Bảo tàng quốc gia Anh ở London hiện đang đối mặt với vụ kiện đòi bồi thường 30 triệu USD xuất phát từ một bức tranh của nhà danh họa Pháp Henri Matisse vốn được trưng bày thường xuyên tại đây nhiều năm qua. Bức tranh vẽ chân dung nữ nghệ sĩ Margaritta Moll, người từng là học trò của Matisse và từng được một số họa sĩ Pháp vẽ chân dung.
Ba người cháu của bà Margaritta Moll và chồng bà là ông Oskar Moll đã đệ đơn kiện tại một tòa án ở phía nam thành phố New York; nội dung đơn kiện cho biết bức tranh nói trên đã bị đánh cắp từ chủ nhân – bà Margaritta Moll – trong những năm diễn ra Thế chiến II và dù sau đó nó là tài sản của bất kỳ ai thì cũng không có căn cứ pháp lý, do vậy quyền sở hữu hợp pháp bức tranh phải thuộc về những người thừa kế của ông bà Moll. Nguyên đơn đòi Bảo tàng quốc gia Anh phải hoàn trả lại tác phẩm cho họ hoặc bồi thường khoản tiền 30 triệu USD là giá ước tính trên thị trường hiện nay của bức tranh.
Câu chuyện về bức tranh
Theo đơn kiện, Henri Matisse vẽ bức chân dung Margaritta Moll vào khoảng giữa năm 1907-1908, khi nàng Greta (tên gọi thân mật của Margaritta) và Oskar Moll đều là học trò của nhà danh họa người Pháp tại Paris. Cũng trong thời gian đó, Oskar mua bức tranh và sau đó cùng vợ trở về nước Đức quê hương và họ đã sống ở đó khi chế độ phát xít Hitler lên cầm quyền. Bị chính quyền quốc xã coi là phần tử “suy đồi” và bôn-sê-vich, Oskar Moll không được giảng dạy tại Düsseldorf, trong khi các tác phẩm điêu khắc của vợ ông bị đưa ra trưng bày trong một cuộc triển lãm có tên “Nghệ thuật suy đồi” ở Munich. Đôi vợ chồng nghệ sĩ ở lại Đức suốt những năm Thế chiến II nhưng phải ẩn mình ở vùng nông thôn cho đến khi kết thúc chiến tranh mới về lại Berlin vào năm 1946.
Bức chân dung Greta Moll vẫn tồn tại sau chiến tranh, đến năm 1947 thì ông Oskar Moll qua đời và nó thuộc sở hữu của người vợ. Khi chuẩn bị sang Anh sống cùng cô con gái ở đó, bà Greta Moll gửi nó cho một học trò cũ của mình để nhờ anh ta chuyển bức tranh sang Thụy Sĩ cất giữ trong kho của một nhà buôn tranh. Không dè “giao trứng cho ác”, người học trò tham lam đã bán bức tranh cho nhà buôn tranh ấy rồi bỏ trốn sang Trung Đông. Theo nguyên đơn, rõ ràng đây là một vụ đánh cắp tác phẩm. Từ Thụy Sĩ, bức chân dung Greta Moll được đưa sang Mỹ vào năm 1949 dưới danh nghĩa là thuộc sưu tập của gallery Knoedler & Co mà ngày nay đã không tồn tại. Sau khi được mua đi bán lại nhiều lần, bức tranh thuộc sở hữu của gallery Lefevre ở London và Bảo tàng quốc gia Anh đã mua nó vào năm 1979. Nguyên đơn cho rằng Bảo tàng quốc gia Anh đã bỏ qua một yếu tố quan trọng liên quan đến tác phẩm của một tác giả nổi tiếng thế giới, đó là bức tranh do Matisse vẽ đã được “giao dịch tức thời sau Thế chiến II”. Họ có bằng chứng cho thấy ngay từ năm 1947, bà Greta Moll đã không biết được bức tranh bà sở hữu hiện ở đâu, ngay cả trong những thư từ bà viết vào năm 1954 Greta Moll tin rằng nó đã bị thất lạc.
