Không chỉ các họa sĩ – nhà giáo có nhiều năm gắn bó với Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Victor Tardieu, Joseph Inguimberty, Alix Aymé… mới vẽ tranh đề tài Việt Nam, có nhiều họa sĩ Pháp từng đến xứ sở hình chữ S bên bờ Biển Đông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị lịch sử và thẩm mỹ. Nhiều bức hiện thuộc về các bảo tàng tại Pháp và các nước khác, nhiều bức được đưa lên các sàn đấu giá lớn như Sotheby’s, Christie’s…
Marie-Antoinette Boullard-Deve (1890-1970)
Nữ họa sĩ Marie-Antoinette Boullard-Deve sinh năm 1890 ở Paris. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris (École des Beaux-Arts de Paris), các tác phẩm thời kỳ đầu của bà chịu ảnh hưởng của trào lưu Art Deco thịnh hành lúc bấy giờ. Vào những năm đầu thập niên 1920, bà cùng chồng sang lập nghiệp ở Đông Dương. Trong những năm ở Việt Nam, Marie-Antoinette Boullard-Deve đã vẽ khá nhiều tác phẩm mô tả sinh hoạt, trang phục cũng như đời sống tinh thần, văn hóa truyền thống của cư dân Hà Nội và Đồng bằng Bắc bộ.
Năm 1921 Boullard-Deve nhận được một giải thưởng hội họa của Hải quân Pháp, năm sau tranh của bà được trưng bày tại Triển lãm Thuộc địa ở Marseille. Bà cũng tham dự một sự kiện mỹ thuật rất quan trọng là Triển lãm Thuộc địa quốc tế ở Paris năm 1931, triển lãm đầu tiên đã phát hiện các tài năng hội họa từng là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Vũ Cao Đàm, Georges Khanh… Tại triển lãm này, Boullard-Deve đã vẽ một bức bích họa dài 40m cho gian triển lãm Đông Dương, thể hiện sự đa dạng và phong phú của cư dân Đông Dương trên một nền vàng sang trọng. Một phần của bức tranh tường này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Quai Branly ở Paris, nơi trưng bày tác phẩm nghệ thuật và hiện vật của các nền văn minh châu Phi, châu Á, châu Đại Dương và châu Mỹ. Tác phẩm này được so sánh với bức bích họa hoành tráng của Victor Tardieu tại giảng đường chính của Trường Đại học Đông Dương (ngày nay là Trường Đại học Quốc gia Hà Nội).
Bức tranh sơn dầu Cảnh một gia đình Việt Nam của Boullard-Deve được đưa lên sàn đấu giá Sotheby’s ngày 3-10-2016 và được bán với giá 35.463 USD. Tranh được vẽ năm 1932 với khổ vuông nhằm tạo ấn tượng về sự thân tình cũng như sự tập trung chủ đề, thể hiện năm nhân vật Việt Nam: ở trung tâm là một chú bé mới chập chững biết đi, ba người đàn bà trong trang phục ba miền Bắc-Trung-Nam vây quanh chú bé, còn nhân vật thứ năm là một bé gái đứng cạnh đó. Khung cảnh đặc trưng Việt Nam với những tàu lá chuối xanh nhiều sắc độ ở hậu cảnh, cùng chiếc bình gốm men lam rất phổ biến trong đời sống người dân bản xứ. Với những hình ảnh tượng trưng trong tác phẩm, tác giả muốn nói rằng chú bé chính là sự khai sinh của một nước Việt Nam hiện đại trong tương lai.
Ngoài một phần bức tranh tường vẽ năm 1931, trong sưu tập của Bảo tàng Quai Branly còn có hai bức tranh sơn dầu khác của Boullard-Deve.
André Maire (1898-1984)
André Maire là học trò của họa sĩ André Devambez tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris, tuy nhiên người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp hội họa của ông là Émile Bernard, một tên tuổi của trào lưu Hậu Ấn tượng (Post-Impressionism), bạn cùng thời với Vincent van Gogh, Paul Gauguin, Paul Cézanne.
