Cuốn sách trên được coi là tác phẩm kinh điển đầu tiên ở hai phương diện: Thứ nhất là nhấn mạnh vào sự thay đổi lớn trong xã hội hiện đại, từ nền văn hóa thiên về sản xuất chuyển sang nền văn hóa ngả hẳn sang tiêu dùng; thứ hai là tác phẩm đi sâu phân tích các vấn đề thuộc chủ đề “tuân phục” và “tính chất cá nhân” ở xã hội hiện đại.
Lấy bối cảnh nước Mỹ khi chuyển dịch từ xã hội sản xuất sang xã hội tiêu thụ từ đầu đến giữa thế kỷ XX với sự bùng nổ của giai tầng trung lưu lớp trên, tác giả David Riesman đã phân tích sắc sảo và đầy thuyết phục sự biến đổi trong tính cách của họ từ nội tại định hướng sang ngoại tại định hướng, thể hiện trong các lĩnh vực công việc, chính trị, giải trí, truyền thông, giáo dục, gia đình… Và ông đi đến một nhận định đáng giật mình: các kiểu tính cách ấy đều không làm cho con người được tự do, con người luôn bị định hướng dưới hình thức này hoặc hình thức khác, bởi vậy nó luôn mang cảm giác vong thân và cô đơn. Hơn 60 năm qua, Đám đông cô đơn chưa hề mất đi khả năng bao quát vấn đề chúng ta đang sống như thế nào. Chúng ta là những người “nội tại định hướng” – từ thuở bé đã bản chất hóa những mục tiêu mà người lớn “cấy cho”, hay người “ngoại tại định hướng” – luôn quá nhạy cảm trước những kỳ vọng và ý thích của người khác? Chúng ta có tự do và hạnh phúc hay không?
Con người cá nhân độc lập thì phải cô đơn, nó đối mặt với “con quái vật đám đông” để cố mà hiểu, dù biết đó là một việc quá sức. Đám đông cô đơn là một công trình nghiên cứu những vấn đề mà xã hội phải đối mặt trong từng bước chuyển mình. Kinh tế, chính trị, tâm lý đều liên quan mật thiết đến nhau trong hành trình bất tận con người phải tự nhận ra bản chất của mình, tự định hướng và tự điều chỉnh mình. Nếu không, họ sẽ bị những giá trị bên ngoài chi phối, tác động để rồi lạc lõng ngay giữa đám đông của mình. Đám đông cô đơn nghiên cứu bối cảnh của nước Mỹ nhưng không chỉ là câu chuyện của nước Mỹ. Đây còn là câu chuyện của mọi quốc gia, mọi người trẻ khi đang phải đối mặt với những lúc cô đơn trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, tác phẩm này là một cuộc giải phẫu xã hội hiện đại cho cả nhân loại trong kỷ nguyên toàn cầu hóa này, trong đó nó chỉ ra những khuyết tật của con người, của xã hội, đồng thời cho thấy những cơ may giúp con người trở nên hạnh phúc. Suốt một thời gian rất dài, ở Việt Nam dường như người ta quá yên tâm là đã hiểu “đám đông” và “quần chúng” nghĩa là gì, nắm vai trò ra sao, và cũng suốt một thời tiếng nói của quần chúng hướng lối cho cuộc sống, kể cả ở những phương diện rất riêng tư. Rồi lại đến thời bùng nổ của cái nhìn cá nhân, cá nhân trở thành “ngôi sao” trong suy tư của xã hội. Mấy năm trở lại đây, “đám đông” bỗng lại trở thành đối tượng được săn đón và đầu tư trí tuệ của giới trí thức, mà kết quả trước tiên có lẽ là: Người ta nhận ra mình không hiểu nổi đám đông.
Và nếu tự do, hạnh phúc con người là mục tiêu hướng đến của mọi quốc gia, mọi xã hội, thì những bài học của Đám đông cô đơn vẫn luôn tươi mới.
Sách của Công ty Nhã Nam, dày 516 trang, giá 128 ngàn đồng.
C.T