Ngày Xuân, nói về “Bến Xuân” có lẽ cũng là đề tài thích hợp. Có rất nhiều chuyện để kể, không biết bắt đầu từ đâu? Gọi là “mới”, thật ra cái tên Bến Xuân đã là chuyện tính bằng thập kỷ, hai thập kỷ ở Huế, nhưng mãi đến nay cái “bến” ấy mới thật sự có “khách” ghé thăm theo một lịch trình có thể gọi là ổn định.
Còn nhớ, 20, rồi 10 năm trước, khi hỏi ông chủ Bến Xuân bao giờ khánh thành, ông chỉ cười. Về sau, quan sát quá trình xây dựng Bến Xuân, người hỏi đã tự biết câu trả lời: Một công trình thật sự có văn hoá, không thể nóng vội, càng không thể làm theo kiểu “mì ăn liền” hay để kịp “chào mừng” lễ lạt gì đó!…
Vậy là tự nhiên, câu chuyện bắt đầu từ khâu “kiến trúc”. Phải! “Bài toán” về kiến trúc, về sự kết hợp “bảo tồn và phát triển”, nhất là ở các thành phố có nhiều di sản văn hoá, luôn là vấn đề nan giải, không chỉ với Huế. Đặc biệt hơn, Bến Xuân lại “cắm” ở một vị trí rất “nhạy cảm” – sát bên bờ sông Hương, phía trên chùa Thiên Mụ vài trăm mét, trước hai di tích quan trọng là Văn Thánh và Võ Miếu.
Để xây một công trình mới ở đây thì phải trải qua cả gần chục năm với đủ thủ tục, từ Sở Văn hoá, Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế, UBND Tỉnh rồi Bộ Văn hoá… Quy trình đối với vị trí “nhạy cảm” phải thế, hơn nữa còn phải xem có “đáng mặt gửi vàng” không… Cả ông chủ Bến Xuân xem ra cũng “ngợp” trước ý tưởng ban đầu của mình, nên phải đi từng bước.
Thoạt đầu, khi từ Thụy Sĩ về thăm Huế, ông để ý khách du lịch khi thăm các di tích bên bờ Bắc sông Hương, thường chỉ đến chùa Thiên Mụ là quay lui. Ít người biết chỉ cần đi thêm vài trăm mét là đến Văn Thánh – nơi hiện còn lưu giữ 32 tấm bia ghi danh các tiến sĩ Triều Nguyễn.
Di tích văn hoá quan trọng này ít được biết đến, phần vì Văn Thánh (còn gọi là Văn Miếu) đã bị tàn phá hầu hết trong chiến tranh; Võ Miếu thì còn hoang phế hơn; phần nữa do hai bên quãng đường Thiên Mụ – Văn Thánh, ngoài những mảnh vườn tạp xơ xác bao quanh các ngôi nhà tạm, không hề có một thứ gì thu hút du khách. Thế là ông nhờ gia đình bên vợ mua mấy ngàn mét đất, và ý tưởng dần hình thành…
- Xem thêm: Khâm Thiên Giám đường xưa lối cũ
Đã ở châu Âu nhiều năm, quen thuộc nhiều di tích nổi tiếng thế giới, ông hiểu lịch sử là một dòng chảy văn hoá, nó có sự kế thừa, tiếp nối. Di tích lịch sử đâu nhất thiết đứng biệt lập. Trên bờ sông Hương nơi này – từ Thiên Mụ đến Văn Thánh – có thể gọi là đoạn đường đậm chất văn hoá-tâm linh. Cần tạo một không gian văn hoá, một nếp sống văn hoá quanh di tích.
Thay vì những mảnh vườn tạp xơ xác, gần bị bỏ quên, ông muốn tạo một điểm nhấn văn hoá ở đây bằng việc xây một ngôi nhà có thể nghe nhạc cổ điển, triển lãm tranh, trình bày thơ ca… Tạo cái mới mà vẫn hợp với cảnh quan, như thế chỉ làm đẹp cho sông Hương thôi…
Còn nhớ những năm đầu, Bến Xuân lúc đó mới chỉ có một căn nhà tạm, một con đường lát gạch bát tràng đi ra lầu “Nghinh Phong” – lầu vừa dựng mà trông cổ kính hơn cả Thương Bạc (Huế); tuy vậy, mỗi năm một hai lần, ở đây thường có cuộc gặp gỡ đông vui giới văn nhân trí thức tên tuổi của Huế. Những tà áo dài tha thướt bên cánh veston-càvạt-giầy đen khoan thai nối tiếp nhau tiến ra “Bến Xuân”.
