Thiên văn học, hóa học, y học… Các nghề này đã gắn kết với phụ nữ từ lâu, nhưng lịch sử bất công chỉ ghi dấu nam giới, bỏ quên giới nữ.
Marie Anne de Lavoisier: nữ hóa học gia của thời ánh sáng
Ra khỏi tu viện vào năm 13 tuổi để kết hôn với Antoine Laurent de Lavoisier, lớn hơn nàng 15 tuổi, nhưng Marie Anne Paulze đã bị lu mờ trước tài năng chói sáng của chồng. Lavoisier được coi là “cha đẻ của môn hóa học” và tên tuổi ông được ghi quanh tháp Eiffel. Lavoisier có được vinh hạnh này là nhờ sự trợ giúp đắc lực của người hôn phối.
Người phụ nữ trẻ tuổi này đã làm chủ được đồng thời môn hóa học và ngoại ngữ để có thể phổ biến các tác phẩm nghiên cứu của chồng ra khắp châu Âu. Nhà hóa học Lavoisier đã phải nợ người hôn phối của mình một món nợ: bà đã phiên dịch tiểu luận về thuyết nhiên tố bằng tiếng Ailen của nhà hóa học Richard Kirwan. Đây là tác phẩm làm tăng giá trị của giả thuyết riêng của ông về sự đốt cháy và vai trò của di-oxy, tạo ra cuộc cách mạng hóa học.
Vào năm 1789, khi ông xuất bản cuốn chuyên luận Cơ bản về hóa học (Traité élémentaire de chimie) thì bà Marie Anne, học trò cũ của họa sĩ David, đã thực hiện tất cả các sơ đồ thử nghiệm, đóng vai trò tiên phong trong nền hóa học hiện đại. Vì là một đại điền chủ, Lavoisier đã bị chém đầu vào năm 1794, tuy nhiên góa phụ Lavoisier vẫn tiếp nối sự nghiệp của chồng để đem lại vinh quang trong thế giới khoa học.
Esther Lederberg: người tiên phong của ngành di truyền học
Nhà nữ vi trùng học người Mỹ này sinh năm 1922, đã không đoạt được giải Nobel y học. Mặc dù bà được xếp vào hàng đầu trong việc xét giải thưởng ở Stockholm vào năm 1958, nhưng giải Nobel lại được trao cho chồng ba là Joshua Lederberg cùng với George Beadle và Edward Tatum vì đã khám phá ra cơ chế của sự biến đổi gien của vi khuẩn.
Trong bài diễn văn, ông Lederberg đã đề cập đến vợ mình như là một người cộng sự trung thành nhưng không nêu tên bà. Tuy nhiên, bây giờ giới khoa học đã công nhận Esther là người đầu tiên nhận dạng được tiến trình này và cũng thừa nhận 4 nhà khoa học đã cùng làm việc với nhau trong thời gian dài.
Chien-Shiung Wu: nhà nữ vật lý học vô đối thủ
Người phụ nữ Mỹ gốc Hoa Chien-Shiung Wu được các đồng nghiệp suy tôn là “nữ vật lý học gia vô song của thời đại”, “không có đối thủ trong lĩnh vực”, đã mất vào năm 1997. Tsung-Dao Lee, nhà vật lý học về phân tử này có một địa vị rất đặc biệt để đánh giá về Chien-Shiung Wu: vào năm 1956 khi ông tìm cách chứng minh giả thuyết về tính tương tác yếu, thì người cộng sự đắc lực của Viện Đại học Columbia (New York) cũng đang chú tâm đến.
Sự chứng thực thử nghiệm được thực hiện bởi Chien-Shiung Wu đã làm đảo lộn nguyên lý về điện từ trường. Tuy vậy, năm sau, chỉ có Tsung-Dao Lee và đồng nghiệp Yang chia nhau giải Nobel. Một sự “lãng quên” kỳ thị đối với nữ giới của Ủy ban xét giải thưởng của Stockholm đã đi vào lịch sử.
Vai trò đóng góp cho khoa học của Chien-Shiung Wu chỉ được công nhận vào năm 1978 khi chỉ mình bà nhận được giải thưởng Wolf, Giải thưởng Wolf được trao tặng lần đầu tiên và hiện nay được xem như “đối trọng” của giải Nobel vật lý.
