Thời gian tựu trường, quy định về ngày khai giảng và điều chỉnh thời gian thực học là những nội dung được Bộ GD-ĐT trao đổi tại cuộc họp báo định kì do Bộ GD-ĐT tổ chức vào ngày 30-6.
Trao đổi tại cuộc họp báo, Bộ GD-ĐT cho biết đang xây dựng dự thảo quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Theo đó, sẽ tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5-9. Thời điểm tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1-9.
Bộ GD-ĐT nhấn mạnh “sẽ không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng năm học”. Các trường tập trung học sinh trước ngày khai giảng chỉ để ổn định nề nếp.
“Báo chí nếu có phát hiện trường hợp nào không thực hiện đúng quy định về tựu trường, thông tin cho Bộ GD-ĐT, bộ sẽ kiểm tra, xử lý” – ông Trần Quang Nam, chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ GD-ĐT, nói.
Tuy nhiên, đối với các trường tư thục, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét sửa đổi Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT cho phù hợp hơn. Riêng năm học 2020-2021, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dẫn tới kết thúc năm học 2019-2020 muộn nên các trường tư thục có thể báo cáo với sở GD-ĐT về thời gian tập trung học sinh đến trường. Nhưng phải lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè.
“Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học nhằm giảm tải chương trình. Vì vậy, thời gian thực học ở cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (trước là 37 tuần), tương đương với cấp tiểu học. Điều chỉnh này nhằm tăng thời gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tăng thời gian nghỉ hè cho giáo viên, học sinh” – đại diện bộ khẳng định.
Tại cuộc họp báo, ông Trần Quang Nam cũng cho biết bộ đang dự thảo quy chế dạy học trực tuyến nhằm hỗ trợ việc dạy học, nhất là trong những tình huống đặc biệt như bùng phát dịch COVID-19 vừa qua.
Trên 50% đại học dạy học từ xa trong COVID-19
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, có trên 50% số trường đại học tổ chức dạy học từ xa. Các sở GD-ĐT tích cực đóng góp bài giảng, tham gia xây dựng nội dung dạy học trên truyền hình. Kết quả có 324 bài học đã được phát trên kênh VTV7 và kênh K+
Tại các thành phố trực thuộc trung ương, tỉ lệ học sinh được học qua Internet và truyền hình đạt 87,5%. Một số địa phương khó khăn đạt dưới 50%. Đây là thực tiễn để bộ xây dựng dự thảo quy chế, công nhận thêm một kênh dạy học trong các nhà trường.