Trong bản báo cáo gần đây nhất về sự thịnh vượng toàn cầu, công ty nghiên cứu Knight Frank đã xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia có tốc độ gia tăng tầng lớp siêu giàu nhanh nhất thế giới. Trên thực tế, nhìn từ thị trường bất động sản cũng có thể thấy được xu hướng này qua sự xuất hiện của nhiều dự án cao cấp. Đáng chú ý trong đó phải kể đến hàng loạt dự án bất động sản giải trí.
Tiềm năng lớn từ tầng lớp thu nhập cao
So với Thái Lan, Singapore hay Malaysia, thị trường bất động sản giải trí của Việt Nam còn rất nhỏ. Quanh TP. Hồ Chí Minh chỉ có thể kể đến Đầm Sen, Suối Tiên, xa hơn một chút là Đại Nam… Đây là những khu vui chơi giải trí bước đầu đã thành công trong việc kết hợp những giá trị dân gian, cảnh quan và một số công nghệ giải trí hiện đại để phục vụ nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, xuất phát từ việc chủ đầu tư chưa xác định rõ được phân khúc thị trường nên các mô hình giải trí này phát triển theo kiểu đại trà, chưa hấp dẫn các đối tượng có mức chi tiêu cao. Đây cũng là lý do khiến người Việt đi du lịch ở các nước lân cận ngày càng nhiều trong các dịp lễ tết. Thông tin từ các công ty lữ hành cho biết có một bộ phận lớn trong 5 triệu người Việt du lịch nước ngoài hằng năm đã đưa con đến Disneyland ở Hongkong hay Universal của Singapore…
Trở lại với báo cáo của Knight Frank, đến hết năm 2016 lượng triệu phú đôla Mỹ tại Việt Nam đã tăng lên mức 13.400 người, cao hơn năm 2015 tới 2.200 người. Cũng theo tính toán của báo cáo này, trong vòng một thập niên tới, số triệu phú ở Việt Nam sẽ lên mức 40.000 người. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Nguyễn Minh Hải – Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, con số 13.400 triệu phú mà Knight Frank đưa ra chỉ được tính toán trên tổng giá trị cổ phiếu mà các nhà đầu tư nắm trên thị trường chứng khoán. Theo Tiến sĩ Minh Hải, con số này chỉ thể hiện được phần nhỏ số lượng các triệu phú tại Việt Nam. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Minh Hải, số triệu phú thực sự của Việt Nam có thể gấp bốn lần con số khảo sát mà Knight Frank đưa ra. Nghiên cứu của Tiến sĩ Minh Hải cũng chỉ ra, sự tăng trưởng một cách chóng mặt về số lượng các triệu phú tại Việt Nam đã kéo theo sự xuất hiện của tầng lớp “Rich Kids”, tạm dịch là “con nhà giàu”. Đây chính là lực lượng khách hàng tiềm năng của phân khúc bất động sản giải trí.
Đánh giá về triển vọng của phân khúc còn khá mới mẻ này, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, chỉ trong vòng khoảng 10-20 năm tiếp theo, các vị trí thuận lợi để phát triển bất động sản giải trí sẽ hết. Giá các bất động sản trên đã hình thành do tính khan hiếm của nó. Như vậy, các nhà đầu tư thứ cấp còn được một nguồn lợi nhuận nữa do tính khan hiếm của loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch và giải trí mà mình có. Theo GS Đặng Hùng Võ, việc phát triển các dự án cao cấp đó đòi hỏi nhà đầu tư có tiềm năng tài chính cao, có kinh nghiệm quản lý dự án, có trình độ phát triển khoa học công nghệ mới đảm bảo triển khai.
Bất động sản giải trí sẽ tạo cú hích cho du lịch
Ông Lương Hoài Nam, nguyên Tổng giám đốc Jetstar Pacific Airlines từng nhận xét: “Tôi thấy tiềm năng đầu tư công viên dạng Disneyland, Universal Studios ở khu vực Hà Nội và khu vực TP. Hồ Chí Minh phục vụ cho cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Nhà nước cần có chủ trương, quy hoạch đất đai, chính sách ưu đãi đầu tư và chọn nhà đầu tư thực sự biết nghề và có tiềm lực tài chính để không lặp lại thất bại như với các dự án Làng văn hóa các dân tộc ở Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội), Happyland ở Bến Lức (Long An). Một công viên chủ đề thành công có thể giúp “giữ chân” du khách quốc tế được 0,5-1 ngày, tăng chi tiêu của du khách tại địa phương thêm trên dưới 10%”.
Khảo sát của Tổng cục Du lịch trong năm năm trở lại đây chỉ ra rằng chi tiêu cho vui chơi giải trí của khách quốc tế đến Việt Nam chỉ chiếm 7 – 10% tổng chi phí chuyến đi. Con số này là quá khiêm tốn nếu so với các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Thái Lan… – những nơi mà chi cho hoạt động vui chơi giải trí của mỗi du khách chiếm 40 – 50%, thậm chí đến 60 – 70% tổng chi phí cho một chuyến du lịch.
Tìm cách giữ chân khách du lịch tới Việt Nam và đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu trong nước ngày càng gia tăng, các ông lớn trong ngành bất động sản đang chuyển hướng sang một lĩnh vực khá mới mẻ là đầu tư công viên vui chơi giải trí theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều đặc biệt là trong cuộc đua này, doanh nghiệp Việt đang chiếm ưu thế bước đầu. Mới đây Sun Group đã khởi công dự án công viên 4.600 tỉ đồng tại Hà Nội. Với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.600 tỉ đồng, công viên Kim Quy được mô tả là kết tinh giữa những nét văn hóa đặc sắc vùng đất Cổ Loa và sự hiện đại của mô hình Universal Studios, Disneyland. Trước đó, Sun Group đầu tư nhiều khu vui chơi giải trí như Sun World Halong Park giá trị đầu tư 6.000 tỉ đồng, Asia Park tại Đà Nẵng.
Cũng tại Đà Nẵng, Tập đoàn Empire đã chính thức khởi công khu du lịch – giải trí Cocobay với tổng diện tích khoảng 31ha, dự án được thiết kế, đầu tư nhiều hạng mục có quy mô lớn như sân khấu biểu diễn trong nhà với sức chứa 1.200 chỗ, sân khấu biểu diễn ngoài trời quy mô 2.000 chỗ, quảng trường du lịch lớn và nhiều dịch vụ kèm tuyến phố đi bộ. FLC cũng từng tham vọng đầu tư một công viên giải trí ngang tầm Disleyland tại Vĩnh Phúc. Tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng, giai đoạn hai của dự án với quy mô diện tích hơn 250ha.
Về phía doanh nghiệp ngoại, năm 2016, Công ty Sanrio của Nhật Bản đã lập kế hoạch mở công viên giải trí trong nhà mang tên Hello Kitty ở Hà Nội và kỳ vọng biến dự án trở thành công viên giải trí lớn nhất Việt Nam vào cuối năm 2018. Theo kế hoạch, đây sẽ là công viên giải trí thứ sáu của Sanrio ở nước ngoài.