Ù tai là bệnh khá phổ biến ở những người trên 40 tuổi và càng lớn tuổi thì tỷ lệ bị bệnh càng cao. Người bệnh nghe thấy những âm thanh lạ trong tai hoặc trong đầu như tiếng ồn ào, tiếng động, tiếng ù. Nghiên cứu cho thấy ở các nước phát triển có gần 10% dân số bị ù tai, riêng tại Mỹ có khoảng 36 triệu người mắc bệnh này. Ù tai không chỉ gây cảm giác khó chịu, mất ngủ, thậm chí gây trầm cảm, mà còn là triệu chứng của một số bệnh nguy hiểm khác.
Bệnh ù tai khách quan
Tiếng ù xuất hiện trong tai mà cả bệnh nhân lẫn những người xung quanh đều nghe thấy gọi là bệnh ù tai khách quan. Nguyên nhân của ù tai khách quan là do có bất thường về cấu trúc và hoạt động của một số cơ quan đầu cổ, làm cho dòng tuần hoàn máu bị hẹp, chẳng hạn khi có u ở tĩnh mạch cổ (còn gọi là u cuộn cảnh), u ở thân động mạch cảnh, bị xơ hẹp động mạch vùng đầu cổ hoặc giữa động và tĩnh mạch cùng đầu cổ xuất hiện ống thông… Tiếng ồn khách quan còn có thể xuất hiện khi côn trùng bò vào tai hoặc vòi nhĩ (ống thông giữa tai và mũi họng) bị hở, hoặc xảy ra tình trạng thắt cơ vùng họng – màn hầu, bệnh lý khớp thái dương – hàm hoặc bệnh lý cột sống cổ.
Ù tai khách quan tuy ít gặp nhưng đó chính là dấu hiệu báo hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm ở hệ thống động tĩnh mạch đầu – cổ và trong não, không thể xem thường. Khi có dấu hiệu ù tai khách quan, bệnh nhân cần đi khám ở các cơ sở y tế hoặc chuyên khoa tai – mũi – họng để xác định nguyên nhân và được điều trị đúng, tránh tự chữa hoặc chữa theo kinh nghiệm mà “tiền mất tật mang”.
Bệnh ù tai chủ quan
Khi tiếng ù trong tai hoặc trong đầu chỉ được người bệnh cảm nhận, những người xung quanh hoàn toàn không nghe thấy và máy móc cũng không đo được thì đó là bệnh ù tai chủ quan. Tỷ lệ người bị ù tai chủ quan cao hơn rất nhiều lần so với người bị ù tai khách quan. Tiếng ù rất đa dạng, có thể giống tiếng xay lúa, tiếng ve kêu, tiếng sáo diều hoặc tiếng gió lùa qua khe hẹp… Tiếng ù chủ quan có lúc liên tục, lúc lại ngắt quãng, âm lượng lúc to lúc nhỏ, đặc biệt là càng lớn về đêm khuya.
Ù tai gây khó chịu, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và công việc, khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ, hay bị tỉnh giấc giữa đêm khuya. Ù tai kéo dài có thể gây stress, thậm chí trầm cảm. Một số ít bệnh nhân nghe tiếng ù trong đầu như có ảo giác về âm thanh.
Ù tai chủ quan là triệu chứng khá phổ biến, bệnh nhân cần tự phát hiện, đánh giá các rối loạn đi kèm để giúp thầy thuốc phát hiện đúng nguyên nhân, ví dụ có thể do nghe kém, chóng mặt, do mắc bệnh tai mũi họng hoặc mỡ máu cao, một số trường hợp có liên quan đến bệnh lý tim mạch và hệ thần kinh… Ù tai chủ quan thường gặp có thể do vài nguyên nhân sau:
– Các bệnh lý về tai như ráy tai bít tắc ống tai, viêm tai giữa ứ dịch, xơ cứng khớp xương bàn đạp trong tai, có u ở dây thần kinh số 8…
– Rối loạn áp lực trong tai khi ù tai kèm theo chóng mặt, buồn nôn, rối loạn thăng bằng, điển hình là bệnh Meniere (chóng mặt). Phương thức điều trị mới là cấy ghép thiết bị vào phần xương thái dương của hộp sọ, phía sau tai của bệnh nhân. Ba điện cực sẽ tác động vào phần mê cung của bệnh nhân và kiểm tra tín hiệu thần kinh. Người bệnh còn được cung cấp một bộ xử lý nhỏ đặt phía sau tai để nhận tín hiệu và điều hành các điện cực cấy ghép. Khi người bệnh cảm thấy hội chứng Meniere sắp xảy ra, họ sẽ kích hoạt hệ thống, truyền xung điện qua ba điện cực, giúp giữ cân bằng cho cơ thể đến khi các triệu chứng khó chịu qua đi.
– Thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn quá lớn như nghe nhạc lớn, làm việc trên công trường xây dựng, trong nhà máy có tiếng ồn quá mức… Cần có biện pháp phòng ngừa và kiểm tra độ thính của tai để tránh tai bị điếc mà không biết.
– Bị ngộ độc thuốc, rượu mạnh, thuốc lá, chất độc trong thực phẩm… Cần ngưng sử dụng ngay các loại thuốc, thực phẩm, rượu nghi ngờ có chất độc.
– Một số bệnh lý về tim mạch có biểu hiện triệu chứng sớm là ù tai. Vì vậy, bệnh nhân cũng cần kiểm tra sinh hóa máu và hệ tim mạch, nhất là bệnh mỡ máu và huyết áp.
Ngoài ra, ở một số người có tuổi, một lượng nhất định dây thần kinh thính giác bị suy thoái khiến người bệnh nghe kém và bị ù tai.
Còn nhiều nguyên nhân khác gây ù tai chủ quan nên tốt nhất là người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
Một số điều cần lưu ý khi ù tai xuất hiện
– Nếu ù tai xuất hiện sau khi tắm, bơi… thì cần kiểm tra có phải do trương nở ráy tai khô nằm sâu trong ống tai hay không.
– Ù tai xuất hiện ngay khi máy bay cất cánh và hạ cánh, cảm giác bị căng mạnh trong tai thì đó chỉ là dấu hiệu của viêm tai áp lực.
– Trẻ em sau một thời gian bị sổ mũi bỗng có thêm triệu chứng ù tai, nghe kém thì cần đưa đến bệnh viện khám ngay để loại trừ nguy cơ viêm tai giữa ứ dịch. Nếu bỏ qua có thể trẻ sẽ bị điếc và giảm sút kết quả học tập.
– Ai hay nghe nhạc bằng tai nghe âm lượng lớn hoặc làm việc trong môi trường ồn quá mức thì cần cảnh giác khi tai bị ù vì đó là dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh điếc do tiếng ồn.
– Ù tai xuất hiện đột ngột, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, huyết áp thay đổi thất thường có thể là dấu hiệu bị rối loạn tim mạch, có thể đưa đến đột quỵ.
– Không nên coi thường trường hợp ù tai một bên kèm theo nghe kém và đau nhức mặt ở cùng bên tai bị ù vì có thể do khối u ác tính vùng mũi hoặc họng thấp gây ra.
Điều quan trọng để điều trị chứng ù tai là phải tìm ra được nguyên nhân gây bệnh. Một số phương pháp dưới đây có thể giúp làm giảm ù tai:
– Tránh những môi trường có nhiều tiếng ồn.
– Thường xuyên kiểm tra huyết áp.
– Tránh rượu và những chất có cồn, thuốc lá, chất caffeine, phó mát vì chúng có thể làm ù tai nặng hơn.
– Giảm lượng muối trong các món ăn.
– Tập thể dục hằng ngày để cải thiện tình trạng tuần hoàn.
– Giảm tối đa những lo lắng về tinh thần vì những nguyên nhân gây stress cũng làm ảnh hưởng đến hệ thống thính giác.
– Cần khám bệnh kịp thời, đúng lúc để sớm có biện pháp điều trị, nhờ đó bệnh không nặng thêm.