Phố thị hay thôn quê gì nhà nào cũng năm bảy đứa. Có nhà còn trên chục, mà chẳng ai than nghèo, thiếu ăn do con đông. Con là tài sản, là lộc trời, cứ đẻ thôi, rồi cũng lớn hết.
Bây giờ đã khác. Lấy chồng lấy vợ thì dễ chứ đẻ con phải tính nhiều bài toán lắm. Tính thời điểm nào có con là phù hợp, ít ảnh hưởng đến sự nghiệp, sinh năm nào hợp tuổi cha mẹ, rồi chọn giờ sinh tốt để đời con sau này giàu có, vinh hiển.
Cũng vì tính toán quá nên phụ nữ bỗng quàng cho mình bao nhiêu là áp lực, đến nỗi… căng thẳng lo lắng và khó có con, càng mong càng khó. Số cặp vợ chồng hiếm muộn ngày càng nhiều. Tốn kém tiền bạc, thời gian mà chưa chắc đã có con…
Ngày trước các bậc cha mẹ thường không gây áp lực với con cái. Chúng không bị ép ăn, ép học, chỉ nuôi sao cho ít bệnh tật, lớn nhanh là mừng rồi. Nếu mong thì chỉ mong con mình khi lớn có chồng có vợ, lại gắn bó với mảnh ruộng miếng vườn, sinh con đẻ cái cả bầy cho vui nhà vui cửa…
- Xem thêm: Hãy nhìn kỹ nhau
Nay con ít nên thành của hiếm, bao kỳ vọng của người lớn được dồn vào… mấy đứa nhỏ. Con trẻ phải học tối tăm mặt mũi với hy vọng trở thành nhân tài như niềm mơ ước của cha mẹ, phải học tất tần tật các môn, đến nỗi đầu con quá tải rồi mụ mẫm.
Vài “món” học được xem như thư giãn tinh thần, nhưng cũng không vui vẻ thoải mái như bọn trẻ quê chơi rượt bắt trốn tìm, lò cò hay ra đồng bắt bướm… Chúng thiếu ngủ, thiếu vui chơi thật sự nên có triệu chứng như tự kỷ.
Chúng làm bạn với máy tính, iPad, iPhone, ít nói cười, thu mình chui vào phòng vì không có ai để chia sẻ, không được trò chuyện hay được ăn cơm cùng cha mẹ. Ép học rồi ép ăn, có nhiều đứa trẻ được tẩm bổ đến nỗi béo phì, sinh ra mặc cảm với ngoại hình của mình, càng xa lánh bạn bè, sống buồn tẻ và khép kín.
Rồi khi con lớn lên, được cha mẹ đầu tư cho du học để mở rộng tầm nhìn, tìm cơ hội đổi đời. Vì điều này, cả con và cha mẹ đều chịu thiệt thòi, thiếu hụt tình cảm. Nhìn tới ngó lui, nhà hiếm con vốn đã vắng người, trống hoác từ dưới bếp đến ngõ, giờ càng hiu quạnh, nhìn đâu cũng thấy nhớ con.
Mâm cơm quạnh quẽ, chống đũa chỉ có ông chồng bà vợ. Không nói ra – vì con đi học nước ngoài gặp bạn bè khoe cũng hãnh diện lắm – nhưng cha mẹ sống nhớ con não nuột thì lòng người nào cũng hiểu rõ.
Đó là phía người lớn, còn con trẻ, chúng cần gì? Chúng cần được yêu thương và sự gần gũi với cha mẹ, anh em. Không phải đứa trẻ nào cũng muốn sớm rời vòng tay yêu thương của cha mẹ để sống tự lập.
Thử đặt vào vị trí các con để cảm nhận mình sẽ như thế nào ở một đất nước xa xôi – dù có thể đúng là chân trời mới – những đêm lạnh lẽo, những bữa ăn nguội lạnh, những khoảng trống nhớ nhà… để hiểu rằng không nhất thiết phải tôi luyện con mình sớm như vậy. Đi học xa nếu có điều kiện là quá tốt, nhưng hãy để các con đủ tuổi và cứng cáp.
- Xem thêm: Tổ trống trải
Gặp mấy đứa đủ nghị lực còn đỡ lo, con mà “yếu yếu” không chừng lại là gánh nặng vì bao nhiêu chuyện có thể xảy ra. Học sinh Việt Nam qua nước ngoài học, sinh viên ngoại quốc còn phải nể, nhưng cũng có nhiều trường hợp tốn hàng tỉ đồng mà trở về cũng không hơn gì mấy lúc đi.
Nuôi con khôn lớn, chắc chẳng có cha mẹ nào không mong con sau này thành tài, thành danh. Nhưng sự mong mỏi quá lớn của cha mẹ vô tình lại đẩy con cái xa ra vòng tay yêu thương của gia đình.
Biết rằng chẳng bậc sinh thành nào nuôi con để mong có ngày được con nuôi. Nhưng sự thật là hãy cho cả con và chính mình được có cơ hội đó: Được nuôi con và được con nuôi. Hãy giúp đôi bên cảm nhận niềm vui được chia sẻ, yêu thương trong chính gia đình mình…