Các cựu nữ sinh “Đồng Khánh” Huế là bạn với nữ chủ nhân và rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức quen biết, trong đó có hoạ sĩ Vĩnh Phối, dịch giả Bửu Ý, nhà văn Trần Thuỳ Mai, nhà văn Tô Nhuân Vỹ… và đặc biệt có cả nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, dù phải đi bằng xe lăn cũng đến… Và rồi những bài hát êm dịu của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Minh Kỳ lần lượt cất lên. “… Mây vương khói chiều, xứ Huế đẹp yêu kiều/ Ngơ ngẩn lòng du khách những chiều xưa…”.
Bài hát của Minh Kỳ thương một chiều Huế xưa. Còn nay, Huế thanh bình nơi Bến Xuân bên quãng sông này vẫn đủ làm du khách “ngẩn ngơ” mỗi khi mặt trời suốt ngày ẩn sau lớp mây xám nhạt đã khuất hẳn dưới dãy Kim Phụng xanh thẫm nhấp nhô đằng xa ở bên kia bờ; rồi một chiếc thuyền từ phía Ngã Ba Tuần hối hả xuôi dòng, tiếng máy nổ khuấy động giây lát mặt sông phẳng lặng trong màn sương chiều mờ ảo bắt đầu buông xuống. Một bức tranh thuỷ mặc thật đẹp; và hẳn là sẽ đẹp hơn khi nhà hát “Bến Xuân” hoàn thành.
Đến nay, Bến Xuân đã thực hiện được điều đó và đây là bằng chứng sinh động rằng “bảo tồn” vẫn có thể “phát triển” nếu chủ nhân không phải là những “trọc phú” mà là con người có văn hoá, đồng thời chứng tỏ Nhà nước đã biết “chọn mặt gửi vàng”, là cách đầu tư có “lãi” lớn nhất. Có thể nói như thế vì Huế có thêm một công trình văn hoá có giá trị nhiều tỷ đồng mà công quỹ không tốn một xu nào!
Cho đến nay, Bến Xuân đã thành một địa chỉ văn hoá mới của Huế và nói như một câu ca quen thuộc về Huế – Bến Xuân tuy không thật hoành tráng, nhưng có những nét đặc sắc “không nơi nào có được”!
Có ở đâu một công trình mới xây dựng mà trông như di sản từ Triều Nguyễn để lại! Được như thế, nhờ chủ nhân Bến Xuân đã nghiên cứu kỹ lưỡng từng đường nét, màu sắc, họa tiết ở các công trình kiến trúc thời Nguyễn và mỗi viên ngói, mỗi hòn gạch lát sân đều tìm mua lại từ các công trình xưa… Cũng hiếm nhà ở Huế mở cổng đón khách từ sông lên, với mái vòm tượng hình con đò – hình ảnh gắn với hoạt động ca Huế trên sông Hương. Để nghĩ ra cái cổng không giống ai này, nữ chủ nhân đã phải lao tâm khổ tứ suốt 6 tháng trời!…
***
Như vậy là câu chuyện đã “tự động” chuyển “kênh” đến hai nhân vật chủ nhân Bến Xuân. Những năm qua, có thể nhiều bạn đã biết đến họ qua hai kỳ Festival Huế 2008 và 2010. Ông chủ tên là Trương Đình Ngộ, một Việt kiều ở Thuỵ Sĩ; đặc biệt hơn, ông còn là một chuyên gia tầm cỡ về tài chính-chứng khoán, nhiều năm phụ trách chứng khoán tại một ngân hàng lớn nhất Thuỵ Sĩ… Trương Đình Ngộ quê Quảng Trị, du học tại Đức từ hơn ba chục năm trước, nên duyên với một nàng “Tôn Nữ” Camille Huyền (thường gọi là Cẩm Hồng) bên trời Tây. Ông bà Trương Đình Ngộ-Cẩm Hồng đã quyết định về Huế – không phải chỉ mua nhà đất nhờ bà con giữ, rồi thỉnh thoảng về thăm quê đỡ tốn tiền thuê khách sạn như không ít Việt kiều; mà ông bà về ở hẳn, nhập hộ tịch thành công dân Huế.
