Thứ Hai 2-12 là ngày biểu tình thứ chín liên tiếp nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck. Đã có bốn người chết và hàng chục người khác bị thương khi hai phe ủng hộ và chống đối chính quyền đụng độ mấy ngày qua.
Hàng ngàn người Thái biểu tình nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck
Phong trào Nhân dân vì Dân chủ, nhóm chính trị tập hợp người biểu tình, đã loan báo một cuộc tổng tấn công vào đầu não của chính quyền. Những người biểu tình đã vào được một số đài truyền hình mà theo BBC tình hình đang ngày càng giống như một cuộc đảo chính.
Lãnh đạo các cuộc biểu tình chống chính phủ Thái Lan nói bà Yingluck Shinawatra có hai ngày để “trả lại quyền lực cho nhân dân”. Ông Suthep Thaugsuban, cựu phó thủ tướng, đã gặp nữ thủ tướng hôm 1-12 và khẳng định: “Không có đàm phán, không nhượng bộ”. Ông Suthep cũng kêu gọi bắt đầu tổng đình công.
Phe biểu tình gọi hôm 1-12 là ngày “Chiến thắng” của cái mà họ đặt tên là “cuộc đảo chính của nhân dân”.
Sáng ngày 1-12, lãnh đạo những người “áo đỏ” ủng hộ chính phủ nói họ giải tán cuộc tập hợp lớn ở sân vận động chính ở Bangkok để tạo điều kiện cho các lực lượng an ninh kiểm soát các nhóm biểu tình đối lập.
Lực lượng an ninh đã đụng độ với khoảng 30.000 người hôm 1-12, sử dụng vòi rồng và hơi cay. Cảnh sát nói những người biểu tình tập trung tại tám địa điểm, gồm Nhà Chính phủ, các kênh truyền hình và trụ sở cảnh sát. Họ đi vào nhiều kênh truyền hình để buộc phát đi thông điệp của ông Suthep.
Trước đó, Thủ tướng Yingluck đã nói rằng chính phủ của bà sẽ dùng bạo lực ở mức tối thiểu để kiềm chế những người biểu tình.
Người biểu tình cho rằng chính phủ của bà Yingluck thực ra do anh trai của bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, giật dây.
Ông Thaksin bị mất chức trong một cuộc đảo chính tiếp theo sau làn sóng biểu tình năm 2006 và nay đang sống lưu vong ở Dubai.
Ông là một trong các nhân vật gây chia rẽ sâu sắc nhất trong nền chính trị Thái Lan. Cử tri ở vùng nông thôn nhiều người yêu quý ông, trong khi những người chống ông thường là cử tri thành phố và trung lưu.
T.K