Bảo bọc hay “thả” là chủ đề gây nhiều băn khoăn không chỉ trên các mặt báo mà cả trên các diễn đàn làm cha mẹ, trang mạng xã hội… trong thời gian qua và sẽ còn tiếp tục dài dài!
Những người theo quan điểm “thả” cho rằng cứ mãi bảo bọc con thì khi nào chúng mới lớn? Một xã hội chỉ toàn những đứa trẻ to đầu lớn xác mà không dám nghĩ, không dám quyết điều gì, không tự tin, khi gặp nghịch cảnh liền lúng túng, bị động… thì làm sao phát triển được. Có trải mới có nghiệm, mới trưởng thành. Nhìn cảnh cha mẹ sáng, trưa, chiều, tối, con mấy lớp học thêm thì ngày mấy cữ như con thoi trên đường chạy “xe ôm”. Những đứa trẻ mắt nhắm mắt mở, ngái ngủ ôm chặt lưng cha mẹ vào những buổi sáng đến trường không phải ít và kéo dài nhiều năm. Các chuyên gia báo động tình trạng cận thị, béo phì cũng từ nhiều năm trước, nhưng xem ra tình hình không cải thiện mà còn có chiều hướng gia tăng khi giờ đây một đứa trẻ mười tuổi đã nhoay nhoáy iPad, điện thoại cảm ứng với đủ thứ hầm bà lằng rất hấp dẫn (gây nghiện) trong đó.
Đâu chỉ trẻ con mới ham “lướt”. Thử vào một quán cà phê DJ chẳng hạn. Nhạc thì sôi động, ầm ĩ, gần tương đương với nhạc vũ trường, tất nhiên không thể nói chuyện được rồi, thế nhưng nhóm người trẻ ngồi với nhau, mỗi người một điện thoại, không lướt Facebook thì chơi điện tử hay chat, đầu lắc lư theo tiếng nhạc. Đâu chỉ những người thất nghiệp mới ngồi đồng cà phê? Người trẻ có công ăn việc làm, họ cần xả stress sau một ngày cật lực làm việc. Họ thích không gian náo động của âm thanh. Họ muốn khỏi phải suy nghĩ gì thêm nữa.
Có nhiều cha mẹ tự hào đã thả con từ năm mười sáu tuổi, xa nửa vòng trái đất. Chừng đó tuổi một mình vác balô lên và đi tìm tương lai. Cuộc tỵ nạn giáo dục thật… hoành tráng! Tất nhiên chỉ những gia đình có điều kiện, cha mẹ ráng cày cuốc cho con được hưởng nền giáo dục tốt nhất. Gửi con xứ người, tin tưởng vào môi trường không phức tạp (như mình) của họ, cho con trải nghiệm và lớn lên thành người tốt, giỏi giang. Mong ước quá chính đáng. Sử dụng đồng tiền có ích để con có một tương lai tươi sáng. Họ quan niệm, ở trong nước, học giỏi chưa chắc đã thấy tương lai màu hồng.
Những người muốn bảo bọc con cái thì khăng khăng quan điểm, gia đình nào cũng chỉ hai con, không lo cho con thì ai làm chuyện đó? Ngày nào lên mạng, mở báo ra cũng đầy tin tức không cướp giật thì tai nạn giao thông, thả con, rồi phó mặc cho số mạng quả là cha mẹ đã có lỗi rồi.
Một người kể: “Tôi năm nay gần sáu mươi, mẹ tôi đã tám mươi mà lúc nào bà vẫn muốn bảo bọc con cái. Sáng ra khỏi nhà câu đầu tiên mẹ dặn với theo “đi cẩn thận nha con”. Chiều chưa về mẹ trông đứng trông ngồi. Con cháu về đông đủ mẹ mới thở phào, an tâm đi nằm. Có lúc tôi than đói bụng mà vẫn nằm dài không chịu đi lấy gì ăn, mẹ không đành lòng, xuống bếp mang đồ ăn lên… Bình thường thôi mà, cha mẹ nào chẳng muốn bảo bọc con?”. Câu chuyện không xa lạ, chứng tỏ rằng giữa cha mẹ và con cái có muốn thả cỡ nào cũng không được bởi đó là sợi dây máu mủ ruột rà bền vững, là hạnh phúc. Bất hạnh nhất của đời người là sợi dây tình cảm này bị đứt mà không hàn gắn được. Thêm nữa, thời buổi trộm cắp đầy rẫy, từ bệnh viện, siêu thị đến máy ATM… đều có bảng chú ý kẻ gian, cả chính quyền còn phải cảnh báo nhân dân cảnh giác tội phạm, thì ai hơn cha mẹ là người có bổn phận quan tâm, nhắc nhở con?
Hãy bảo bọc theo cách của mình, tùy theo điều kiện. Bảo bọc thế nào cho con vẫn lớn là việc cần suy nghĩ. Bởi vì, dù thả đứa con mười sáu tuổi đi nửa vòng trái đất để tìm tương lai, nếu một ngày nào đó con “trượt ngã”, liệu có thả luôn được không?
Yêu thương thì không bao giờ cho đủ, cuộc đời thì ngắn mà nỗi nhớ quá dài. Được lúc nào hay lúc ấy. Một ngày nào đó có muốn bảo bọc con cũng không còn cơ hội, bất hạnh là cha mẹ phải thốt lên điều hối tiếc, với con cái!
- Kim Duy