André Maire đến Việt Nam vào nhiều giai đoạn, đầu tiên là chuyến đi đến Sài Gòn năm 1918-1919, làm thầy giáo dạy vẽ tại đây rồi trở về Pháp và lấy Irene Bernard, con gái của Émile Bernard vào năm 1922. Ông từng mở gallery tại Tây Ban Nha, Ấn Độ và châu Phi. Năm 1946, André Maire nhận được Giải thưởng Lớn khu vực Tây Phi (thuộc Pháp), nhờ đó được du hành đến các nước Mali, Bờ Biển Ngà, Dahomey và Senegal. Đi đến nhiều vùng đất, hành trang ông mang theo luôn có các dụng cụ để vẽ bất cứ lúc nào và ở đâu. Trong Thế chiến II, bị phát xít Đức bắt làm tù binh, ông đào thoát khỏi trại giam. Trong 13 năm sống tại Đông Dương, lâu nhất là tại Việt Nam, ông từng được mời giảng dạy tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và chỉ trở về Pháp năm 1958. Ông có nhiều tác phẩm về Việt Nam, đặc biệt là một bộ tranh khắc gỗ chủ đề Sài Gòn, được triển lãm năm 1930 với vựng tập có lời giới thiệu của Émile Bernard.
Maurice Menardeau (1897-1977)
Maurice Menardeau sinh năm 1897 ở Limoges (Pháp), lớn lên thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris nhưng đến tuổi 19, khi Thế chiến I bùng nổ ông bỏ học, gia nhập quân đội và trở thành sĩ quan thông tin. Chiến tranh kết thúc, ông quyết định trở lại với hội họa và theo học Dominique Charles de Fouqueray, họa sĩ của hải quân Pháp.
Cuộc triển lãm tranh đầu tiên của Menardeau tại Phòng triển lãm của Hội họa sĩ Pháp (Salon des Artistes Français) năm 1925 cho thấy tài năng của ông đã sớm được ghi nhận. Do được trao một giải thưởng mỹ thuật nên Menardeau có được chuyến du hành tới Ai Cập và vùng Ấn Độ Dương vào năm 1931. Năm 1936, ông được phong tặng danh hiệu “Họa sĩ chính thức của hải quân” giống như Charles Fouqueray, nhờ đó mà được chu du trên các chiến hạm của Hải quân Pháp đến Biển Đỏ và Somalia, rồi từ châu Phi ông tiếp tục đến với châu Á. Ở những vùng đất xa lạ đã đi qua, Menardeau đã vẽ rất nhiều về cuộc sống, phong cảnh, con người bản địa.
Trong hành trình đến Việt Nam, khi đó là thuộc địa của Pháp, Menardeau đã sáng tác nhiều tranh màu nước và sơn dầu thể hiện những cảnh sắc tuyệt đẹp của vịnh Hạ Long, những đền đài, lăng tẩm ở Huế và sinh hoạt thường nhật của người dân. Sau những hải trình đến nhiều nước trên thế giới, cuối đời Menardeau lui về sống ẩn dật trên đảo Maurice ở Ấn Độ Dương (khi đó là thuộc địa của Anh, đến năm 1968 mới được độc lập, trở thành nước cộng hòa Mauritius) và mất tại đây.Ông được ví như “Gauguin của đảo Maurice” và hiện trên đảo quốc nhỏ bé này có một bảo tàng mang tên Maurice Menardeau.
René Bassouls
Đến hôm nay người ta vẫn chưa biết cụ thể năm sinh và năm qua đời của René Bassouls; chỉ biết ông – như nhiều họa sĩ Pháp du hành khắp thế giới (chẳng hạn Gaston Roullet, Henry Vollet, Louis Rollet và Henri Mege) đã cùng chia sẻ tình yêu đặc biệt đối với Việt Nam. Tranh của họ là những tư liệu nghệ thuật quý giá, cho thấy những nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa và cảnh sắc của nhiều vùng đất lạ mà họ có cơ hội đến với.
Một số tác phẩm của ông vẽ về Đông Dương đã được đưa lên các sàn đấu giá vào năm 2012, trong đó có bức vẽ một đám rước ở Bắc bộ năm 1927 với trang phục và các đồ tế lễ mang màu sắc tâm linh thật đặc sắc, một tư liệu quý cho chúng ta hôm nay.
Còn nhiều họa sĩ Pháp thời Đông Dương như Charles de Fouqueray (1869-1956), Gaston Roullet (1847-1925), Lucien Lièvre (1878-1936), Henry Emile Vollet (1861-1945), Louis Rollet (1895-1988), Paul Sarrut (1882-1969)… đã vẽ nhiều tranh đề tài Việt Nam. Thật tiếc khi trong sưu tập của các bảo tàng ở nước ta không hề có tác phẩm nào của họ.