Trong làng báo nước ta những năm đầu thập niên 1990 sôi động và quyết liệt, nhà báo kỳ cựu Hoàng Thoại Châu (ông sinh năm 1942) với bút danh Ba Thợ Tiện đã đặt được dấu ấn riêng của mình. Bắt đầu từ chuyên mục Nói hay đừng trên Lao Động Chủ nhật, sau đó là trên nhiều chuyên mục (Cực chẳng đã, Tréo cẳng ngỗng, Khe khẽ… khều, Chẳng đặng đừng, Giữa đường thấy chuyện…) của hàng chục tờ báo trong Nam ngoài Bắc, những tạp văn của ông đã định hình nên một phong cách khó nhầm lẫn với ai khác (trước đó, từ năm 1975 ông đã là phóng viên năng nổ của báo Tuổi Trẻ).
Ngay từ tên gọi của các chuyên mục, người đọc đã có thể hình dung những gì sẽ được đọc. Đó có thể là câu chuyện thật trăm phần trăm, có thể là tình huống hư cấu, nhưng sau tất cả là những điều oái oăm, nghịch lý trong cuộc sống, đôi khi kèm theo là tiếng thở dài. Có thể, đối mặt với những chuyện nhan nhản đời thường như vậy, nhiều người sẽ tặc lưỡi bỏ qua, nhưng với ai kia “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”, đó lại là nỗi niềm canh cánh. Nói hay đừng? Dĩ nhiên, Hoàng Thoại Châu chọn “nói”.
Đất nước những năm đầu đổi mới có nhiều cái được, nhưng cũng còn quá nhiều điều chưa được. Có những chuyện, những quan điểm ngô nghê, sai trái của nhiều người, quan chức… mà nếu bây giờ người ta không thể hình dung vì sao lại có thể, thì thời điểm ấy không hề hiếm lạ. Đó đây đều là ngồn ngộn “chất liệu” cho những nhà báo mong muốn góp phần chỉ ra cái xấu, tôn vinh cái hay cái đẹp, để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Chọn thể loại tạp văn, bằng tài năng văn thơ (Hoàng Thoại Châu là một nhà thơ), cách nhìn hóm hỉnh, pha chút mỉa mai sâu cay và cả cái nét đặc trưng “Quảng Nam hay cãi” nữa, ông đã mặc sức “xào nấu” những chất liệu ngồn ngộn ấy của cuộc sống thành những câu chuyện, vui có, buồn có, nhưng đều lắng lại điều gì đó cho độc giả.
Hai cuốn Tạp văn đồ sộ (244 câu chuyện ở Tập 1, 249 câu chuyện ở Tập 2) với hơn 1.100 trang viết chưa thể chuyển tải toàn bộ tác phẩm báo chí sau hơn 20 năm cầm bút của Hoàng Thoại Châu, nhưng cũng có thể xem Viết từ hồi ấy là tổng kết cuộc đời viết tạp văn báo chí châm biếm của ông.
Tôn trọng tuyệt đối nội dung, sự kiện và cấu trúc ban đầu, khi tập hợp in thành sách, tác giả chỉ sửa lại tựa của một số ít bài để dễ đọc hơn. Ngoài ra, trong tất cả bài viết trên báo của Ba Thợ Tiện, tên và địa chỉ của những người có liên quan đến nội dung đều được viết đầy đủ, thì nay – trên trang sách – tác giả đã viết tắt.
Trong Lời mở tác phẩm, Hoàng Thoại Châu viết: “Cả cuộc đời làm thơ và viết báo, không biết bao lần tôi đã trải qua những phút giây hạnh phúc khi nhìn tên mình nhảy múa dưới mỗi bài viết được đăng báo. Còn lần này, ít nhiều chắc các bạn cũng đoán được niềm hạnh phúc đã ào về trong tôi lớn hơn chừng nào, khi những bài viết ấy được đặt bên nhau theo thứ tự thời gian ra đời trong hai tập sách. Cảm ơn và rất mong được các bạn mở tiếp trang sách để có dịp hình dung một chút về những chuyện chưa vui, những khó khăn mà đất nước đã phải trải qua trong giai đoạn đầu thực hiện công cuộc mở cửa, đổi mới”.
Mời bạn đọc cùng lần giở từng trang Viết từ hồi ấy để chia sớt những vui buồn cùng với tác giả. Sách do Hội Nhà văn in và phát hành quý IV-2017. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.