Ngay buổi chiều 12-2, 15 nước thành viên HĐBA Liên Hiệp Quốc đã nhóm họp, lên án việc thử hạt nhân của Bình Nhưỡng là “mối đe dọa rõ rệt hòa bình và an ninh thế giới” và thảo luận các biện pháp đặc biệt nhằm trừng phạt CHDCND Triều Tiên.
Một cơ sở hạt nhân của CHDCND Triều Tiên tại Yongbyon
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nhanh chóng phản ứng đối với hành động của quốc gia Đông Á này. Ông Obama cho rằng “những sự khiêu khích không làm cho CHDCND Triều Tiên an ninh hơn” và ngay sau đó đã trực tiếp nói chuyện với người đồng nhiệm ở Seoul là Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak nhằm tái khẳng định cam kết bảo vệ nước đồng minh thân thiết này ở Đông Á. Nhưng theo nhận định của một số nhà bình luận quốc tế, việc thử hạt nhân của Bình Nhưỡng đã trở thành một thách thức mới cho chính sách “kiên trì chiến lược” đối với CHDCND Triều Tiên mà ông Obama đã theo đuổi từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông. Nhà nghiên cứu Michael Auslin thuộc Viện nghiên cứu Kinh doanh Mỹ (AEI) cho rằng vụ nổ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cho thấy chính sách kiên trì mà Mỹ đang theo đuổi đã thất bại và Washington cần vạch ra một hướng đi mới. Auslin cũng kêu gọi chính quyền Washington cần có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn việc Bình Nhưỡng xuất khẩu vũ khí giết người hàng loạt hoặc công nghệ tên lửa ra ngoài, đồng thời trừng phạt Trung Quốc nếu không nhận được sự hợp tác của nước này. Riêng Joe Cirincione, chủ tịch Quỹ Ploughshares, một nhóm chủ trương giải trừ hạt nhân nổi tiếng, cũng công nhận sự thất bại của chính sách kiên trì của Mỹ và lo ngại rằng hành động bất chấp dư luận của Bình Nhưỡng sẽ dẫn đến việc Nhật Bản và Hàn Quốc đặt lại vấn đề có nên chế tạo vũ khí hạt nhân cho riêng họ hay không.
Hiện nay trên thế giới, có năm quốc gia tự nhìn nhận có vũ khí hạt nhân là Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc – những hội viên thường trực của HĐBA. Bên cạnh đó, còn có ba quốc gia khác được tin là có vũ khí hạt nhân nhưng không công nhận điều này, và cũng không ký vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), là Ấn Độ, Pakistan và Israel. Nay khả năng làm giàu uranium của Iran và việc thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã làm trầm trọng thêm nỗi bất an của cộng đồng quốc tế và đặt Trung Quốc, chỗ dựa chủ yếu của Bình Nhưỡng, vào một tình thế khó xử. Sự thông qua dễ dàng nghị quyết lên án vụ thử hạt nhân lần thứ ba của CHDCND Triều Tiên tại HĐBA Liên Hiệp Quốc cho thấy Trung Quốc có thể xét lại việc hậu thuẫn cho người bạn láng giềng trái tính này. Theo nhận định của Alan Romberg, chuyên gia về Đông Bắc Á tại Trung tâm Stimson, sự khó xử của Bắc Kinh biểu hiện ở chỗ nếu họ cắt đứt mọi sự trợ giúp, Bình Nhưỡng sẽ sụp đổ, trong khi họ lại không muốn Hàn Quốc thống nhất đất nước để trở thành một quốc gia hùng mạnh và là bạn đồng minh với Mỹ ngay sát cạnh họ.
Lê Nguyễn tổng hợp