Thật khó tưởng tượng, những đàn bò gốc gác xứ lạnh lại có thể cho dòng sữa sạch, tạo nên thương hiệu TH true MILK ngay giữa vùng đất miền tây xứ Nghệ, khí hậu nóng ẩm, mỗi năm có tới bốn tháng ngập trong gió Lào bỏng rát. Công nghệ đầu cuối, giải pháp tài chính bền vững và quyết tâm cao như nhiều ngọn núi Trường Sơn là những yếu tố cơ bản để bộ mặt nông nghiệp Việt Nam có thể tự hào với một thương hiệu mang một thông điệp giản dị cho người tiêu dùng: sữa sạch!
Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh hiện đang công tác tại Bộ Tài chính, để thực sự phát triển nông nghiệp nông thôn theo đúng đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước cần rất nhiều giải pháp, cả ở tầm vĩ mô và vi mô trong một chiến lược tổng thể có tầm nhìn khả thi, khoa học và hợp lý.
Nông nghiệp đang ở đâu?
Trên thực tế, mặc dù tốc độ đô thị hóa diễn ra chóng mặt nhưng tính đến 2013, trong tổng số gần 90 triệu người dân thì có tới 60,7 triệu người sinh sống ở khu vực nông thôn. Trong tổng diện tích cả nước 330.951km2 thì đất nông nghiệp là 262.805km2 (chiếm tới 79,4%) bao gồm đất sản xuất nông nghiệp là 101.511km2, đất lâm nghiệp là 153.731km2, đất nuôi trồng thủy sản là 7.120km2 và đất ở tại nông thôn là 5.496km2 (chiếm 79,5% tổng diện tích đất ở của cả nước). Mặc dù đã có sự di chuyển mạnh mẽ về dân cư và lao động từ nông thôn ra thành thị, từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp nhưng trong tổng số 51,7 triệu lao động (năm 2013) vẫn còn tới gần 24,5 triệu lao động làm việc trong khu vực nông lâm thủy sản (chiếm 47,4%).
Rõ ràng, mặc dù sở hữu một bộ phận quan trọng của lực lượng sản xuất là đất đai và người lao động nhưng đóng góp của khu vực nông nghiệp nông thôn vào tăng trưởng kinh tế vẫn chưa tương xứng với tỷ trọng khu vực nông lâm thủy sản trong GDP giảm từ trên 40% GDP trước khi đổi mới xuống dao động quanh mức 20% GDP trong những năm gần đây. Trong cơ cấu ngành nông nghiệp, trồng trọt vẫn chiếm tới trên 70%, ngành chăn nuôi cho dù đã có nhiều nỗ lực cũng chỉ chiếm 26 – 27% giá trị sản xuất nông nghiệp, còn tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm chưa tới 2%. Nguyên nhân có nhiều nhưng cơ bản là do khu vực nông nghiệp nông thôn chưa được đầu tư tương xứng trong khi chuyển dịch cơ cấu lao động không theo kịp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hơn nữa, trong các yếu tố tăng trưởng hàng đầu là lao động, đất đai, vốn, công nghệ và năng suất lao động thì nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào hai yếu tố đầu tiên. Nói cách khác, nông nghiệp Việt Nam từ khi đổi mới đến nay có nhiều tiến bộ vượt bậc nhưng căn bản vẫn là dựa vào phát triển theo chiều rộng, thiếu sự đầu tư phát triển theo chiều sâu dựa vào tăng năng suất lao động, nâng cao trình độ khai thác sử dụng các nguồn lực đất đai và lao động trên cơ sở phát triển khoa học công nghệ hiện đại. Năng suất lao động xã hội ngành nông nghiệp chỉ bằng khoảng 40% năng suất chung của cả nền kinh tế.
Sau hơn một phần tư thế kỷ đổi mới kinh tế, nông nghiệp nông thôn Việt Nam vẫn cơ bản dừng lại ở phương thức sản xuất nhỏ, phân tán, manh mún với kỹ thuật và công nghệ lạc hậu. Bên cạnh đó, mặc dù mỗi năm chúng ta xuất khẩu hơn 20 tỉ USD nông lâm thủy sản, thuộc các nước đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu các mặt hàng nông sản quan trọng như gạo, cà phê, tôm, cá, chè, cao su, hạt điều… nhưng chủ yếu chúng ta vẫn xuất khẩu nguyên liệu thô, hàm lượng chế biến thấp, số lượng và chất lượng đều thiếu ổn định trong khi lại phải nhập khẩu nhiều sản phẩm là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi,… thậm chí một số nông sản vốn là ưu thế của Việt Nam vẫn bị hàng ngoại nhập lấn sân ngay trên “sân nhà”.
