Công việc bảo quản tại các viện bảo tàng hiện trải qua nhiều thay đổi do sự xuất hiện của những tác phẩm đương đại, với chất liệu “lạ”, chóng tàn.
Tác phẩm Comedian, của nghệ sĩ Maurizio Cattelan (Ý), gồm một quả chuối được dán trên tường bằng một mẩu băng dính, tại bảo tàng Guggenheim (New York), đòi hỏi một cách bảo quản đặc biệt tương tự như mọi tác phẩm phù du đang thịnh hành thuộc nghệ thuật đương đại.
Tác phẩm quả chuối này đã được bán 3 lần ở Miami, vào năm 2019, với giá 120.000 USD mỗi tác phẩm, tức là một quả chuối được dán trên tường. Một trong 3 tác phẩm trên được tặng ẩn danh cho bảo tàng Guggenheim, nên bảo tàng có trách nhiệm bảo quản nó. Trên thực tế, tác phẩm được bán không phải là quả chuối lẫn mẩu băng dính, mà là một “giấy chứng nhận tính xác thực”: một danh sách 14 trang gồm những thông tin chính xác và sơ đồ mà quả chuối được trình bày.
Quả chuối ấy được thay mới mỗi 7 hay 10 ngày, được dán cách mặt đất 175cm. Nhiệm vụ này xem ra không có gì khó khăn đối với nhân viên phụ trách bảo quản Lena Stringari: “Chỉ là quả chuối và băng dính. So với tất cả những việc mà tôi từng trải qua, việc này quá đơn giản”.
Comedian gây tiếng vang lớn, nhưng không phải là tác phẩm duy nhất thuộc loại này. Nghệ sĩ Damian Ortega (Mexico) chế tác tác phẩm điêu khắc Kader Attia, làm hoàn toàn bằng bột bánh, thể hiện một thành phố ở Algeria, đó là loại bột viên để làm bánh tortilla, món ăn ở Bắc Phi. Để bảo quản tác phẩm này, cần chuẩn bị bột, và thường xuyên chỉnh lại cấu trúc xộc xệch, cả quét dọn bột rơi vãi.
Ngoài thực phẩm, một số tác phẩm còn được xem như vĩnh cữu, được làm bằng những phần mềm, sẽ ngưng vận hành vào một ngày nào đó, một loại vật liệu không còn được bán trên thị trường… Melissa Chiu, nhân viên bảo quản tại một bảo tàng chuyên về loại tác phẩm đương đại này, giải thích: “Nếu bạn xem nghệ thuật như một ý tưởng, thì chất liệu chỉ là thứ yếu, việc nó không lâu bền chẳng phải là điều quá quan tâm”.
Cũng là vấn đề về bối cảnh, tác phẩm Apple, của nghệ sĩ Nhật Yoko Ono, gồm một quả táo đăêt trên một đế bằng thủy tinh, nên không có gì nghiêm trọng khi các vật tách rời nhau. Quả táo có thể bị trộm, mà tác phẩm không mất giá trị vì táo có thể được thay thế ngay, hơn nữa táo vẫn được thường xuyên thay mới.
Vào năm nay, một bảo tàng Mỹ khác đã tổ chức một cuộc triển lãm tác phẩm của Darrel Bader, sử dụng khoảng 40 trái cây và rau, mua ở chợ địa phương, được trình bày như một tác phẩm điêu khắc trên bệ bằng gỗ. Trước khi bị héo, trái cây được rửa, cắt, chế thành món trộn, tặng cho khách tham quan. Mục đích: tạo sự ngạc nhiên trước vẻ đẹp của sự sống, chiêm ngưỡng thiên nhiên với sự hào hứng như ngắm một tác phẩm của nghệ sĩ lừng danh Rodin.
Darrel Bader còn đi xa hơn vào năm 2012 với tác phẩm Lasagna on heroin: các miếng bánh mỏng xếp lên nhau, được tiêm heroin. Để mua bánh, nhân viên bảo quản chỉ cần ra tiệm bánh ở gần đó, còn heroin được một kẻ buôn ma túy cung cấp và chỉ cách tiêm.
Công việc của các nhân viên bảo quản ở bảo tàng giờ bao gồm cả việc đi mua hàng ở hiệu tạp hóa, càng lúc càng nhiều.