Rosalind Franklin: người đã phát hiện ra cấu trúc của ADN
Nữ hóa học gia người Anh, Rosalind Franklin, đã trở thành biểu tượng của các nhà nghiên cứu bị đánh cắp công trình. Vào năm 1962, hai nhà sinh vật học Crick và Watson đã chia nhau giải thưởng Nobel y học cùng với nhà vật lý học Wilkins cho công trình phát hiện ADN.
Thực ra, chính Rosalind Franklin, cộng sự với Wilkins đã tạo ra từ tia X hình ảnh đầu tiên của cấu trúc vòng xoắn đôi này. Bà mất vào năm 1958 do bệnh ung thư và đã không nhận được giải với danh nghĩa truy tặng. Tuy nhiên, 3 nhà khoa học này đã bị canh chừng để tim xem bao nhiêu cliché mà họ đã ăn cắp của bà trong việc tìm hiểu phân tử của người sống.
Lise Meitner: người đã biến đổi lịch sử của nguyên tử
Sinh ra ở nước Áo vào năm 1878, gốc Do Thái, lấy bằng tiến sĩ vật lý ở Berlin vào năm 1907. Để tiếp tục các công trình nghiên cứu, bà đã nghiên cứu cùng với nhà vật lý lừng danh Max Planck do không thể nghiên cứu một mình do viện đại học không chấp nhận phái nữ. Tại đây, bà gặp nhà hóa học Otto Hahn (bên cạnh bà trong ảnh) và đã hợp tác nghiên cứu rất hiệu quả với nhà hóa học này. Tuy nhiên, do sự bành trướng của Đức Quốc xã và sự lệ thuộc của Áo, nên bà đã phải trốn qua Thụy Điển vào năm 1938.
Tuy vậy, Otto và Lise vẫn tiếp tục công trình nghiên cứu qua trao đổi thư từ cho đến khi khám phá ra nhân phóng xạ có thể tự phân chia. Lise Meitner đề nghị đặt tên cho hiện tượng này là “sự phân hạch” và tính toán siêu năng lượng được tạo ra. Tuy nhiên, chỉ có Otto Hahn và phụ tá của ông nhận giải Nobel hóa học vào năm 1944 do khám phá ra sự phân hạch mà không ai đề cập đến Lise Meitner. Tuy vậy, mặc dù không khí bài Do Thái lan rộng, vẫn không ngăn chặn được công trình nghiên cứu của 2 nhà khoa học. Và họ đã chia nhau giải thưởng cao quý khác vào năm 1966. Cuối cùng, với lòng tôn kính dành cho bà, năm 1982, một thành phần hóa học tổng hợp mới được đặt tên là “Meitnerium”.
Jeanne Villepreux-Power: nhà sinh học gia bị dìm
“Tính chất của công việc và phương pháp thực nghiệm của bà Villepreux-Power đã mở ra cánh cửa cho cộng đồng khoa học về cách thức tự học”, theo nhận xét của nhà sinh học Josquin Debaz vào năm 2012. Tuy vậy, trong môi trường khiêm tốn số phận đã không mỉm cười với Jeanne Villepreux. Bà sinh năm 1794 ở Juillac, tại Corrèze, sau đó bà lên Paris vào năm 18 tuổi và sinh sống tại đây như một người thợ thêu. Sau đó, bà kết hôn với James Power, thương gia người xứ Ai-len và bà được chồng đưa về sống tại Messine.
Sau đó, người thiếu phụ này đã học nhiều ngoại ngữ, khoa học và trở thành nhà tự nhiên học. Bà đi bộ khắp đảo Sicile và viết một cuốn bản thảo về thú rừng và hệ thực vật. Sách được xuất bản vào năm 1842 và trở thành cuốn cẩm nang không chỉ của người dân Sicile mà còn cả cho các nhà khoa học và khách du lịch. Không cảm thấy hài lòng với sự quan sát các hải thực vật trong môi trường thiên nhiên, bà bèn nuôi chúng trong bể kính để khảo sát, các bể này được gọi là “lồng Power”.
Như vậy, trên nguyên tắc, bà đã thiết lập được phòng thí nghiệm về sinh học biển. Nổi tiếng khi còn sống và bà đã bị chôn vùi trong quên lãng sau khi bà mất vào năm 77 tuổi. Tài liệu nghiên cứu của bà cũng bị mất sạch sau vụ đắm tàu vào năm 1838. Phải nhờ đến nhiệt huyết của người đồng hương Claude Arnal, sinh cùng làng, đã làm sống lại những ký ức về bà và đến năm 1997, tên bà đã được đặt cho miếng núi lửa trên sao Kim.
