Một cuộc thăm dò vừa được nhà nghiên cứu thị trường Ipsos Mori tiến hành với hơn 100 chủ nhân các doanh nghiệp lớn ở Anh đã cho ra nhiều kết quả khác nhau. Trước tiên, 58% người được hỏi cho biết là doanh nghiệp của họ đã lao đao kể từ cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu EU (Brexit) hồi tháng 6-2016, gần một phần ba cho rằng Brexit không tạo ra một khác biệt nào và 11% còn lại tin là Brexit có những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp Anh. Khi được hỏi về triển vọng của Brexit trong tương lai, 32% trong số này tin rằng hoạt động của họ sẽ nhận được những tác động tích cực trong vòng năm năm sau Brexit; 96% tin tưởng là doanh nghiệp của họ sẽ thích ứng được với những hệ quả do Brexit gây ra; 54% cho rằng điều quan trọng hiện nay là nền kinh tế Anh phải thu nạp được nhiều lao động có kỹ năng; 86% muốn giảm thiểu khối lượng và tính phức tạp của các quy định về thương mại, đồng thời tạo điều kiện dễ dàng cho việc tuyển dụng lao động từ EU.
Tuy nhiên, xét về hệ quả của Brexit, lại có một doanh nghiệp ngoài nước Anh tỏ ra rất lạc quan. Đó là tập đoàn công nghệ máy tính Apple, qua lời phát biểu của Giám đốc điều hành Tim Cook. Trong cuộc diện kiến giữa ông Cook và nữ Thủ tướng Anh Theresa May, người đứng đầu Apple tỏ ra lạc quan trước sự kiện Brexit và xác định là Apple đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm điều hành khổng lồ tại London. Lời tuyên bố được đưa ra trong lúc Phòng Thương mại Mỹ vừa khuyến cáo các doanh nghiệp Mỹ hãy hoãn thực hiện các quyết định đầu tư tại Anh. Tổ chức này có hàng ngàn thành viên, trong đó có nhiều tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh. Sau cuộc gặp giữa Tim Cook với bà Theresa May, Apple đưa ra một bản tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi tự hào rằng sự canh tân và phát triển của Apple đang hỗ trợ gần 300 ngàn việc làm trên khắp nước Anh”. Trung tâm điều hành mới của tập đoàn này sẽ được xây dựng tại khu vực của nhà máy điện Battersea và vào năm 2021, Apple sẽ điều động 1.600 nhân viên đến đó.
Phát biểu về bản tuyên bố của Tập đoàn Apple, ông Myron Brilliant, phụ trách các vấn đề đối ngoại của Phòng Thương mại Mỹ, cho rằng hiện nay các doanh nghiệp Mỹ đang lo ngại về những luật lệ chuyển tiếp sau Brexit, những thách thức mà các luật lệ này sẽ tạo ra trong hai năm tới. Một vài công ty Mỹ đã rút vốn đầu tư về. Điều mà mọi người hy vọng là một hiệp ước thương mại mới giữa chính phủ Anh sau Brexit và tân chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà doanh nghiệp hai nước thực hiện những dự án đầu tư rộng lớn.
- LHCT tổng hợp