Báo Jakarta Globe số ra mới đây có đăng bài phân tích của tác giả Venkatachalam Anbumozhi cho rằng các quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt với một loạt tình huống tiến thoái lưỡng nan về chuyển đổi năng lượng. Các nền kinh tế trong khu vực đang phát triển nhanh chóng, mức độ đô thị hóa tăng nhanh trong những năm vừa qua và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu đã tạo ra nhu cầu đối với dịch vụ năng lượng và điện năng chưa từng thấy. Mức sử dụng năng lượng bình quân đầu người của 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện vẫn còn khá thấp, khoảng 0,61 tấn dầu/người, so với con số 1,1 tấn/người ở Trung Quốc, 4,7 tấn/người ở Nhật Bản và 1,69 tấn/người là mức trung bình của thế giới. Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng thương mại của các quốc gia ở khu vực đã tăng lên đáng kể trong 25 năm qua. Khu vực này có 8% nguồn nhiên liệu hóa thạch trên thế giới. Trong đó, gần như toàn bộ trữ lượng than của ASEAN nằm ở Indonesia (83%) và Việt Nam (10%). Khí tự nhiên và dầu mỏ được tìm thấy ở Brunei, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Indonesia và Philippines có trữ lượng năng lượng địa nhiệt đáng kể, lần lượt là các quốc gia sản xuất năng lượng từ các nguồn địa nhiệt lớn thứ hai và thứ tư trên toàn thế giới. Thủy điện phong phú ở Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Bên cạnh đó, tất cả các nước ASEAN đều có Biomass, một nguồn năng lượng phi thương mại phổ biến sử dụng cho nấu ăn và sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á đang đối mặt với những thách thức trong việc phát triển nguồn năng lượng và phân phối chúng từ các địa điểm xa xôi đến các trung tâm sản xuất và tiêu thụ đô thị. Hơn nữa, trình độ phát triển về kinh tế và năng lượng của các nước Đông Nam Á rất không đồng đều. Với tốc độ phát triển như hiện nay, các chuyên gia dự báo việc cung cấp năng lượng của các nước Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng đều đặn từ mức tương đương 619 triệu tấn dầu mỏ vào năm 2013 lên 1.685 triệu tấn vào năm 2040, với mức tăng trung bình hằng năm là 4,7%. Mức tăng dự kiến này cao hơn mức tăng trung bình 4,2%/năm trong thời gian 1990-2013. Khí thải có carbon trong giai đoạn này dự báo cũng sẽ tăng 4%/năm.
Việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch đang được các quốc gia trong khu vực quan tâm và đầu tư rất mạnh. Chính sách này dự kiến đi vào thực tế trong những năm tới và góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng của khu vực. Các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng sạch để đáp ứng các mục tiêu của INDC được dự đoán sẽ tăng đều đặn và đến năm 2030 sẽ cần đến 2.100 tỉ USD cho các nước ASEAN. Khoảng 46% số ngân sách này sẽ phục vụ cho nhu cầu cơ sở hạ tầng của ngành điện, tiếp đó là khoảng 17% cho hiệu suất năng lượng.
- L.Q
Xem thêm:
- Viễn cảnh kinh tế Đông Nam Á khả quan
- Việt Nam được dự báo tăng trưởng GDP nhanh nhất Đông Nam Á trong 2018
- Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng mạnh tại Đông Nam Á