Năm năm sau ngày Trần Trung Tín qua đời, một triển lãm các tác phẩm của ông được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, từ 19 đến 30-10) và
Đây cũng là triển lãm lớn nhất từ trước đến nay của một tên tuổi kỳ lạ trong làng hội họa Việt Nam.
Sinh năm 1933 tại Chợ Lách (Bến Tre), mất năm 2008 tại TP. Hồ Chí Minh, Trần Trung Tín tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 12 tuổi và chiến đấu trên mặt trận Campuchia; năm 1954 ông ra miền Bắc, học khóa đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam, trở thành diễn viên rồi biên kịch điện ảnh. Do thất vọng với các bộ phim nặng tuyên truyền, ông từ giã điện ảnh và bắt đầu vẽ tranh từ năm 1969 “để biểu đạt nỗi đau thương và sự bền bỉ của một dân tộc trong chiến tranh” như lời của bà Sherry Buchanan, tác giả cuốn sách Trần Trung Tín: Tranh và thơ từ Việt Nam (Tran Trung Tin: Paintings and Poems from Vietnam) được Asia Ink xuất bản vào năm 2002 như một vựng tập của cuộc triển lãm tranh Trần Trung Tín tại Bảo tàng British Museum.
Bà Buchanan viết: “Hình ảnh những nữ chiến sĩ cầm súng cùng với hoa, những ngôi nhà xiêu vẹo và những cuộc đời tan nát trong tranh của Tín, được cân bằng bởi những bức tranh dịu dàng mô tả người tình, bà mẹ và kẻ rũ bỏ tín điều. Những phong cảnh đô thị và tranh trừu tượng của ông là “chốn ẩn dật trầm tư trong những khối được vẽ thoải mái có màu sắc ấm áp, một thánh đường thị giác tự tạo trong khi cuộc chiến bên ngoài đang ác liệt”. Ông vẽ sơn dầu trên giấy báo và bao tải đựng gạo. Chỉ có các bức tranh trên giấy báo còn lại. Sau này, ở Sài Gòn, ông vẽ tranh sơn dầu trên giấy ảnh. Mặc dù – và có lẽ cũng vì – ông chỉ có được những tấm nền tranh khổ nhỏ, sáng tạo tạo hình của ông đầy sức mạnh và sự độc đáo. Ở các giao lộ cảm hứng, chủ nghĩa hiện đại phương Tây, chủ nghĩa biểu hiện và chủ nghĩa tối giản, cũng như Đạo giáo và Phật giáo giúp ta nhận biết tác phẩm của ông”.
Trong những năm 1969-1975, Trần Trung Tín đã vẽ hàng trăm bức tranh sơn dầu trong căn phòng dưới tầng hầm ở Hà Nội, những bức tranh mà theo lời đạo diễn Tự Huy, một người bạn thân của ông thì Trần Trung Tín “đã tìm ra cách vượt lên trên cái thời khủng khiếp mà tất cả chúng tôi đang sống”. Bởi với Trần Trung Tín, hội họa đã trở thành một sự cứu rỗi: “Khi tôi vẽ, nỗi buồn của tôi hoàn toàn biến mất. Tôi chỉ cảm thấy vui ghê gớm. Giờ đây cuộc sống đã có ý nghĩa. Tôi cảm thấy mình có thể vẽ ra bất cứ điều gì mình muốn nói với mọi người. Thế là tôi cứ mải miết vẽ, vẽ và vẽ”. Trong số những người thân thiết với Trần Trung Tín có cả họa sĩ Bùi Xuân Phái, người đã sớm nhìn ra “sự độc đáo, sự tự do về hình thức biểu đạt và sự tinh tế về màu sắc do Trần Trung Tín sáng tạo”.
Sau năm 1975, Trần Trung Tín trở về miền Nam, bỏ lại tranh sơn dầu khổ lớn vẽ trên bao gạo khâu lại với nhau, còn những bức tranh trên giấy báo thì trao cho đạo diễn Tự Huy cất giữ hộ từ trước đó. Các tranh khổ lớn đã không thể nào khôi phục được. Năm 1976, ông gặp bà Trần Thị Huỳnh Nga và họ kết hôn năm 1977. Ông vẽ lại. Những bức tranh của giai đoạn sau này “tỏa ra sự tự tin và độ chín. Sự rạng rỡ của các tác phẩm có từ niềm hạnh phúc cá nhân mới tìm được”. Vẫn còn đó trong tranh ông những nỗi buồn và lòng thương cảm những cảnh đời bất hạnh vì chiến tranh và hậu quả khốc liệt mà nó để lại.
Năm 1989, triển lãm đầu tiên các tác phẩm Trần Trung Tín được tổ chức tại Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh; đến năm 1994, tranh ông được triển lãm lần đầu tiên ở Hà Nội. Tiếp đó, tranh Trần Trung Tín được giới thiệu ở nhiều triển lãm ở Mỹ, Pháp, Thái Lan, Nhật và đến năm 2004 là triển lãm tại Asia House, Bảo tàng Anh ở London. Đặc biệt, vào tháng 3-2001, vợ chồng nhà sưu tập Mark Tucker đã hiến tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Singapore sáu tác phẩm của Trần Trung Tín, và tới tháng 5-2001 bảo tàng đã tổ chức tại gallery Anderson một triển lãm riêng cho ông chỉ với sáu bức tranh: triển lãm có tên “Mô tả cuộc sống: Nghệ thuật của Trần Trung Tín” (Inscribing Life: The Art of Tran Trung Tin), điều đó cho thấy sự trọng thị đối với một tài năng đặc biệt.
- Ngã Văn