Không thể thiếu công nghệ cao
Một thời gian dài, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương đột phá trong sản xuất nông nghiệp như thay đổi cơ cấu cây trồng, con giống, tạo điều kiện đểứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nhưng thực tế, những đàn bò sữa ở Ba Vì, Mộc Châu, hay việc lai tạo gen cho một số giống cây trồng… cũng chỉ mới đi những bước chập chững và chưa thể tạo nên những cuộc cách mạng thật sự trong sản xuất nông nghiệp. Lý do là, ngoài các yếu tố vốn, nhân lực, tài nguyên, cơ chế chính sách thì yếu tố công nghệ cao được coi là khâu then chốt. GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện HLKHXH Việt Nam cho rằng: “Nếu so với các điều kiện tự nhiên sẵn có, lợi thế nguồn nhân lực, một nền nông nghiệp có bề dày truyền thống và những đòi hỏi của hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay thì hàm lượng kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Đây cũng là rào cản lớn để hiện thực hóa chủ trương phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao”.
Trong khi đó, đánh giá về thực trạng ứng dụng công nghệ cao trong những năm gần đây, ông Thắng tỏ ra bi quan: Quá trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở nước ta được quan niệm khá giản đơn. Nhiều địa phương phát triển nông nghiệp công nghệ cao chỉ đơn thuần là việc đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại cho các chủ thể sản xuất trong khi chưa thấy được tầm quan trọng của các quan hệ xã hội chi phối quá trình này. Khi các vấn đề như quy mô đất sản xuất, trình độ chuyên môn của nông dân, sự liên kết giữa các chủ thể sản xuất, vai trò của doanh nghiệp, đầu tư tín dụng chưa được cải thiện thì rất khó để tiến lên nền nông nghiệp hàng hóa. Áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp Việt Nam hiện nay thực chất là xác lập một phương thức sản xuất hiện đại trên cơ thể của nền sản xuất nông nghiệp chủ yếu cấu thành bởi vô số tế bào kinh tế nông hộ có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, dựa nhiều vào kinh nghiệm, liên kết yếu và thiếu định hướng thị trường.
Theo ông, để có thểứng dụng công nghệ cao thành công trong nông nghiệp thì phải hội tụ đủ các yếu tố: tích tụ ruộng đất, nâng cao vai trò hợp tác xã và doanh nghiệp nông thôn, nhưng yếu tố then chốt nhất vẫn là tái cấu trúc nông nghiệp theo hướng hiện đại. Theo đó, mục tiêu của quá trình này ở Việt Nam là xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị toàn cầu. Về mặt lý luận, khoa học kỹ thuật và công nghệ là một yếu tố cấu phần quan trọng của hệ thống sản xuất nông nghiệp. Do đó, thay đổi công nghệ theo hướng hiện đại sẽ góp phần cấu trúc lại hệ thống sản xuất nông nghiệp.
Trước hết, cần xây dựng những khu vực sản xuất nông nghiệp hiện đại và quy mô lớn. Những vùng có quy mô đất sản xuất tập trung lớn, cơ sở hạ tầng tốt, tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên rất phù hợp với hướng đi này. Khu vực Đồng bằng sông Hồng và miền Trung cần chuyển đổi dần diện tích trồng lúa sang sản xuất các mặt hàng nông sản thế mạnh, phát huy lợi thế truyền thống. Những vùng sản xuất được quy hoạch theo hướng giảm số lượng lao động nông nghiệp và nâng dần hàm lượng cơ giới hóa và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ.
