Theo những dữ liệu mới nhất, trong 100 năm qua, nhiệt độ ở Bắc cực đã tăng gấp đôi so với mức tăng bình quân của khí hậu toàn cầu. Những bức ảnh chụp được gần đây cho thấy hàng ngàn con hải cẩu (walrus) vốn thường lao đầu xuống vùng nước băng giá để săn mồi, nay tập trung từng đàn trên bờ do nhiều tảng băng bị tan chảy ở Alaska. Đối với những quốc gia nằm quanh vùng Bắc cực, một trong những vấn đề cần được quan tâm nhất là nguy cơ bị thương tổn nặng nề của hệ sinh thái ở đây do sự biến đổi khí hậu. Hậu quả là khối lượng băng ở Bắc cực ngày càng nhỏ lại, môi trường sống của sinh vật bị hủy hoại, đe dọa đời sống của nhiều loài sinh vật độc đáo như hải cẩu, gấu Bắc cực, cũng như các sắc dân bản địa. Tác nhân gây ra tình trạng này chẳng những là khí CO2 và khí nhà kính, mà còn là không khí ô nhiễm, trong đó có muội than, một hợp chất phát sinh do việc đốt cháy không hết các nhiên liệu hóa thạch hay gỗ. Chất này thu hút ánh sáng mặt trời, khi tiếp cận với băng giá và tuyết sẽ khiến cho chúng tan chảy nhanh.
Từ thập niên 1970 đến nay, khối lượng băng ở Bắc Băng Dương đã giảm bớt 14% và vào năm 2012, biển băng này xuống dưới mức thấp nhất, phá vỡ kỷ lục của năm 2007. Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cũng vào năm 2012, khoảng 7 triệu người đã chết vì sự ô nhiễm không khí, và sự kiện này đã trở thành một trong những nguy cơ quan trọng đối với sức khỏe và sự sinh tồn của con người. Ngày nay, sự ô nhiễm không khí đã lan ra ngoài biên giới quốc gia, thậm chí biên giới của châu lục. Điều này đặc biệt đúng với Bắc cực, nơi có khoảng 50% chất muội than xuất phát từ châu Âu.
Nhiều biện pháp đang được các nước áp dụng để cải thiện các điều kiện sống ở Bắc cực. Thông qua Công ước về ô nhiễm không khí xuyên biên giới đặt ra nhiều quy định liên quan đến ô nhiễm không khí, Ủy ban Kinh tế châu Âu của LHQ (UNECE) đã tham gia tích cực vào việc làm giảm nhẹ những hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu. Công ước được ký kết trước tiên nhằm giải quyết hiện tượng mưa axít ở Bắc Âu vào thập niên 1970, nay đã có 51 thành viên, bao gồm tất cả những quốc gia nằm quanh vùng Bắc cực. Nhờ nỗ lực chung của những nước này, từ đó đến nay, lượng không khí ô nhiễm đã giảm từ 40 – 70% ở châu Âu và giảm đến 40% ở Bắc Mỹ. Năm 2012, các nước thành viên tu chính Nghị định thư Gothenburg lần đầu tiên đưa ra những bắt buộc phải làm giảm các chất ô nhiễm do khí hậu, trong đó có muội than. Nghị định thư này là một tiêu biểu của việc đối phó với các chất ô nhiễm trong một quy mô toàn diện hơn. Hội đồng Bắc cực (Arctic Council), một diễn đàn liên chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề do tám nước vùng Bắc cực nêu lên, đang giữ vai trò đầu tàu trong việc cung cấp những thông tin cập nhật về sự biến đổi khí hậu nhanh chóng ở Bắc cực và những hậu quả do chúng gây ra cho cộng đồng xã hội cùng môi trường mà chúng ta đang sống. Các nhà nghiên cứu nhận định rằng chúng ta hiện là thế hệ cuối cùng có thể ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và cứu vãn Bắc cực. Chẳng những thế, mà còn phải hành động nhanh chóng và kịp thời. Nếu không làm được điều này, thì đó sẽ là sự đắc tội đối với lịch sử.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)