Ngày 3-10, Bộ Tài chính chính thức công bố và lấy ý kiến các thành viên thị trường về Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) nhằm thay thế luật chứng khoán năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010. Theo dự kiến, dự luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp đầu năm 2019 và thông qua vào kỳ họp cuối năm 2019, kỳ vọng sẽ tiếp cận gần hơn với thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.
Nhiều năm nay, Luật Chứng khoán 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành đã tạo khung khổ pháp lý cao nhất, tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Trong những năm qua, thị trường chứng khoán đã phát triển nhanh và tương đối ổn định, góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, sự hội nhập quốc tế, cũng như các văn bản pháp lý liên quan cũng có nhiều thay đổi, đòi hỏi cần điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật mà trọng tâm là Luật Chứng khoán.
Luật hóa khái niệm nhà đầu tư chuyên nghiệp
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã bổ sung, chuẩn hóa một số khái niệm trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đảm phù hợp hơn với thực tiễn và pháp luật có liên quan. Một trong những khái niệm đó là: nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Khái niệm này trước đây chưa được luật hóa và thường hiểu chỉ là các tổ chức đầu tư. Trong dự thảo này, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được định nghĩa bao gồm cả tổ chức và cá nhân.
Cụ thể, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bao gồm: các tổ chức như: ngân hàng thương mại, công ty tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán; công ty có vốn điều lệ đạt trên 1.000 tỷ đồng và có thời gian niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán tối thiểu hai 2 năm.
Các cá nhân được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi đáp ứng các điều kiện như: có chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán, cá nhân có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán tối thiểu 2 năm và có giá trị giao dịch chứng khoán bình quân hàng tháng tối thiểu 2 tỷ đồng Việt Nam hoặc nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết có giá trị tối thiểu 5 tỷ đồng Việt Nam trong 12 tháng gần nhất.
Tăng điều kiện chào bán chứng khoán
Một trong những điểm đáng chú ý trong quy định về chào bán chứng khoán là tách bạch điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng để phù hợp với tính chất của việc chào bán và theo thông lệ quốc tế.
Trong đó, dự thảo quy định điều kiện về mức vốn điều lệ đã góp của tổ chức phát hành tối thiểu 30 tỷ đồng; nâng quy định điều kiện hoạt động kinh doanh có lãi lên 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán (hiện hành là 1 năm).
Điều kiện riêng đối với chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng đã quy định thêm điều kiện về tính đại chúng. Đó là: “Tối thiểu 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên vốn điều lệ của tổ chức phát hành. Trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 100 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 15% vốn điều lệ của tổ chức phát hành. Nếu vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên thì tỷ lệ tối thiểu là 10%”.
Về chào bán riêng lẻ, dự thảo quy định chặt chẽ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, đối tượng tham gia đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng bao gồm nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Đồng thời, quy định thời gian hạn chế tối thiểu 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu 1 năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Sở dĩ có quy định này vì đây là những đối tượng hoặc có gắn bó lâu dài với công ty hoặc am hiểu thị trường chứng khoán và khả năng chấp nhận rủi ro cao.
Thêm quyền tiếp cận thông tin cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước
Liên quan đến hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm về chứng khoán và thị trường chứng khoán, dự thảo đã bổ sung một số quy định về thẩm quyền của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước khi tiến hành thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm như: yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ thanh, kiểm tra, giám sát, xác minh vi phạm; yêu cầu tổ chức, cá nhân có biểu hiện vi phạm giải trình, đối chất…
Đối với mức phạt, dự kiến luật sẽ quy định cụ thể mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức và cá nhân, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, các hình thức xử phạt bổ sung.
Lý giải về quy định này, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết, trong thời gian qua, Bộ Tài chính (trong đó có Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong quản lý, giám sát, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, góp phần lành mạnh hoạt động thị trường.
Tuy nhiên, các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp, việc thanh, kiểm tra, xử lý các hành vi giao dịch nghi vấn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chưa có đủ thẩm quyền để tổ chức và thực thi tốt các chức năng thanh tra và cưỡng chế thực thi (chưa có thẩm quyền trong việc kiểm soát tài khoản, dòng tiền…), vì vậy, kết quả thanh, kiểm tra và xử lý còn gặp nhiều khó khăn.
Trong dự thảo lần này, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đưa ra quyền được tiếp cận thông tin nhằm yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin để hỗ trợ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong việc xác định hành vi giao dịch nghi vấn.
Hơn nữa, theo luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân tối đa là 1 tỷ đồng và tổ chức là 2 tỷ đồng. Do vậy nếu Luật Chứng khoán không quy định về mức phạt tiền tối đa cao hơn mức phạt tối đa chung cho các lĩnh vực theo luật xử lý vi phạm hành chính thì chưa đủ tính răn đe và phòng ngừa vi phạm.