Chúng ta đã nghe những thông tin cảnh báo về tỷ lệ tim mạch ngày càng tăng, nhất là người ở tuổi trung niên.
TS-BS Tôn Thất Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Tim Tâm Đức cho biết xã hội càng hiện đại thì tỷ lệ bệnh tim mạch càng tăng vì cuộc sống bận rộn, công việc nhiều áp lực và thói quen ăn uống các loại thức ăn nhanh.
Thật may, bệnh tim mạch có thể phòng ngừa bằng những thói quen đơn giản hằng ngày. Buổi trò chuyện với BS Tôn Thất Minh hy vọng sẽ cho chúng ta những lời khuyên hữu ích.
Thưa bác sĩ, từ độ tuổi nào thì chúng ta cần chú ý hơn về sức khỏe tim mạch?
Cơ thể chúng ta khi bước qua tuổi 30 đã bắt đầu có hiện tượng lão hóa, không chỉ riêng về tim mạch và đây là mốc thời gian chúng ta cần chú ý tìm cách giữ gìn sức khỏe.
Bệnh tim mạch thường xuất hiện ở người từ 40 tuổi trở lên nhưng đối tượng nam giới thường xuyên làm việc căng thẳng, ăn uống “thả ga”, ít vận động, không tập luyện thể dục thể thao thì bệnh có thể xuất hiện sớm hơn, khoảng từ tuổi 35 trở đi. Ở nữ giới, bệnh tim mạch thường xuất hiện sau tuổi mãn kinh. Trước tuổi mãn kinh, sự bảo trợ của các nội tiết tố giúp phụ nữ ít bị bệnh tim mạch hơn.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ nam giới bị bệnh mạch vành tăng, nguyên nhân phần lớn là do hút thuốc lá nhiều quá. Ngày trước, bệnh động mạch vành và nhồi máu cơ tim thường xuất hiện ở người từ 50-60 tuổi, nay thì bệnh đang có xu hướng trẻ hóa.
Qua đó có thể thấy hút thuốc lá là một thói quen rất có hại với tim mạch…
Đúng vậy. Phải nói rằng thói quen hút thuốc là cực kỳ có hại cho cơ thể chứ không chỉ riêng về tim mạch. Trước đây, chúng ta chỉ biết thuốc lá có tác hại nguy hiểm cho phổi là chủ yếu chứ hầu như chưa thấy tác hại đối với tim và mạch máu. Những lời cảnh báo đối với tác hại của thuốc lá ít hiệu quả vì chúng ta có thói quen “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”.
Chất nicotine chỉ là một trong 4.000 thành phần có hại tìm thấy được trong thuốc lá. Khói thuốc vào cơ thể gây co mạch, tăng huyết áp, tăng nhịp tim làm tim phải làm việc nhiều và có thể gây ra rối loạn nhịp tim. Dù chỉ hút vài điếu thuốc trong ngày cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, rối loạn nhịp tim, đột tử, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ.
Trong số đó bệnh mạch vành là quan trọng nhất, ước tính chiếm khoảng hơn một nửa trường hợp tử vong vì bệnh tim do hút thuốc lá. Đầu thập niên 90, khi kỹ thuật chụp mạch vành phát triển thì kết quả cho thấy: Người rất trẻ không cao huyết áp, không rối loạn mỡ máu, mỗi ngày hút gần một gói thuốc lá thì động mạch vành đã bị xơ vữa nghiêm trọng, nhiều chỗ hẹp đến nỗi không còn nông được nữa mà phải phẫu thuật.
Vì vậy, ngưng hẳn thuốc lá là điều cần làm ngay để bảo vệ sức khỏe của bản thân và người xung quanh. Bên cạnh đó, một thói quen không tốt cho tim mạch là ăn uống kém khoa học, để cơ thể vượt mức trọng lượng cho phép.
Nên giữ gìn trọng lượng cơ thể như thế nào cho tốt, thưa bác sĩ?
Nên giữ trọng lượng trong mức chỉ số khối cơ thể (BMI). Muốn như vậy thì chúng ta nên chú ý đến ăn uống và vận động.
Việc theo đuổi một chỉ số cơ thể lý tưởng cần thực hiện trong thời gian dài, điều độ chứ không thể thực hiện theo cảm hứng, kiêng khem một vài tuần rồi ăn uống “thả ga” sau đó.
Cần chú ý hạn chế mỡ động vật, thay thế bằng các loại dầu đậu nành, dầu mè, dầu ôliu… Đến tuổi trung niên thì chú ý giảm muối trong các bữa ăn.
Báo chí nước ngoài từng khuyến cáo rằng nếu mỗi người chỉ giảm khoảng 6g muối mỗi ngày thì thế giới giảm hàng tỉ đôla dùng để mua thuốc tăng huyết áp. Điều đó cho thấy tỷ lệ người bị cao huyết áp trên thế giới thật sự đáng báo động.
Các loại fast-food luôn chứa nhiều muối và chất béo, chúng ta nên hạn chế ăn. Đi liền với chuyện ăn uống, chúng ta cũng cần chú ý đến việc vệ sinh răng miệng vì răng miệng bị viêm cũng ảnh hưởng đến tim mạch.
