Khi mà ngành du lịch toàn cầu tiếp tục tăng trưởng mạnh, những điểm nóng du lịch đang tìm cách hạn chế đám đông du khách để bảo tồn và giữ gìn bản sắc.
Trước đây, đối với ngành du lịch, các thành phố và trung tâm văn hóa trên thế giới đều mong muốn “càng đông khách càng tốt” và gần như không hề chống lại những lợi ích hấp dẫn từ sự bùng nổ kinh tế. Nhưng hiện nay các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử đang ngày càng trở nên quá tải với lượng khách du lịch ồ ạt và các hệ sinh thái quý hiếm cũng đang chịu áp lực rất lớn.
Lấy ví dụ thành phố Venice của Ý. Với 30 triệu du khách mỗi năm và trung bình 80.000 du khách mỗi ngày, thành phố cổ kính – kỳ quan kiến trúc này đặc biệt dễ bị tổn thương trước những hiểm họa do sự đông đúc quá mức. Các lối đi hẹp và những quảng trường xinh đẹp không phù hợp với sự ồn ào, chen lấn của đám đông. Thêm vào đó là những quan ngại về mực nước của thành phố – khiến cho Venice gần như không còn là nơi có thể cư ngụ được đối với dân bản địa.
Theo số liệu năm 2016, lượng du khách đến thành phố cao hơn 140 lần so với dân địa phương. Trong nỗ lực bảo tồn thành phố, chính quyền đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm hạn chế sự đông đúc quá mức. “Chúng tôi không thể ngăn mọi người đến thành phố và cũng không muốn làm thế, nhưng chúng tôi phải điều chỉnh lượng du khách” – Thị trưởng Luigi Brugnaro nói.
Tháng 12-2018, Venice công bố sẽ bắt đầu thu phí đối với du khách đến thăm thành phố trong ngày. Thị trưởng Brugnaro giải thích rằng khoản phí này “sẽ giúp chúng tôi quản lý thành phố tốt hơn, giữ cho nơi đây sạch đẹp, mang lại các dịch vụ tiên tiến cho du khách và cũng giúp cho người dân sống lịch thiệp hơn”. Điểm đến Bhutan đã đặt tiền lệ cho việc thu phí du khách. Venice hy vọng rằng họ cũng sẽ thận trọng kiểm soát ngành du lịch và đám đông du khách như quốc gia vùng Himalaya đã làm được.
Đầu năm 2018, vào những ngày cuối tuần có lượng du khách cao nhất của năm, Venice từng triển khai một số biện pháp nhằm làm dịu bớt tình trạng quá tải. Cụ thể, du khách không được đến những thắng cảnh chính như quảng trường Piazzale Roma và cầu Constitution Bridge. Du khách cũng bị cấm đi bộ dọc theo con đường nổi tiếng Strada Nuova. Thành phố còn lắp đặt cổng tại một số cầu để hạn chế số lượng du khách.
Những biện pháp này theo sau chiến dịch #EnjoyRespectVenezia mà thành phố đề ra vào năm 2017 như một nỗ lực nhằm khuyến khích hành vi du lịch “có tâm” hơn và xử phạt những ai có hành vi thiếu tôn trọng. Chiến dịch giới thiệu một bộ quy tắc mới cho du khách và những người vi phạm sẽ đối mặt với mức phạt lên đến 500 euro. Venice cấm các hành vi như bơi lội trên kênh đào, dừng quá lâu trên cầu hay tổ chức picnic tại các khu vực công cộng.
Trong khi đó phong trào tìm kiếm “một bức ảnh hoàn hảo” ở New Zealand đang đe dọa đời sống hoang dã và tính nguyên vẹn của hệ sinh thái. Đỉnh Roys là điểm đến thu hút hàng ngàn du khách hăm hở trải qua 5-7 giờ đi bộ đường dài và xếp hàng chờ đến lượt để có được một “backdrop” chụp ảnh lưu niệm. Hậu quả là lượng khách đến vùng Wanaka tăng 12% từ năm 2016 đến 2018. Lượng khách quá lớn đã làm thay đổi địa hình của tuyến đường và cơ quan bảo tồn đã phát đi cảnh báo khẩn cầu du khách nên quan tâm đến việc bảo vệ đời sống hoang dã.
Thủ đô Amsterdam của Hà Lan cũng đang đối mặt với những vấn đề tương tự. Tháng 12-2018, hội đồng thành phố đã phải gỡ bỏ dòng chữ biểu tượng “I, Amsterdam” ở trước Bảo tàng Rijk sau khi nó trở thành một vị trí thời thượng để du khách chụp hình đăng lên mạng xã hội. Dòng chữ này được lắp đặt lần đầu vào năm 2004 như là một phần của chiến dịch tiếp thị cho ngành du lịch. Nhưng lượng du khách tìm đến đây để selfie quá đông không chỉ làm cho dòng biểu tượng này “bị giảm giá trị” mà cũng thu hút thêm một lượng khách không mong muốn.