Biểu tình phản đối tăng thuế xăng dầu ở Pháp đã kéo sang ngày thứ 8, leo thang bạo lực làm tê liệt đường sá Paris, buộc cảnh sát chống bạo động phải giải tán bằng biện pháp vũ lực.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích những người đụng độ với cảnh sát Paris trong cuộc biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng là “đáng xấu hổ”. “Thật đáng xấu hổ cho những ai tấn công các sĩ quan cảnh sát” – ông Macron viết trên mạng xã hội Twitter. “Không có chỗ cho bạo lực như vậy ở nước (Pháp) Cộng hòa này”.
Đám đông hỗn loạn vây kín khu vực Điện Élysée ngày 24-11 trong một cuộc biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng và các chương trình thuế của chính phủ. Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để kiềm chế những người biểu tình.
Cuộc biểu tình hưởng ứng phong trào “áo khoác vàng” – lấy hình ảnh chiếc áo nổi bật của những người biểu tình – trong một chiến dịch bắt đầu hai tuần trước tập trung phản đối tăng giá nhiên liệu. Làn sóng phản đối nhanh chóng lan sang tình trạng giá cả tăng cao đặc biệt ở khu vực nông thôn và những phản đối khác chống lại các chính sách của Tổng thống Macron.
Hơn 100.000 người biểu tình xuống đường trong khoảng 1.600 cuộc biểu tình khắp nước Pháp ngày 24-11, bộ nội vụ nước này cho biết. Phần lớn các cuộc biểu tình trôi qua trong hòa bình – trừ cuộc biểu tình ở thủ đô Paris nơi có khoảng 8.000 người tham gia.
5.000 cảnh sát được điều động ở Paris. Họ tạo ra những rào chắn kim loại xung quanh Điện Éysée để ngăn người biểu tình tiếp cận những tòa nhà quan trọng như văn phòng tổng thống và quốc hội. Một người phát ngôn của nhóm biểu tình khẳng định họ mang theo tinh thần ôn hòa. “Chúng tôi không ở đây để gây sự với cảnh sát, chúng tôi chỉ muốn chính phủ lắng nghe chúng tôi”.
Dù vậy, sáng sớm 24-11, một số người cố gắng phá vỡ hàng rào của cảnh sát. Họ đốt lửa, phá các tấm biển trên phố, rào chắn, lấy đá từ nền đường lên ném vào cảnh sát trong khi hét to những câu khẩu hiệu chống lại Tổng thống Macron.
Cuộc biểu tình trở nên bạo lực và tiếp tục hỗn độn cho tới buổi tối, khi cảnh sát ổn định phần lớn khu vực. Cơ quan chức năng cho biết 19 người bị thương trong các cuộc đối đầu, bao gồm bốn cảnh sát. Khoảng 40 người đã bị bắt.
Tại những nơi khác trên toàn nước Pháp, biểu tình phản đối diễn ra khắp nơi. Hàng loạt vật cản chắn đường được dựng lên để làm chậm các tuyến đường chính. Một số trạm thu phí bị “chiếm” và phải để xe cộ đi qua. Có những đụng độ nhỏ xảy ra, hơn 130 người bị bắt trên toàn nước Pháp.
Theo BBC, các cuộc biểu tình và bạo lực lần này diễn ra ở quy mô nhỏ hơn và ít nghiêm trọng hơn so với tuần trước, khi 280.000 người tham gia biểu tình khiến hai người chết và hơn 600 người bị thương.
Trong bài đăng trên Twitter, tổng thống Pháp ca ngợi sự dũng cảm và chuyên nghiệp của lực lượng an ninh. Ông nói: “Thật đáng xấu hổ cho những người tấn công họ. Đáng xấu hổ cho những người tấn công các công dân khác và nhà báo”. Truyền thông Pháp cho biết một số phóng viên đã bị tấn công ở các thành phố phía nam Toulouse và Beziers.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cáo buộc những người biểu tình bị ảnh hưởng bởi lãnh đạo đảng cực hữu Đại hội Quốc gia Pháp (National Rally), Marine Le Pen. Đáp lại, bà Le Pen buộc tội ông Castaner thiếu trung thực.
Giá diesel, nhiên liệu phổ biến nhất được các tài xế Pháp sử dụng, đã tăng khoảng 23% trong vòng 12 tháng trở lại đây, lên mức trung bình 1,71 USD một lít, mức cao nhất kể từ đầu những năm 2000. Giá dầu trên thế giới cũng đã tăng trước khi giảm trở lại nhưng chính quyền Tổng thống Macron đã tăng thuế hydrocarbon năm 2018 lên 7,6 cent một lít diesel và 3,9 cent đối với petrol, trong một phần của chiến dịch thúc đẩy phương tiện và nhiên liệu bảo vệ môi trường.
Quyết định tăng giá thêm 6,5 cent đối với diesel và 2,9 cent đối với petrol vào ngày 1-1-2019 của chính phủ Pháp được cho là “giọt nước tràn ly”.
Tổng thống Pháp cho rằng giá dầu thế giới đóng vai trò trong 3/4 mức giá tăng trong nước. Ông cũng cho biết cần thêm thuế nhiên liệu để tạo nguồn vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo.
Video: Cảnh sát và người biểu tình đụng độ tại Paris