Một buổi chiều cuối tháng 4-2015, khi ngồi trong căn hộ cũng là xưởng vẽ của mình ở New York, lão nghệ sĩ Carmen Herrera chợt nhớ lại những lần bà đến xem Bảo tàng nghệ thuật Whitney cách đây khoảng 70 năm, khi bảo tàng còn tọa lạc ở khu Greenwich Village và luôn thưa vắng khách tham quan. Khi đó Carmen Herrera còn vô danh, còn ngày nay bà đã là một gương mặt quốc tế với triển lãm cá nhân sẽ được tổ chức trong năm nay ngay tại Bảo tàng Whitney.
Vừa tròn bách niên tuổi thọ vào ngày 31-5 vừa qua, vậy mà Carmen Herrera chẳng quan tâm gì đến tuổi tác, như thể thời gian không chạm được vào bà, bởi bà vẫn miệt mài với những tác phẩm mới, chuẩn bị cho hai cuộc triển lãm trong năm nay, một tại gallery Lisson và một tại Bảo tàng Whitney bề thế, nay tọa lạc ở khu Meatpacking sang trọng với bộ sưu tập tác phẩm khổng lồ, những triển lãm quốc tế lớn và với những dòng người luôn nối đuôi nhau chờ vào thưởng lãm tác phẩm. Trong sưu tập của bảo tàng, có một bức tranh lớn của Carmen Herrera được bà vẽ từ năm 1959 lúc còn là một họa sĩ nghèo khó, chưa được ai biết đến. Bức tranh có tựa Trắng và xanh lục, được Bảo tàng Whitney mua năm ngoái, khi tác giả của nó đã 99 tuổi thọ. Tranh được treo bên cạnh tác phẩm của những tên tuổi lớn của nền mỹ thuật Hoa Kỳ như Frank Stella, John McLaughlin, Ellsworth Kelly và Agnes Martin.
Bà Carmen Herrera sinh ngày 31-5-1915 tại thủ đô Havana của đảo quốc Cuba trong một gia đình làm báo: cha bà là người sáng lập nhật báo El Mundo (Thế giới) còn mẹ bà là phóng viên của tờ báo. Theo chân cha mẹ, bà đã sống những năm niên thiếu ở Pháp, Mỹ trong nhiều thời kỳ, đến năm 1935 mới trở lại quê hương và theo học ngành kiến trúc. Bà lập gia đình với một giáo viên người Mỹ sang Cuba dạy tiếng Anh rồi cùng chồng sang New York định cư từ năm 1954. Bà bắt đầu vẽ tranh từ khi sang Mỹ và đã có vài triển lãm từ năm 1949 tại Pháp nhưng không ai chú ý. Dù là người cùng thời, cùng vẽ với Wilfredo Lam – bậc thầy lớn của hội họa Cuba hiện đại – nhưng Carmen Herrera hầu như sống trong bóng tối, chẳng có chút tên tuổi, không được báo chí nhắc tới. Sau gần sáu thập niên vẽ và vẽ trong âm thầm, mãi tới năm 2004, khi bà đã ở tuổi 89 thì mới bán được bức tranh đầu tiên cho vị chủ tịch danh dự của Bảo tàng MoMA và tranh được tặng lại cho bảo tàng danh giá này. Đến năm 2008, Bảo tàng tư nhân El Museo del Barrio ở East Harlem New York mới làm triển lãm cá nhân đầu tiên cho bà; tiếp đến gallery IKON ở Birmingham (Anh) tổ chức cho bà một triển lãm sự nghiệp và sau đó triển lãm được đưa tới Bảo tàng Pfalzgalerie ở Kaiserslautern (Đức) năm 2010. Hiện tác phẩm của Carmen Herrera có trong sưu tập của nhiều bảo tàng mỹ thuật ở Mỹ.
Tranh trừu tượng theo phong cách tối thiểu của Carmen Herrera thay đổi theo từng giai đoạn sáng tác, song có thể nhận ra trong tranh một sự tiến hóa của khuynh hướng kỷ hà tối thiểu (geometric minimalism), ngày càng đơn giản hóa tối đa chi tiết cũng như màu sắc, chỉ còn vài vệt, vài nét màu trên nền trắng, ngày càng gần với thế giới tâm linh. Nói về tác phẩm hiện nay của mình, bà Carmen Herrera cho biết: “Tôi vẽ thế bởi vì tôi phải vẽ như thế, đó là một sự ép buộc nhưng đem đến cho tôi sự hài lòng”.
Thừa nhận mình chịu ảnh hưởng của nhiều họa sĩ, song bà Carmen Herrera nhớ mãi bài học từ bậc thầy Barnett Newman. Đó là vào giữa thập niên 1950, khi bà và người chồng giáo viên tiếng Anh định cư ở New York, trở thành láng giềng của họa sĩ Barnett Newman: “Khi đó tôi còn rất trẻ, trẻ hơn nhiều so với ông bà Newman. Chúng tôi thường được họ mời cùng ăn sáng vào mỗi Chủ nhật. Tôi biết rất ít tiếng Anh nên chỉ ngồi nghe nhưng câu chuyện rất thú vị”. Và bài học lớn nhất mà Carmen Herrera học được từ Barnett Newman là “Đừng bắt chước bất kỳ ai, bất cứ điều gì”. Cho tới nay, ở tuổi 100 bà vẫn tin rằng đó là bài học hữu ích nhất dù vinh quang đã đến với bà quá muộn!