Trình bày báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đảm bảo chất lượng giáo dục, ông Đào Trọng Thi – chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – cho biết giáo dục phổ thông hiện còn quá nhiều bất cập. Đơn cử như hệ thống trường trung học phổ thông chuyên được hình thành nhằm phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu về một số môn học để phát triển năng lực sáng tạo, nhưng trên thực tế nhiều trường chuyên chỉ chú trọng luyện thi đại học hơn nhiệm vụ bồi dưỡng, phát triển tài năng. Đồng thời, việc quá chú trọng mở rộng quy mô của một số trường chuyên khiến mục tiêu đào tạo nhân tài trở nên mờ nhạt.
Trong thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, báo cáo giám sát cho thấy, quy trình biên soạn chương trình – sách giáo khoa ở một số khâu còn thiếu tính khoa học, chưa bảo đảm tính liên thông, thống nhất giữa các cấp học, môn học, còn thiên về trang bị kiến thức, chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện tư duy sáng tạo và năng lực tự học cũng như giáo dục kỹ năng, nhất là kỹ năng sống và đạo đức học sinh.
Với một báo cáo đầy màu xám về giáo dục phổ thông mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa ra, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết 20% ngân sách dành cho giáo dục tuy là một ưu tiên nhưng không đáp ứng được nhu cầu, chưa bảo đảm được điều kiện để nâng cao chất lượng GDPT ở mức tối thiểu. Trong khoảng phân bổ này, 80% chi ngân sách là dành cho con người, chỉ 20% cho các hoạt động khác của nhà trường. Mức chi này đã từ 20 năm trước và giờ vẫn vậy, nói chung là chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của giáo dục phổ thông.
Gia Minh tổng hợp