Tái cấu trúc nền nông nghiệp cũng cần tổ chức các cụm liên kết sản xuất để công nghiệp, dịch vụ tạo điều kiện cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển. Tùy thuộc vào các ngành hàng thế mạnh của từng vùng, quy hoạch các khu vực dự trữ và giao dịch hàng hóa, logistic, đóng gói, chế biến, thương mại, sàn giao dịch quốc tế. Các nhà phân phối, doanh nghiệp cần được hỗ trợ về tín dụng, tiếp cận đất đai, quản trị doanh nghiệp. Phương thức đầu tư có thể theo mô hình hợp tác công tư PPP hoặc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các hình thức đầu tư xã hội khác để phát triển các kênh thương mại hàng hóa. Có thể áp dụng cụm công, nông nghiệp và dịch vụ với các ngành hàng lớn như lúa gạo, thủy sản, cà phê, chè, điều, thịt lợn, sữa… ở các vùng sản xuất.
Một con đường
Ông Võ Văn Quang, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, đơn vị tư vấn tài chính cho dự án sữa sạch TH true MILK được cho là đứng hàng đầu hiện nay về quy mô, hàm lượng công nghệ cao và chất lượng sữa hoàn toàn thiên nhiên tại Việt Nam cho biết, từ lâu ngân hàng này đã hoạch định một chính sách tín dụng tập trung chủ yếu cho lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nông thôn với xu hướng bền vững lâu dài và hiệu quả cao. Đó là tập trung trí tuệ lựa chọn danh mục đầu tư, nghiên cứu tìm hiểu khoa học kỹ thuật của các ngành nghề tương ứng nhằm mục đích lựa chọn bằng được các nhà tư vấn giỏi trên thế giới để tập trung toàn bộ nguồn lực cho hoạt động tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính và cấp tín dụng cho các doanh nghiệp có đủ “Tâm, Trí, Lực” ở tỉnh nhà đồng hành thực hiện các dự án. Đặc biệt là các dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Theo hướng đi đó, ngân hàng hoàn toàn chủ động nắm bắt được sản phẩm, thị trường và quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không còn bị động khi xem xét quyết định cho vay, nhất là làm chủ được khâu kỹ thuật công nghệ nên đánh giá được mức độ rủi ro (khi con người hoàn toàn có khả năng chế ngự được những tác động của thiên nhiên, dịch bệnh và yên tâm về khả năng hoàn trả vốn của doanh nghiệp đối với ngân hàng).
Nhờ đó, sau bốn năm triển khai, dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa của Tập đoàn TH có tổng mức đầu tư là 1,2 tỉ USD trên tổng diện tích 37.000ha với tổng đàn bò gồm 137.000 con đã đi được gần nửa chặng đường. Cụ thể, đàn bò đã đạt hơn 35 nghìn con trên diện tích 8.100ha đất; dự kiến đàn bò sẽ tăng lên 45 nghìn con vào cuối năm 2014; nhà máy chế biến sữa hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, với công suất 500 triệu lít/năm đã được hoàn thành đưa vào sử dụng vào ngày 9-7-2013.
Không dừng ở đây, Tập đoàn TH còn muốn vươn tới những vùng đất xa hơn đó là Tây Nguyên. Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH nói: “Tôi từng lội mòn gót chân ở các đồng đất Tây Nguyên, có những nơi đến cây cỏ săng cũng không sống được. Nước thiếu vì rừng đầu nguồn bị chặt phá, dẫn tới đất mất hết độẩm, hạ tầng cơ sở, đường sá thì sơ sài, thậm chí có những bản chưa có đường”. Trong một tính toán gần, bà cho biết, nếu được giao đất, việc đầu tiên là dành 30% quỹ đất để trồng rừng lấy lại độẩm tự nhiên; 70% quy hoạch trồng dược liệu và cỏ chăn nuôi bò sữa. Từng bước tạo hiệu ứng gây dựng cơ sở vật chất giúp cải thiện đời sống cho người dân, để họ yên tâm định canh định cư, tạo nên những cột mốc mềm nơi biên giới. “Không có cột mốc nào vững chãi hơn người dân, hơn chính cuộc sống sinh sôi nảy nở truyền đời của người dân ở những miền biên giới ấy. Đó là một giá trị khác mà tôi muốn nói đến”, bà khẳng khái khi bàn về các dự án bò sữa, rau sạch, dược liệu sắp được triển khai ở vùng đất này.
Nguyễn Hoài