Theo một báo cáo vừa được Bộ Quốc phòng Anh công bố, vào năm 2045, tình trạng đất đai bị sa mạc hóa sẽ khiến 135 triệu người phải rời bỏ nơi cư trú. Con số này sẽ tăng lên 200 triệu người vào năm 2050, khi ngoài nguyên nhân về đất đai kể trên, còn có những tác động khác của sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Về phần mình, Cao ủy về người tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cho biết cuộc nội chiến ở Syria đã làm phát sinh một lượng người tỵ nạn (ra nước ngoài) lên đến 4 triệu người, nếu kể cả 7,6 triệu người rời nơi cư trú để tìm đến những nơi an toàn trong nước thì con số người tỵ nạn nói chung đã chiếm đến 50% dân số nước này. Trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên, ngoài cuộc nội chiến, đáng kể hơn cả là sự khô hạn của đất đai khiến cho năng suất các sản phẩm nông nghiệp bị sụt giảm trầm trọng. Vốn là một nước được độc lập sau Thế chiến thứ hai, Syria có các đường biên giới do hai nước thắng trận là Anh và Pháp vạch ra sau Thế chiến thứ nhất (1914-1918), đặt nhiều tộc người khác nhau vào chung một nước và đây là một trong những nguyên nhân khiến cho Syria bị bất ổn triền miên. Ngày nay, những bất ổn chính trị được tiếp sức bởi sự biến đổi khí hậu với tình trạng sa mạc hóa đất canh tác, nhiều thiên tai khác như lũ lụt, bão tố…, đã khiến cho không chỉ Syria mà nhiều nước khác cũng lâm vào tình thế hiểm nghèo. Những số liệu thống kê mới nhất cho thấy tại Ấn Độ và các nước đang phát triển ở châu Mỹ Latinh, tổng sản phẩm nông nghiệp (AGDP) sụt giảm từ 4% đến 14%. Riêng Burkina Faso, mức sụt giảm AGDP lên tới 20%, Mali tới 30%. Hai tỉ người sống trong những vùng đất khô hạn chiếm đến 41% mặt đất địa cầu, mùa màng thất bát dẫn đến những cuộc di cư khổng lồ trên khắp thế giới. Năm 2008, những bất ổn về thực phẩm đã gây ra 60 cuộc bạo loạn ở hơn 30 nước, trong đó, 10 cuộc bạo loạn gây ra nhiều tử vong.
Tương tự với Syria, những xung đột và bất ổn chính trị ở Afghanistan, Iraq, Pakistan, Nigeria, Gambia, Senegal, Somalia, Eritrea và Sudan phát xuất chủ yếu từ nạn hạn hán, dẫn đến nhiều hệ quả khác nhau, từ đói kém, thất nghiệp đến bất ổn chính trị. Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) ước tính trong vòng 40 năm qua, đã có gần 1/3 đất khả canh bị mất do sự xói mòn. Hiện nay, cứ mỗi năm qua đi, có 12 triệu hécta đất canh tác bị mất trắng, gây thiệt hại 20 triệu tấn lương thực.
Mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu toàn cầu với các bất ổn về chính trị và xã hội ngày càng rõ nét, buộc các chính phủ liên hệ phải có những chính sách rộng lớn, bao quát nhiều mặt của đời sống để từng bước chấn chỉnh tình trạng bất lợi trên.
Lê Cẩn tổng hợp (DNSGCT)