Bạn đã biết chạy bộ đều đặn mang lại rất nhiều lợi ích, nhưng bạn cũng có quá nhiều lý do để trì hoãn việc tập luyện chạy bộ. Làm thế nào để chạy bộ không còn là một cực hình?
Làm thế nào để vượt qua rào cản tâm lý khi bước vào tập luyện chạy bộ? Làm thế nào để biến điều “không thể” thành “có thể”? Đó là điều băn khoăn thường gặp ở những người ít vận động. 9 “bí kíp” sau sẽ giúp bạn hóa giải những điều trên.
1. Kế hoạch cụ thể
Những người ít vận động thường chưa hình thành thói quen chạy bộ. Việc lên kế hoạch cụ thể cho việc tập chạy là điều cần thiết, từ đó tạo dựng thói quen chạy thường xuyên. Bạn cần lập ra một lịch biểu dành cho chạy. Ví dụ: 1 tuần tập chạy 3 buổi. Bạn cần tuân thủ lịch này, không có lý do biện hộ cho việc nghỉ chạy. Hãy nhớ, 1 km vẫn tốt hơn là không chạy.
2. Tham gia hội, nhóm chạy
Không phải ai cũng có khả năng tập chạy được một mình bởi nó đòi hỏi sự tự giác cũng như ý chí quyết tâm cao. Cũng như khi bạn bắt tay vào làm một công việc khó khăn vậy, nếu có bạn đồng hành ở bên khích lệ chắc chắn tinh thần của bạn sẽ lạc quan và hưng phấn hơn rất nhiều. Bên cạnh yếu tố tinh thần, kinh nghiệm từ hội, nhóm, từ những người đã chạy trong thời gian dài sẽ giúp việc tập luyện của bạn được hiệu quả.
3. Đầu tư một đôi giày tốt
Không có gì khiến bạn chán nản và thất vọng hơn là chân bạn đau hoặc chấn thương ngay khi mới bắt đầu kế hoạch tập luyện. Một đôi giày chạy tốt sẽ giúp bạn phần nào tránh được chấn thương không đáng có. Nguyên tắc chung là bạn nên chọn một đôi giày có thương hiệu (để chất lượng được đảm bảo) không nhất thiết phải đắt tiền, vừa với chân bạn (thường giày chạy rộng hơn 1 cỡ so với giày bạn đi hàng ngày). Nếu đi thử, bạn có cảm giác bị “kích chân” thì đó không phải là đôi giày chạy dành cho bạn. Chú ý, bạn không nên mong chờ giày sau một thời gian chạy sẽ nới rộng thêm. Giày chạy cần có cảm giác thoải mái, dễ chịu ngay từ ban đầu.
- Xem thêm: Giải Marathon Quốc tế TP.HCM Techcombank 2019: “Màn trình diễn lớn” thúc đẩy tiềm năng con người
4. Ghi lại nhật ký chạy
Ngày nay, smartphone (điện thoại thông minh) và smartwatch (đồng hồ đeo tay thông minh) đã trở nên quá phổ biến nhờ giá thành hợp lý. Những thiết bị này (điện thoại cần cài ứng dụng phần mềm theo dõi chạy bộ như: Runkeeper, Strava, Endomondo…) sẽ giúp bạn ghi lại các thông số (tracklog) trong quá trình chạy: thời gian, quãng đường, tốc độ, đoạn đường nào chạy nhanh/chậm, thậm chí cả nhịp tim với những đồng hồ có kèm thiết bị đo nhịp tim (Heart Rate Monitor) v.v…
Các thông số kĩ thuật sẽ giúp bạn so sánh được sự hiệu quả trong một buổi tập luyện của bạn so với những lần trước để rút kinh nghiệm. Ngoài ra, việc có “bằng chứng” để khoe chiến tích, nỗ lực của mình với bạn bè cũng sẽ là một động lực không nhỏ dành cho bạn.
5. Đăng ký tham dự các cuộc thi
Hiện nay, phong trào chạy bộ ở Việt Nam bắt đầu phát triển rộng rãi. Rất nhiều các cuộc thi chạy cự li ngắn mang tính cộng đồng (ví dụ: cuộc thi chạy vì tê giác, vì môi trường v.v…) được tổ chức. Bạn có thể đăng ký các giải này để lấy động lực tập luyện. Hãy rủ bạn bè, người thân cùng đăng ký để tham gia thử thách càng hào hứng hơn. Ngoài ra, bạn có thể tự tạo ra các “phần thưởng” nho nhỏ nếu hoàn thành tốt một buổi tập để khích lệ bản thân như thưởng cho mình một cuốn sách về chạy bộ như cuốn “Tôi nói gì khi tôi nói về chạy bộ” của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami chẳng hạn.
6. Khởi động kỹ
Để tránh chấn thương, bạn nên khởi động nhẹ trước khi chạy bằng cách đi bộ một quãng ngắn. Việc giãn, căng cơ trước lúc chạy, khi cơ còn nguội chưa hẳn là tốt. Tuy nhiên việc tập giãn cơ sau khi chạy xong là cần thiết.
7. Ngày nghỉ cũng là ngày tập
Nghe có vẻ lạ nhưng việc tập chạy cần có lịch biểu hợp lý, nhất là đối với những người mới chạy. Không phải cứ chạy nhiều với tần suất dày đặc cả 30 ngày/1tháng là tốt. Cơ thể chưa quen với việc vận động nhiều nên cần có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục. Những người mới tập chạy thường có xu hướng đốt cháy giai đoạn, muốn thấy kết quả ngay tức khắc. Tập quá nhiều trong một thời gian ngắn khi cơ thể chưa quen rất dễ dẫn đến chấn thương. Ngay cả những người đã chạy lâu năm cũng cần có ngày nghỉ. Một ngày chạy kết hợp một ngày nghỉ là một gợi ý cho bạn. Những ngày nghỉ, bạn có thể tập nhẹ các môn khác như: đạp xe, bơi, yoga v.v…
8. Lắng nghe cơ thể
Đúng là bạn cần phải tuân thủ kế hoạch đề ra nhưng bạn cũng cần lắng nghe cơ thể. Nếu bạn thấy chân đau bất thường, cần xin lời khuyên từ người có kinh nghiệm. Bạn không nên “cắn răng” chạy cố theo lịch vì rất có thể chấn thương sẽ trở nên nặng hơn, khiến bạn mất nhiều thời gian hơn để hồi phục.
9. Hãy thư giãn và tìm nguồn cảm hứng
Không ai có thể làm một công việc dễ dàng, thoải mái mà bản thân không thích. Bạn hãy tìm ra ít nhất một lý do để bạn có hứng thú khi chạy. Có thể bạn chạy vì cung đường đó đẹp mỗi buổi sáng ban mai hay lúc hoàng hôn. Có thể bạn chạy vì có người bạn tâm đầu ý hợp chạy cùng. Có thể bạn chạy vì thích bộ phim Forrest Gump hay câu nói nổi tiếng của “nhà văn marathon” Haruki Murakami “đau đớn là hiển nhiên, chịu đựng là tùy chọn” hoặc khi biết rằng chạy bộ là thói quen của rất nhiều người nổi tiếng và thành công như cựu tổng thống Mỹ George W. Bush, nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey…