Khác với mọi năm, nói về kịch thiếu nhi người ta chỉ thường nhắc đến Ngày xửa ngày xưa của kịch IDECAF, mùa hè năm nay hầu hết các sân khấu đều dựng kịch phục vụ các khán giả nhí. Không chỉ vậy, trên trang web của các sân khấu ngập tràn hình ảnh poster, trailer để giới thiệu các vở diễn. Điều này chứng tỏ, kịch thiếu nhi đã được các sân khấu quan tâm thật sự từ chất lượng đến việc quảng bá chứ không còn là chuyện dựng cho vui.
Sân khấu Hoàng Thái Thanh lên lịch diễn sớm nhất bằng vở Lọ Lem và Hoàng tử. Họa sĩ Kim B. đã tạo nên một sân khấu với các bối cảnh đơn giản mà thơ mộng và vui mắt, từ cảnh trong nhà Lọ Lem cho đến khu vườn, cung vua… Các đạo cụ và ánh sáng sân khấu đã phát huy tốt tác dụng. Phục trang của các nhân vật được đầu tư chu đáo, đẹp mắt và hợp lý. Lọ Lem mặc các bộ váy đơn giản nhưng gọn gàng, tươm tất, trong khi ba mẹ con dì ghẻ thì cầu kỳ, diêm dúa và không thể nào biến họ thành những quý bà sang trọng. Câu chuyện của Lọ Lem và Hoàng tử vẫn lấy cái tứ của truyện cổ tích nhưng bài học lớn hơn mà vở kịch muốn đem lại cho khán giản nhí là hãy đối đãi với mọi người bằng lòng thương yêu dù đó là người đã từng “ăn hiếp” ta. Bài học về tình yêu thương gắn trong những tình huống hài hước của ba mẹ con dì ghẻ tham lam, ngốc nghếch, của ông quan cận thần hay bác chuột già hay cằn nhằn… và trong câu ca điệu nhạc sẽ tự nhiên đi vào lòng khán giả nhỏ. Khán giả người lớn cũng sẽ thấy thú vị với những tình tiết tác giả “phăng” thêm, ví dụ như cảnh Hoàng tử dù đang nóng lòng muốn tìm nhà Lọ Lem nhưng vẫn dừng lại để giúp một chiếc xe gặp nạn, hoặc chi tiết cả Lọ Lem và hai cô em con người mẹ kế đều thử vừa giày thì Hoàng tử sẽ xử lý ra làm sao? Tuy nhiên, cũng có lúc các diễn viên “phăng” hơi quá đà. Có đoạn bà tiên táo nói sẽ biến trái táo của mình thành cỗ xe đưa Lọ Lem đi dự hội thì chú mèo nói: “Vậy là có đến hai chiếc xe lận hả?”. Thật là khó giải thích với các bé vì sao chú mèo nói vậy.
Sân khấu IDECAF cũng đang “tiếp các vị khách nhí” bằng vở Nàng công chúa đi lạc trong chương trình Ngày xửa ngày xưa. Vở kịch nói về một nàng công chúa vì muốn trở thành một người xấu để xem làm người xấu thì có hạnh phúc không. Và từ một điều ước không tốt, nàng công chúa đã bị cuốn đi. Người anh song sinh của công chúa đi tìm nàng khắp nơi, chàng đi vào khu rừng cổ tích, gặp Bạch Tuyết, bảy chú lùn, gặp luôn nhà của cô bé Lọ Lem. Cuối cùng, nàng công chúa cũng được cứu ra khỏi tay thần bóng đêm. Sau khi thử làm người ác như bà dì ghẻ của Lọ Lem, công chúa mới hiểu rằng làm người xấu thì chẳng thể nào hạnh phúc được, luôn mệt mỏi và còn bị mọi người xa lánh nữa. Đây cũng là ý tưởng mà người lớn xem sẽ thấy thú vị và trẻ em xem thì sẽ không muốn làm người xấu. Trong 15 năm làm kịch cho thiếu nhi, sân khấu này luôn nhanh nhạy trong việc nắm bắt đề tài và cách chuyển tải làm sao để thu hút cả thiếu nhi và phụ huynh. Lần này cũng vậy, khán giả nhỏ vẫn say mê xem chú Thành Lộc, Hữu Châu, Đình Toàn, Mỹ Duyên, Đại Nghĩa, Đức Thịnh… diễn, vẫn “cãi nhau nhiệt tình” với các nhân vật. Với vở Nàng công chúa đi lạc, các diễn viên Thành Lộc, Hữu Châu, Bạch Long… đều phải hóa thân thành hai nhân vật trở lên. Khán giả vẫn thấy được “lửa” của diễn viên khi diễn phục vụ thiếu nhi. Khán giả vẫn được ngồi trong một khán phòng nhiều màu sắc và nhạc điệu. Nhưng có vẻ như đạo diễn gặp khó khăn trong các mảng miếng hài từ những tình huống kịch nên đã chọn cách “kể” chuyện hậu đài, những “mánh lới” khi dàn dựng.
