Uy tín cha mẹ đối với con cái nằm ở khả năng biết nuôi dạy con cái, không xem thường, hạ thấp những phẩm chất của trẻ và không tâng bốc trẻ một cách thái quá.
Yếu tố để hình thành uy tín
Cơ sở chính để hình thành nên uy tín của cha mẹ trước con cái, là công việc và cuộc sống của chính họ, những hành vi và cách sống của họ trong xã hội. Gia đình là một yếu tố phức tạp nhưng vô cùng quan trọng. Các bậc cha mẹ đang nắm giữ vai trò quan trọng này và là đáp án, trả lời cho câu hỏi đó trước xã hội, cũng như trước cuộc sống của con cái.
Nếu cha mẹ hành xử một cách trung thực và hợp lý, hoặc đặt ra những mục tiêu tốt đẹp và có ý nghĩa, và nếu như bản thân họ luôn tính toán được “đường đi” trong những việc làm và hành động của mình, có nghĩa là bạn đã tạo được uy tín đối với con cái, mà không cần viện đến bất kỳ sự cố gắng giả tạo nào cả.
Cha mẹ là tấm gương cho con
Mỗi ông bố, bà mẹ cần phải biết một cách rõ ràng những gì muốn truyền đạt cho con cái, bởi việc làm của cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy con cái. Cách bạn giao tiếp với mọi người, nói về họ như thế nào, cách bạn thể hiện cảm xúc khi vui, buồn, tác phong ăn mặc…Tất cả đều có ý nghĩa rất quan trọng đối với con trẻ. Trước tiên, cha mẹ cần phải biết kiểm soát những hành vi của mình, phải thể hiện sự tôn trọng đối với gia đình của mình. Do trẻ thường quan sát rất kỹ những hành vi của người lớn và bắt chước theo, vì thế để bảo đảm uy tín với con trẻ, cha mẹ hãy tránh những uy tín “ảo” trước mặt chúng.
Nhiều bậc cha mẹ thường xuyên cư xử với trẻ bằng đòn roi, thái độ cộc cằn thì cái mà họ có được chỉ là quyền uy, nhưng mang tính đàn áp. Hoặc trẻ con trẻ biết vâng lời, cha mẹ thường ít trò chuyện và giữ khoảng cách với trẻ. Đôi khi, họ còn cư xử với con như cấp trên đối với nhân viên. Có trường hợp, cha mẹ tạo uy tín với con giống như đối xử với bạn bè. Thế nhưng nếu tình bạn đi quá giới hạn, quá trình giáo dục kết thúc và bắt đầu một qui trình ngược, từ đó gây phản ứng ngoài mong đợi.
Tạo sự gắn kết với con cái
Để giữ uy thế trong việc dạy dỗ con cái, cha mẹ cần thừa nhận và khuyến khích tính chủ động đang dần phát triển ở trẻ. Tạo ra những cuộc đối thoại và thảo luận với con cái về các qui tắc ứng xử, cho phép thay đổi một số yêu cầu của mình trong giới hạn hợp lý, lưu tâm đến các ý kiến của con khi thảo luận về các vấn đề trong gia đình. Sự uy tín của cha mẹ còn được thể hiện ở việc sẵn sàng giúp đỡ con cái khi cần thiết, đồng thời phải tin tưởng vào sự thành công trong quá trình tự hoạt động của con.
Cha mẹ cần hỗ trợ về mặt tinh thần cho trẻ, phải thể hiện sự đồng cảm, tình yêu và những tình cảm ấm áp. Những thái độ và tình cảm của cha mẹ có tác dụng thúc đẩy sự tăng trưởng về thể chất cũng như tinh thần của trẻ. Cha mẹ sẽ cảm thấy hài lòng và tự hào về sự thành công của con cái. Lý tưởng nhất là khi cả cha mẹ lẫ n con cái đều không chiếm một vị trí độc tôn thống trị trong nhà, cả hai bên đều có sự tương tác và cộng tác với nhau. Như vậy, trong gia đình sẽ tạo được bầu không khí hài hòa, cho phép tìm kiếm các giải pháp mà không cần đến một cuộc tranh giành quyền lực.
Khi các thành viên trong gia đình đạt được một sự kết hợp hài hòa giữa quyền tự do và sự kiểm soát thường rất gắn bó với nhau, mối quan hệ sẽ đạt tới sự ổn định và mọi người đều hài lòng về nhau. Nếu cha mẹ cố gắng dạy con cái bằng chính tấm gương của mình, thì con cái sẽ luôn tôn trọng và thừa nhận uy tín của cha mẹ.