)