Marthe Gautier: người phát hiện nhiễm sắc thể 21
Vào năm 1955, Marthe Gautier, một bác sĩ nhi khoa trẻ tuổi, đã được cấp học bổng để làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Harvard (Massachusetts) trong 1 năm. Tại đây, bà học được những kỹ thuật hiện đại trong nuôi cấy tế bào, tiền đề cho những công trình nghiên cứu trong tương lai của bà. Trở về lại Paris, bà tiếp tục công trình nghiên cứu với GS Turpin của bệnh viện Trousseau. Chính tại đây, bà đã đóng vai trò chủ yếu trong việc tìm thấy một nhiễm sắc thể dư thừa ở những trẻ bị hội chứng Down (Mongolisme). Đó là sự phát hiện nhiễm sắc thể 21.
Nhưng phát hiện của bà không được quan tâm đến. Vào năm 1958, Marthe Gautier cho một đồng nghiệp mượn các lá kính (lamelle) khảo sát của bà. Và bà không bao giờ thu hồi lại được vì Jérôme Lajeune đã cho báo cáo ở một hội nghị ở Canada về phát hiện nhiễm sắc thể 21. Không một lời đề cập đến người nữ đồng nghiệp.
Tức thì, bà viết: “Tôi cảm thấy bị tổn thương và nghi ngờ mưu mô xảo quyệt này. Tôi có cảm giác là người phát hiện thực sự đã bị bỏ quên”. Quá bực mình, bà quyết định xin chuyển qua khoa khác và trở thành người tiên phong về chuyên khoa tim mạch trẻ em. Chỉ có tên Jérôme Lajeune là gắn liền với nhiễm sắc thể 21. Mãi đến năm 2014, Marthe Gautier mới nhận được Bắc đẩu bội tinh và giải thưởng lớn của Hiệp hội Di truyền Pháp.
Mileva Maric Einstein: thiên tài khác của thuyết tương đối
Vào thời điểm nào mà cô nữ sinh viên gốc Serbia đã tham gia vào sự xuất hiện của thuyết tương đối? Bà có được vinh dự chia sẻ chiến công này hay chỉ một mình Albert Einstein? Vấn đề này đã gây ra một cuộc bút chiến từ thập niên 1980 và sự công bố thư từ qua lại giữa 2 người. Vào năm 1896, Mileva là người phụ nữ duy nhất được nhận vào học tại Trường Bách khoa Liên bang Zurich (Thụy Sĩ). Tại đây, bà gặp Albert Einstein và họ làm việc chung với nhau, trước khi kết hôn vào năm 1903.
Hai năm sau, Einstein công bố nhiều công trình nghiên cứu sáng tạo mà quan trọng nhất là về hiệu ứng quang điện. Chính cái này đã giúp cho Einstein đoạt giải Nobel vào năm 1921 và một giải khác với phương trình nổi tiếng E=mc2. Những công trình này chỉ ghi tên một mình Albert Einstein trong khi ông lại gọi những công trình như là công trình chung: việc sử dụng thường xuyên cụm từ “của chúng tôi” hay “công trình của chúng tôi” trong những lá thư của Albert gởi cho vợ, chứng tỏ rằng sự hợp tác của 2 người trong công trình nghiên cứu là rất gắn kết.
- Xem thêm: Để trở thành nhà khoa học từ tuổi “teen”
Các tác giả có khuynh hướng nghiêng về vai trò của Mileva trong sự phát hiện thuyết tương đối, đã kể lại câu sau đây mà Albert Einstein đã viết trong thư đề ngày 27 tháng 3 năm 1901: “Tôi sung sướng và hãnh diện biết bao khi chúng tôi, tôi và vợ tôi, cả hai đã cùng nhau nghiên cứu công trình về chuyển động tương đối đã đi đến thành công!”. Mileva đã hoàn thành chương trình tiến sĩ khi có thai lần đầu tiên, đã dành thời gian chăm sóc cho 2 đứa con của họ. Sau cùng, cặp đôi đã ly dị vào năm 1919, nhưng Albert Einstein đã phủi bỏ công lao của người vợ cũ để nhận lãnh giải Nobel cho mình.