Các nhà bảo tồn sinh học Indonesia tuyên bố bông hoa lớn nhất thế giới đang tồn tại ở nước này. Hoa xác thối khổng lồ có đường kính lên tới 111 cm, vượt xa kỷ lục 107 cm của một cá thể cùng loài nở cách đây vài năm.
Các nhà bảo tồn tìm thấy bông hoa Rafflesia tuan-mudae lớn nhất từ trước tới nay trong khu bảo tồn tự nhiên ở làng Marambuang Nagarai Barini ở Tây Sumatra, Indonesia. Người dân địa phương cho biết đây là bông hoa đầu tiên nở trong cụm 5 cây.
Rafflesia tuan-mudae được đặt theo tên của Sir Stamford Raffles, người đầu tiên trông thấy loài hoa này ở Indonesia vào đầu thế kỷ 19. Hoa Rafflesia tuan-mudae mọc ở một số nước Đông Nam Á. Một mẫu vật đường kính 100 cm từng được ghi nhận ở Philippines.
Chuyên gia Ade Putra thuộc Cơ quan Bảo tồn Agam trên đảo Sumatra cho biết: “Đây là bông hoa Rafflesia tuan-mudae lớn nhất từng được ghi nhận trên thế giới”. Theo Ade Putra, cán bộ Cơ quan bảo tồn huyện Agam, bông hoa sẽ nở rộ một tuần rồi khô héo và chết.
Những cánh hoa màu đỏ như nhung lấm chấm đốm trắng của bông hoa này vẽ nên một đường kính lên tới 111 cm. Kích thước này lớn hơn đường kính kỷ lục 107 cm mà một bông hoa cùng loại xác lập cách đây vài năm tại vùng rừng phía Tây Sumatra.
Hoa xác thối sống ký sinh trên cây nho tetrastigma. Khi mầm cây bắt rễ vào thân cây nho, nó phát triển trong khoảng 9 tháng trước khi nở thành bông hoa màu đỏ cam rực rỡ với những chấm trắng lốm đốm. Trong thời gian một tuần, mùi hương đặc trưng của bông hoa thu hút nhiều con ruồi bay tới, giúp phát tán phấn hoa tới các cây nho khác. Hoa Rafflesia tuan-mudae tỏa ra mùi nồng nặc giống một loài hoa xác thối khác ở Indonesia tên Amorphophallus titanum, có chiều cao lên tới 3 mét.