Xin bác sĩ giải thích rõ hơn vì sao việc vệ sinh răng miệng không tốt lại là nguy cơ gây bệnh cho tim mạch?
Một số vi trùng trong răng, nướu bị viêm nhiễm răng sẽ lưu thông trong máu và gây viêm nhiễm mạch máu nuôi tim. Chúng ta có thể hình dung mạch máu giống như một cái ống nước.
Khi dòng nước đi qua bị bẩn liên tục thì sẽ gây lắng đọng, làm hẹp động mạch và làm mạch máu dễ bị tắc nghẽn hơn. Vì vậy, việc giữ gìn vệ sinh răng miệng cũng quan trọng không kém việc giữ gìn trọng lượng của cơ thể.
Nhiều người vẫn giữ ổn định chỉ số BMI mà không cần luyện tập thể dục, điều này có tốt hay không?
Tôi cho là một cơ thể như vậy cũng không tốt. Nếu không tập thể dục thì cơ kém săn chắc và sức đề kháng của cơ thể cũng không được tăng cường. Hoạt động thể lực càng đều đặn thì càng tốt để tăng tuần hoàn máu và tăng sức khỏe tim. Mỗi tuần nên tập tối thiểu ba ngày, mỗi ngày từ 30-45 phút.
Các bác sĩ khuyên những môn ít gây chấn thương như đi bộ, chạy bộ ngắn, đặc biệt là môn bơi lội thích hợp cho mọi lứa tuổi. Nói vậy nhưng chúng ta lựa chọn tập luyện phải tùy thuộc vào sở thích thì mới có hứng thú để luyện tập đều đặn.
Chơi thể thao cùng bạn bè một cách vui vẻ và hứng khởi còn kích thích vỏ não tiết chất endorphin, tạo niềm hưng phấn cho chúng ta, đó cũng là chất gây “nghiện” khiến chúng ta không đi tập thì thấy nhớ.
Bệnh nhân tim mạch cũng được khuyến khích tăng vận động trong giới hạn cho phép của cơ thể để rèn luyện tim mạch mỗi ngày.
Có những môn thể thao có hại cho khớp gối như chạy bộ, tennis và không phù hợp với người lớn tuổi nhưng nếu yêu thích thì vẫn có thể chơi như một cách để tăng năng lượng và giảm stress mỗi ngày. Tôi thì thích môn tennis, mỗi ngày chơi đều đặn từ 1-2 tiếng buổi sáng.
Buổi sáng sớm phải chăng là thời điểm tốt nhất cho việc tập luyện?
Thời gian tốt nhất cho việc luyện tập thể dục thể thao là từ 5-6 giờ chiều. Còn buổi sáng, khi vừa thức dậy, cơ thể vừa trải qua một thời gian nghỉ ngơi thì đúng ra là không nên vận động mạnh ngay. Tuy nhiên, theo thói quen, việc tập buổi sáng cũng là cách giảm stress và khởi động cơ thể để bắt đầu một ngày mới.
Có lẽ nhiều người đã biết stress cũng là yếu tố ảnh hưởng tim mạch nói riêng và sức khỏe toàn thân nói chung. Căng thẳng về tâm lý gây ảnh hưởng xấu đến thành mạch, làm rối loạn tuần hoàn và tăng nguy cơ gây tổn thương các tế bào nội mạc, là nguyên nhân làm hình thành và phát triển vữa xơ động mạch.
Nếu không xem stress là động lực để phát triển mà ngược lại, stress là nguyên nhân gây trầm cảm, mệt mỏi, khủng hoảng thì rất dễ phát sinh bệnh tật và nguy cơ đột tử cao. Stress cũng khiến nhiều người hút thuốc, uống rượu nhiều hơn. Như thế hai, ba tác nhân cùng phá hủy tim mạch thì sức khỏe chúng ta suy kiệt nhanh chóng, khó lòng cứu vãn nổi.
Một số nghiên cứu cho thấy mỗi ngày một ly rượu vang hoặc một lon bia rất tốt cho tim mạch. Vậy người bị bệnh tim có nên uống bia và rượu vang không?
Không chỉ người bình thường mà cả bệnh nhân tim mạch cũng có thể uống rượu bia trong chừng mực, tương đương mức giới hạn là 60cc rượu vang hoặc hai lon bia.
Trong rượu vang, bia có chất oxy hóa, vitamin nên tốt cho tim mạch, điều này có lẽ không có gì để bàn cãi nữa. Chỉ có kiểu “mượn rượu giải sầu” hoặc “không say không về” mới ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Rất nhiều người có thói quen nhậu nhẹt quá mức vừa có hại tim mạch, gan thận mà còn tạo hình ảnh không đẹp trong mắt người khác, đặc biệt là khách nước ngoài.
Tóm lại, càng giữ chừng mực trong ăn uống thì càng có lợi cho sức khỏe chúng ta. Ngoài ra, trong việc phòng ngừa bệnh tim mạch, người từ 40 tuổi trở lên cần khám tổng quát định kỳ mỗi năm một lần.
Cảm ơn bác sĩ về những lời khuyên hữu ích trên.