Cơ quan Quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) có thể thông báo xếp hạng năng lực giám sát an toàn hàng không cho Việt Nam ở hạng 1 (catetory 1) trong vài tuần tới. Điều này đồng nghĩa với việc các hãng hàng không của Việt Nam sẽ được phép mở đường bay thẳng trực tiếp sang Mỹ.
Thông tin trên được hai quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ với hãng tin Reuters mới đây.
Các hãng hàng không Việt Nam như Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways đều đã bày tỏ mong muốn bay trực tiếp sang Mỹ nhưng vẫn chưa thể làm được điều này vì FAA chưa xếp hạng an toàn hàng không cho Việt Nam vào hạng 1. Tuy nhiên, việc các hãng hàng không Việt Nam có chuẩn bị đầy đủ để kịp khai thác đường bay thẳng sang Mỹ trong năm nay nếu như được FAA cấp phép vẫn còn là một dấu chấm hỏi.
Hồi tháng 12-2017, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, nói với trang tin FlightGlobal rằng Vietnam Airlines hy vọng sẽ mở đường bay thẳng đến Mỹ vào cuối năm 2019.
Ông cũng cho biết Vietnam Airlines cân nhắc sử dụng máy bay Boeing 777X hoặc Airbus A350-1000 cho tuyến bay thẳng giữa TPHCM và Los Angeles (Mỹ) với hành trình dài hơn 16 tiếng qua chặng đường 13.145km. Nếu đến cuối năm 2019 mà Vietnam Airlines vẫn chưa sở hữu hai dòng máy bay này, hãng dự định sử dụng máy bay A350-900 để bay sang Los Angeles nhưng phải dừng kỹ thuật ở Osaka, Nhật Bản.
Theo FlightGlobal, nếu Vietnam Airlines chọn Boeing 777X để phục vụ tuyến bay thẳng sang Mỹ thì đến năm 2021, hãng Boeing mới giao Boeing 777X cho Vietnam Airlines.
Hồi tháng 6-2018, 7 tháng trước khi được cấp phép bay, hãng hàng không Bamboo Airways cam kết đặt mua 20 chiếc Boeing 787-9 để phục vụ cho các kế hoạch bay thẳng qua Mỹ và châu Âu. Trong nhiều năm qua, hãng hàng không VietJet Air cũng mới chỉ nêu ý tưởng thành lập một đơn vị bay chặng dài chi phí thấp.
FAA xếp mức đánh giá hạng 1 cho một nước dựa vào sự tuân thủ của nước đó đối với các quy định an toàn hàng không quốc tế và các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Tạp chí Aviation Week cho biết năm ngoái, FAA đã gửi một nhóm công tác đến Việt Nam để tiến hành thẩm định an toàn hàng không.
Phản hồi trang tin FlightGlobal về thông tin trên của Reuters, FAA cho biết: “Để đạt được mức đánh giá hạng 1 theo chương trình Thẩm định an toàn hàng không quốc tế (IASA) của FAA, một nước phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn của ICAO, cơ quan phụ trách hàng không của Liên Hợp Quốc, chịu trách nhiệm thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế và giới thiệu các thực hành đối với hoạt động bảo dưỡng và vận hành máy bay. FAA sẽ ra thông báo nếu Việt Nam được xếp hạng theo chương trình IASA trong tương lai”.
Hiện tại vẫn chưa có đường bay thẳng trực tiếp nào giữa Việt Nam và Mỹ dù nhu cầu du lịch và thăm viếng bạn bè, bà con giữa hai nước là rất lớn. Do vậy, các hàng khách muốn bay từ Việt Nam sang Mỹ và ngược lại cần phải quá cảnh ở những sân bay lớn ở các thành phố châu Á như Hồng Kông, Seoul hay Tokyo.
Bất cứ đường bay thẳng mới nào giữa Việt Nam và Mỹ đều là tuyến bay thẳng lần đầu tiên giữa hai nước. Việt Nam đã đón nhận các chuyến bay của các hãng không Mỹ trong những năm gần đây. Năm 2004, United Airlines là hãng hàng không Mỹ đầu tiên bay đến Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh ở Việt Nam chấm dứt vào năm 1975. Tuy nhiên, hãng này chấm dứt đường bay Hồng Kông – TPHCM vào tháng 10-2016.
Thị trường đi lại hàng không của Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ với mức trung bình 16% mỗi năm trong giai đoạn 2010-2017, theo dữ liệu của Cục Hàng không Việt Nam. Các hãng hàng không Việt Nam bao gồm cả hai hãng hàng không giá rẻ VietJet Air và Jetstar Pacific, đều là các khách hàng lớn của hai hãng sản xuất máy bay Boeing và Airbus.