Từ 10 năm trước, khi chưa quyết định hẳn sẽ về sống ở Việt Nam, Trương Đình Ngộ-Cẩm Hồng đã bỏ không ít tiền và công phu mời một nghệ sĩ ghi-ta cổ điển tầm cỡ chuyển soạn những ca khúc nổi tiếng của Cung Tiến, rồi tiếp tục dựng chương trình đêm nhạc cổ điển – đương đại Moon Art Songs (trong đó có 10 bài phổ thơ Hàn Mặc Tử) để trình diễn trong hai kỳ Festival Huế 2008 và 2010. Vậy là không chỉ có tiền mà phải có trình độ văn hoá đến một mức nào mới làm được như thế. Đã bao người ngạc nhiên nghe “ông chủ ngân hàng” Trương Đình Ngộ “thuyết minh” cho khách nước ngoài nghe những giá trị độc đáo của thơ Hàn Mặc Tử trong kỳ Festival 2010…
- Xem thêm: 10 điểm đến du lịch lưu giữ hồn xứ Huế
Gần đây thôi, Trương Đình Ngộ lại khiến nhiều người bất ngờ khi thấy ông là “chủ trò” khởi xướng “Câu lạc bộ Cảm Ơn Dòng Hương” và cùng một số doanh nhân như Nguyễn Trung Trực – Gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đức Minh (Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Đường mòn Đông Dương) sát cánh cùng Công ty Vệ sinh công trình đô thị Huế mở đầu kế hoạch vớt rác trên sông Hương và thu dọn rác trên bờ vào ngày chủ nhật 26.8.2018…
Còn tôi nghĩ: nhờ có ông bà Trương Đình Ngộ-Cẩm Hồng, chủ nhân Bến Xuân tôi mới có cơ hội thưởng thức những giai điệu có sức mê hoặc lòng người của Cung Tiến: “Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hoà hồn có mơ xa?/ Người ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò/ Còn đó tiếng tre êm ru/ Còn đó bóng đa hẹn hò…” (“Hương xưa”)…
***
Bây giờ thì những ca khúc nổi tiếng của Cung Tiến cũng như những thi phẩm của Hàn Mặc Tử – phần lớn lấy chủ đề mặt trăng như Sáng trăng, Say trăng, Rượt trăng, Trường Tương tư, Những giọt lệ, Đêm không ngủ, Anh điên, em điên, Đà Lạt trăng mờ, Đây Thôn Vỹ Dạ… đã được thu đĩa phổ biến nhiều nơi… Và trong mỗi dịp khách đến Bến Xuân có đăng ký trước theo một chương trình mà Trương Đình Ngộ-Cẩm Hồng vừa “thiết kế” sau bao nhiêu cân nhắc, sẽ được nghe nữ chủ nhân hát trong một không gian thơ mộng bên sông Hương cùng với những món ăn Huế được thực hiện tinh xảo và có chất lượng đúng như “ngày xưa”…
Như vậy, với hoạt động mới này của Bến Xuân, Huế không chỉ có chùa chiền, ca Huế trên sông, có mè xửng, tôm chua và các quán ăn chay… mà còn một “món” mới “ngon lành”, thật khó diễn tả cho đúng. Có thể nói đây là một địa chỉ để du khách thưởng thức một không gian nghệ thuật kiến trúc-ca nhạc-ẩm thực, một cách sống thanh lịch đậm chất Huế xưa mà lại đủ sức thu hút du khách quốc tế có nhu cầu cao, với chủ nhân không chỉ thông thạo tiếng Đức, Anh, Pháp… mà cả về kinh tế, nghệ thuật thơ ca…
Cũng có thể nói Bến Xuân là nơi du khách được “ăn” và “chơi” mà không có âm thanh gào thét, không có ánh sáng màu mè chói chang và càng không có “sex”! Có phải chính vì thế mà chương trình mới này thực hiện chưa bao lâu, trong sổ lưu niệm đã dày đặc những lời ghi “có cánh” của du khách nhiều quốc tịch ca ngợi và cảm ơn Bến Xuân đã cho họ được sống những giờ phút thú vị “không nơi nào có được”…