Vẫn còn quá sớm để biết được tác động đến mức nào của việc nước Anh rời khỏi EU (Brexit) đối với thị trường tác phẩm mỹ thuật thế giới, nhưng có những dấu hiệu cho thấy Brexit đã phủ một lớp mây xám lên các cuộc đấu giá diễn ra ngay sau khi đa số dân Ăng-lê nói “không” với châu Âu và có thể tác động tiêu cực tới hai sàn đấu giá Sotheby’s và Christie’s những ngày tới.
Theo hãng tin Bloomberg nhận định, kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Anh có ảnh hưởng ra sao đối với thị trường sẽ được biết cụ thể hơn qua các buổi đấu giá tác phẩm mỹ thuật Ấn tượng, hiện đại và đương đại mà theo truyền thống sẽ được tổ chức tại hai nhà Sotheby’s và Christie’s vào cuối tháng 6-2016. Trước hết, Brexit đã khiến nhiều đồng tiền mất giá, đặc biệt là đồng bảng Anh và thị trường tài chính toàn cầu chao đảo dẫn tới người mua (tác phẩm mỹ thuật) không khỏi do dự, ngần ngại trong khi nhiều người bán cũng không muốn đưa hàng họ ra thị trường lúc này vì sợ mất giá. Pilar Ordovas, một nhà kinh doanh tác phẩm mỹ thuật ở London – nơi đặt trụ sở của Christie’s và là nơi khai sinh nhà đấu giá lớn nhất thế giới Sotheby’s – cho biết: “Có một sự thận trọng nhất định cho tới khi chúng tôi biết rõ những gì sẽ diễn ra cùng với Brexit. Trừ phi bạn bắt buộc phải mua, còn thì tại sao phải làm như thế lúc này?”.
Tuy nhiên, có thể thấy hậu quả nhãn tiền của Brexit đối với buổi đấu giá diễn ra tại nhà Christie’s London chiều 22-6, trước khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh được công bố (23-6). Trong bầu không khí bất an vì chưa rõ người dân Anh sẽ nói “Ở lại” hoặc “Rời bỏ” EU, buổi đấu giá các tác phẩm Ấn tượng và hiện đại đó đã có kết quả khá thảm hại. Mười hai trong tổng số 33 lô tác phẩm được đưa lên sàn đã không bán được và doanh số chỉ đạt 37,6 triệu USD, thấp hơn nhiều so với dự kiến 54 triệu USD – 80 triệu USD, quá thấp so với doanh số buổi đấu giá tác phẩm tương tự được tổ chức vào một chiều cuối tháng 6 năm ngoái: 113 triệu USD. Thậm chí, kết quả này còn tệ hơn so với buổi đấu giá ở Christie’s London vào cuối tháng 6-2009, khi mà cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang ở cao điểm, lúc đó doanh số còn đạt 60,4 triệu USD.
Trong buổi đấu giá đầy nỗi lo lắng, hoang mang chiều 22-6, phần lớn người mua chỉ chọn tác phẩm giá thấp, từ 50.000 USD cho tới 1 triệu USD. Chỉ có một số tác phẩm trào lưu Ấn tượng đạt được mức giá cao hơn dự kiến, trong đó có bức tranh phong cảnh khổ nhỏ của Pierre-Auguste Renoir (1,6 triệu USD), hay một bức tượng chân dung cỡ nhỏ của Auguste Rodin (778.000 USD). Một bức tranh trừu tượng của Wassily Kandinsky cũng được mua với giá 2,6 triệu USD trong khi một tranh lập thể của Fernand Léger được mua với giá 1,8 triệu USD. Ngôi sao của buổi đấu giá, bức tranh chân dung Quý bà Hanka Zborowska do Amedeo Modigliani vẽ năm 1917 đạt mức giá cao nhất: 12 triệu USD.
Trước đó, trong buổi chiều 21-6, buổi đấu giá tranh Ấn tượng tại nhà Sotheby’s cũng không đạt được kết quả như mong đợi, kể cả tranh Claude Monet vốn rất được ưa chuộng: bức Đường làng cổ kính ở Argenteuil ông vẽ năm 1872 chỉ bán được với giá khiêm tốn 5,7 triệu USD, thấp hơn nhiều so với giá dự kiến gần 10 triệu USD. Nói về buổi chiều khá là ảm đạm này, bà Mary Hoeveler – một nhà tư vấn về mỹ thuật ở New York cho biết: “Quả là một thời điểm lạ lùng của nền kinh tế châu Âu, với cái bóng mờ mờ của Brexit giữa những sự kiện mù quáng khác. Người bán giữ lại tác phẩm, kết quả là chẳng có mấy tác phẩm gây được chú ý. Thị trường vẫn khát tác phẩm tốt nhưng thật khó tìm thấy lúc này”.
Trong bối cảnh ấy, vẫn có hai điểm sáng là bức chân dung Jeanne Hébuterne với khăn phu-la của Modigliani được bán với giá gần 52,8 triệu USD, còn bức Người đàn bà ngồi – Picasso vẽ chân dung người tình Fernande Olivier được bán với giá 63,5 triệu USD, đều cao hơn mức giá dự kiến. Tuy nhiên, trong buổi đấu giá sẽ diễn ra chiều 28-6 dự kiến Sotheby’s London chỉ đạt doanh số khoảng 35,5 triệu – 50,2 triệu bảng Anh trong khi vào ngày này năm trước con số là 130,4 triệu bảng Anh.
- Lê Bản