Với tên gọi “Trừu tượng +”, triển lãm của nhóm ba họa sĩ Mạc Hoàng Thượng, Võ Duy Đôn và Lâm Huỳnh Linh tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97 Phó Đức Chính, Q.1, từ 19-9 đến 27-9-2015) đưa người xem vào thế giới biến ảo của ngôn ngữ hội họa phi biểu hình.
Được khởi xướng tại châu Âu từ đầu thế kỷ XX và trở thành một trào lưu quan trọng tại Mỹ thời hậu Thế chiến II, từ bấy đến nay hội họa trừu tượng vẫn không ngừng phát triển, luôn thu hút sự sáng tạo của các họa sĩ nhiều thế hệ, từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á. Với tuổi đời dài lâu như vậy, thật ra hội họa trừu tượng đã trở thành cổ điển. Tại Sài Gòn trước 1975, đã có các họa sĩ vẽ tranh trừu tượng, kể cả bậc thầy sơn mài Nguyễn Gia Trí. Thời đổi mới, mở cửa, đến đầu thập niên 1990, tại TP. Hồ Chí Minh lần đầu tiên mới có một triển lãm quy mô lớn tranh trừu tượng với sự góp mặt của họa sĩ cả hai miền Nam – Bắc.
Từ đó, tranh trừu tượng thường xuyên được trưng bày trong các triển lãm nhóm và cá nhân tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng cũng như tại một vài trung tâm mỹ thuật khác ở nước ta. Tuy nhiên, một triển lãm thuần túy thể loại tranh này như “Trừu tượng +” là khá hiếm hoi bởi ở nước ta khách thưởng ngoạn tác phẩm theo họa phái này hiện nay vẫn chưa nhiều, nói chi một phòng tranh với hàng trăm bức như triển lãm này. Nên “Trừu tượng +” có thể xem như một cuộc chơi nghệ thuật của bộ ba họa sĩ kể trên, như Lâm Huỳnh Linh tâm sự: “Mê vẽ trừu tượng, cứ mải miết vẽ cho tới hôm nay mới có cơ hội để treo mà vẫn treo chưa hết số tranh đã vẽ những năm qua”. Có thể thấy sự say mê ấy của anh qua số lượng tác phẩm đem tới triển lãm này: ngoài những tranh khổ vừa và lớn, Lâm Huỳnh Linh còn trưng bày rất nhiều tranh cỡ nhỏ, nhìn chung đều tay và gây được ấn tượng khá mạnh với người xem. Cậu con trai của họa sĩ lão thành Nguyễn Lâm có lẽ vẫn còn đang tìm kiếm một phong cách trừu tượng cho riêng mình.
Mạc Hoàng Thượng, giảng viên Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh vốn nổi tiếng về hình họa với những tranh vẽ chân dung bằng chì khổ lớn đã rẽ sang trừu tượng một cách tự tại. Với bảng màu gần như đơn sắc, dụng công về kỹ thuật đa chất liệu (mix media), cách tạo hình của anh phảng phất ảnh hưởng của bậc thầy trừu tượng Hoa Kỳ Jackson Pollock. Như anh bộc bạch, con đường tìm kiếm cái đẹp trong hội họa còn thật dài và lắm gian nan. Với những vòng xoáy mạnh mẽ trên mặt toan nhiều dạng, tranh Võ Duy Đôn là những khát vọng và thôi thúc của chuyển động dù anh có gọi tên bằng nhiều cách khác nhau. Anh còn đưa ra vài tác phẩm nửa hội họa nửa điêu khắc bằng đồng như một sự kiếm tìm.
Như tên gọi, “Trừu tượng +” không chỉ triển lãm tranh trừu tượng mà các tác giả còn muốn vươn xa hơn vào cõi tạo hình này.
- Như Hoa