Sân khấu Thế giới trẻ diễn lại vở Tên trộm thành Bát-Đa. Vở này đã được dàn dựng và diễn mùa hè năm ngoái, năm nay nhắm thấy vẫn sẽ có nhiều khán giả chưa xem hoặc muốn xem lại có nhu cầu thưởng thức nên đạo diễn Ngọc Hùng mạnh dạn xếp lịch diễn lại. Ngay từ suất đầu tiên, khán phòng của sân khấu này đã đầy kín khán giả, trong đó tỷ lệ người lớn và thiếu nhi là… ngang nhau. Khán giả của sân khấu này phần đông là ở tuổi mới lớn nên cũng muốn đến xem kịch thiếu nhi để được… cười cho đã. Hiểu được tâm lý này nên phải dựng làm sao để phục vụ các em và phục vụ luôn các bạn. Các diễn viên của Thế giới trẻ với cách diễn trẻ trung, tươi mới làm cho khán giả cuốn theo, sáng Chủ nhật nào ở đây cũng náo nhiệt bởi những trận cười và tiếng la hét của cả diễn viên lẫn khán giả. Tuy nhiên, vì bị hạn chế bởi diện tích nên vở Tên trộm thành Bát-Đa chỉ tập trung vào câu chuyện, lời thoại hài hước, còn cảnh trí thì sơ sài và trang phục thì chưa đẹp.
Như mọi năm, Rạp xiếc TP.HCM (nay là Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam) luôn có những buổi diễn dành cho các bé vào dịp hè. Năm nay, nhà hát đã đặt hàng cho đạo diễn Lê Hay dựng vở kịch xiếc Cậu bé người gỗ Pinokio. Đạo diễn Lê Hay có nhiều kinh nghiệm dựng kịch thiếu nhi nhưng vẫn gặp khó khăn khi dựng thể loại kịch xiếc, đó là diễn viên kịch thì không diễn được xiếc, còn diễn viên xiếc thì không diễn kịch tốt. Đó là chưa kể bộ phận hậu đài chưa quen với việc chuyển cảnh kịch, bộ phận ánh sáng chưa quen chuyển đổi liên tục theo nhân vật và cảnh trí. Vì vậy, cả ê-kíp mất khá nhiều thời gian để phối hợp nhịp nhàng, hơn hai tháng thì vở kịch có thời lượng gần hai tiếng đã hoàn thành. Chú bé người gỗ Pinokio vui, dễ thương nhưng tiếc là vẫn như mọi lần, trang phục của các diễn viên của sân khấu này chưa được đầu tư tốt.
Sân khấu Sao Minh Béo cũng “ra quân mùa hè” với vở hài kịch Nữ thần mặt trăng. Đúng hơn thì đây là tiết mục chính nằm trong chương trình Thế giới tuổi thơ. Nữ thần mặt trăng là câu chuyện về tình yêu của người mẹ dành cho hai đứa con của mình. Vì bảo vệ con mà bà phải hoán đổi thân xác với tên chúa quỷ độc ác, còn các con thì phải tìm cách chống lại tên chúa quỷ để đưa mẹ mình trở về với con người thật của mình. Ngoài vở hài kịch, các bé còn được thưởng thức các tiết mục ca nhạc, ảo thuật, xiếc… Minh Béo là một diễn viên được các bé yêu thích nên riêng anh cũng có thể kéo được một lượng khán giả nhất định đến với sân khấu trong mùa hè này và các bé còn có dịp gặp người bạn đồng trang lứa của mình là ca sĩ nhí Bảo An.
Mỗi sân khấu có cách riêng của mình để làm vừa lòng thượng đế nhỏ nhưng điểm chung là các câu chuyện đều vui vẻ, đều nhắc đến lòng bao dung, cái ác được thể hiện một cách hài hước. Các sân khấu luôn tìm cách để thu hút khán giả đến xem kịch của mình và chưa năm nào các bé có nhiều lựa chọn như năm nay. Trong lúc không khí của sân khấu kịch cho người lớn đang buồn vì thiếu hụt kịch bản, diễn viên thì việc nhiều vở kịch thiếu nhi xuất hiện là một tín hiệu vui cho thấy các sân khấu hiểu rằng các bé chính là khán giả tiềm năng cho các vở kịch người lớn sau này. Từ không khí kịch thiếu nhi năm nay, khán giả có thể hy vọng những người làm kịch quan tâm nhiều hơn đến lượng khán giả này để đầu tư các vở diễn chu đáo hơn từ câu chuyện đến diễn xuất, cảnh trí, phục trang…
Lâm Hạnh (DNSGCT)