Khởi đầu của vụ kiện
Trong một bức thư gửi Bảo tàng quốc gia Anh ngày 27-4-2015, luật sư của nguyên đơn là David Rowland khẳng định gia đình các hậu duệ của ông bà Moll “giữ quan điểm không thay đổi, theo đó bức tranh Matisse đã bị đánh cắp trong thảm họa của Thế chiến II và nay tác phẩm đó phải được trở về với khổ chủ không được chần chừ ngày nào”, nếu không bảo tàng sẽ phải đối mặt với một vụ kiện. Trả lời bức thư, giám đốc mới được bổ nhiệm của Bảo tàng quốc gia Anh là bà Gabriele Finaldi cho biết bảo tàng không thể trả lại bức tranh dựa theo những căn cứ pháp lý mà bà đưa ra. Trong một thông báo gửi tạp chí mỹ thuật online Artsy, các hậu duệ của gia tộc Moll nêu rõ bức chân dung bà Greta Moll đã được “chuyển nhượng bất hợp pháp” ngay sau Thế chiến II: “Greta Moll, nhân vật trong tranh cũng là sở hữu chủ bức tranh, không bao giờ bán hay chuyển nhượng bức chân dung vẽ bà cho bất kỳ ai, và nó vẫn hoàn toàn thuộc về những người thừa kế của bà, gia đình Moll. Thật đáng tiếc vì Bảo tàng quốc gia Anh đã khước từ trao trả lại bức chân dung đó cho những người thừa kế nên gia đình Moll không còn chọn lựa nào khác là đâm đơn kiện bảo tàng để lấy lại những gì gia đình đã mất mát”. Khi Artsy công bố thông báo nói trên, Bảo tàng quốc gia Anh đã không đưa ra bình luận gì.
Thế nhưng theo ông Nicholas O’Donnell, một chuyên gia trong lĩnh vực tranh chấp của Hãng luật Sullivan & Worcester ở Boston đồng thời là chủ biên tạp chí trên mạng Art Law Report thì vụ kiện này rất phức tạp: liệu một tòa án ở Mỹ có thẩm quyền can thiệp vào trường hợp này, khi mà chính phủ Anh quốc, chủ thể quản lý Bảo tàng quốc gia Anh cũng liên quan đến vụ kiện; và liệu cánh tay dài của luật pháp Hoa Kỳ có đủ sức với tới một quốc gia có chủ quyền là nước Anh? Đáp lại, luật sư của nguyên đơn cho rằng điều đó hoàn toàn có thể, một lý do đưa ra là tòa án ở Mỹ có đủ thẩm quyền để bảo vệ tài sản của những công dân Mỹ (gia tộc Moll).
Xem ra vụ kiện này còn kéo dài và kết quả có thể không như mong đợi của gia đình các hậu duệ ông bà Moll, bởi trước đó không lâu đã có một vụ kiện tương tự mà nguyên đơn đã thất bại trong việc đòi lại một bức tranh cũng bị đánh cắp trong Thế chiến II. Đó là trường hợp bà Marei von Saher, một công dân Mỹ gốc Do Thái sống ở New York đâm đơn kiện Bảo tàng Norton Simon ở Pasadena (California) đòi trao trả tác phẩm bộ đôi Adam và Eva, được họa sĩ Đức thời Phục hưng Lucas Cranach the Elder (1472-1553) vẽ khoảng năm 1530, vốn thuộc sưu tập của ông Jacques Goudstikker, nhà buôn tranh Hà Lan gốc Do Thái và đã đào thoát khỏi đất nước này khi Hà Lan bị phát xít Đức chiếm đóng trong Thế chiến II, bỏ lại nhiều tác phẩm quý giá, trong đó có bức Adam và Eva. Bà Marei von Saher là cháu của ông Jacques Goudstikker. Hai bức tranh sau đó thuộc về tên trùm quốc xã Hermann Göring nhưng sau chiến tranh được quân Đồng minh tìm thấy và giao lại cho chính quyền Hà Lan lúc đó. Không hiểu sao, bức tranh lại được bán cho Stroganoff-Scherbatoff – một nhà quý tộc người Nga vào năm 1966 và Bảo tàng mua lại hai bức tranh này vào năm 1971.
Khi diễn ra vụ kiện thì Stroganoff-Scherbatoff lại cho rằng hai bức tranh là của gia đình ông ta từ xa xưa nhưng bị chính quyền Xô Viết tước đoạt rồi sau đó bán lại cho ông Jacques Goudstikker vào năm 1931. Cuối cùng, sau nhiều phiên tranh tụng tòa án đã ra phán quyết cho phép Bảo tàng Norton Simon được quyền giữ tác phẩm bộ đôi Adam và Eva, một phán quyết đã gây nhiều tranh cãi. Liệu vụ kiện Bảo tàng quốc gia Anh của gia đình Moll cũng sẽ có kết quả như thế?
- Đông Hà