Báo chí Việt Nam từ cái buổi tờ Gia Định báo được hoài thai và khai sinh ở Sài Gòn năm 1865 đã trải qua nhiều bước thăng trầm biến động, mà mỗi thời mang trong mình những “nỗi niềm” riêng.Những bước thăng trầm ấy đã được ghi lại trong tác phẩm Sài Côn cố sự (nghĩa là “chuyện cũ ở Sài Gòn”).
Tác phẩm này được xuất bản lần đầu năm 1999, gần hai mươi năm sau, bạn đọc mới có cơ hội lần nữa được nghe những câu chuyện cũ Sài Gòn khi tác phẩm này được tái bản.
Tập sách Sài Côn cố sự của Bằng Giang ghi lại từng bước hưng suy, mấy cơn tao loạn của báo chí Sài Gòn mà những thăng trầm ấy đã phản ánh sống động những biến thiên của thời đại.
Nổi lên giữa những đợt sóng gầm ấy là khuôn mặt của những nhà báo ký cựu, kiệt hiệt như Manh Manh nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm – một trong những người nhiệt thành cổ vũ cho phong trào Thơ Mới.
Hay như Thiếu Sơn làm báo, làm phê bình, từ bỏ tháp ngà để dấn thân tranh đấu như một chiến sĩ đúng nghĩa bao phen vướng vòng lao lý chẳng sờn lòng nhưng vẫn hết mực khiêm cung khi nói về bản thân.
Đó còn là Lê Thọ Xuân – vị chủ tịch Hội Liên hiệp báo chí; là Khuông Việt – nhà báo Việt Nam đầu tiên được cấp thẻ nhà báo của Liên hiệp quốc; là Trường Sơn Chí, là Phạm Thiều, là Sơn Vương với hồi ký Máu và nước mắt 1933-1968 về những chuỗi ngày gian khổ mà đầy khí phách…
- Xem thêm: Viết từ hồi ấy… cho đến bây giờ
Ngay từ tên tác phẩm với bốn chữ Hán Việt, tác giả đã muốn gợi lại một thời đại, dẫu chưa xa mà bị mấy cơn binh lửa che khuất, những tưởng có những chuyện độc giả đã tỏ tường mà chỉ đến khi đọc Sài Côn cố sự mới vỡ lẽ ra điều mình biết còn hạn hẹp.
Chẳng hạn như những hoạt động xã hội tích cực của Phụ nữ tân văn như lập Việt Nam phụ nữ học bổng, tổ chức “Bữa cơm của bình dân” dành cho người lỡ chân hụt bữa, thành lập Nữ lưu học hội…
Nó còn là bức tranh báo chí Việt Nam dưới chế độ thuộc địa, bị kiểm soát gắt gao dù có lúc hưởng được những khoảng tự do báo chí ngắn ngủi.
Từ trong cái vòng kim cô kiểm duyệt ấy mà các nhà báo vẫn can trường để thành lập nên Hội Liên hiệp báo chí, công khai lựa chọn đứng về phía quần chúng cần lao. Chính vì lựa chọn ấy mà mà nhiều tờ báo phải đứng trước những lần đình bản rồi tái bản rồi đình bản vĩnh viễn.
Thử đọc một đoạn trong Phụ nữ tân văn số “tạm biệt” (20-12-1934): “Không biết làm sao mới chưa đầy hai tháng đã có nhiều bất pháp như thế xảy ra, mà lại xảy ra ở Sài Gòn nhiều hơn cả? Quan thủ hiến xứ này tưởng nên sửa sang giềng mối lại, để được yên ổn hơn, để dân tình khỏi xạo xự, nói vầy nói khác”. (Sài Côn cố sự, tr.62)
Chỉ có mấy dòng “nói vầy nói khác” bóng gió tưởng vô hại vậy mà cái giọng điệu đủ thấy cái thế của một tờ báo tuy chịu sự kiểm soát nhưng không chịu khuất phục.
Sài Côn cố sự vì thế, tuy là một cuốn sách nói chuyện cũ, mà vẫn sống động như chuyện của ngày hôm nay.