Ngày 7-11, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã có một bài viết đề cập đến tác động của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư lên đời sống kinh tế toàn cầu. Theo ông, trong mấy thập niên qua, nhân loại đã chứng kiến tác động mạnh mẽ của sự canh tân, của khoa học và công nghệ kết hợp với sự toàn cầu hóa, làm gia tăng tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế và thương mại, kích thích sự phát triển của tầng lớp trung lưu đông đảo và giảm thiểu số người cực nghèo trên thế giới. Thành quả là sự gia tăng tuổi thọ, mức tử vong của trẻ em sụt giảm và số người biết chữ ngày một nhiều hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tốt đẹp đó, ông Guterres cho rằng còn ít nhất hai thách thức mà thế giới cần phải vượt qua, đó là sự biến đổi khí hậu toàn cầu và sự bất bình đẳng trong xã hội. Với thách thức thứ nhất, bão tố và nhiều thiên tai khác ngày càng xảy đến nhiều hơn, với cường độ ngày một cao hơn, sức tàn phá ngày càng lớn hơn. Sự biến đổi khí hậu cũng làm cho nạn sa mạc hóa lan rộng tại nhiều châu lục, đặc biệt tại châu Phi, tạo ra những đợt sóng người di cư rộng lớn, ảnh hưởng đến tiến độ phát triển chung của thế giới.
Thách thức thứ hai là sự bất bình đẳng giữa các thành phần trong xã hội, khi chỉ tám người giàu nhất làm chủ khối tài sản bằng với tài sản của một nửa nhân loại nghèo nhất. Điều này làm sút giảm niềm tin của nhiều người vào mối quan hệ với chính phủ, với các tổ chức quốc tế và các định chế chính trị chi phối mọi hoạt động trên toàn cầu.
Để giải quyết thách thức thứ nhất, đã có Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu và Chương trình Hoạt động đến năm 2030 được tất cả các nước trên thế giới thông qua trong khuôn khổ Các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Nhưng theo ông Guterres, như thế vẫn chưa đủ, con người cần vận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, tiếp theo ba cuộc cách mạng công nghiệp vào những năm 1784, 1870 và 1969. Đó là cuộc cách mạng về công nghệ thông tin kết hợp với trí thông minh nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ nano và các hình thức canh tân khác. Đây sẽ là lời giải cho hai vấn đề nêu trên là sự biến đổi khí hậu và những bất bình đẳng trong xã hội. Trước tiên nó giúp cải tiến mạnh mẽ lĩnh vực giáo dục đào tạo, làm giảm thiểu số người thất nghiệp, thu ngắn cách biệt giữa các thành phần trong xã hội. Công nghệ sinh học, trong đó có công nghệ gien, giúp ngăn chặn nhiều loại bệnh tật nguy hiểm.
Thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, các chính phủ không thể hành động đơn độc, mà cần có những tổ chức liên chính phủ hoạt động trong khuôn khổ những kế hoạch hợp tác dài hạn, với sự hỗ trợ của LHQ và các cơ quan trực thuộc tổ chức này.
- LN tổng hợp