Theo số liệu do các cơ quan di trú công bố, chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 3-2009 đến hết năm 2010, đã có 30 ngàn người rời nước Anh sang định cư ở Ấn Độ. Với nước Mỹ cũng vậy, trước đây thung lũng Silicon là khối nam châm khổng lồ thu hút nhiều tinh hoa Ấn Độ trong lĩnh vực không gian điều khiển, nay đôi lúc cũng phải ngậm ngùi nhìn chất xám chảy ngược về “thung lũng” Mumbai. Điều đó không khó lý giải, khi đất nước trên một tỉ dân này đang có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế cũng như giáo dục. Chỉ riêng với Mỹ, năm 2011, tổng kim ngạch thương mại song phương Mỹ – Ấn đã lên đến 57,8 tỉ USD, tăng 18,4% so với năm 2010; phần xuất khẩu sang Mỹ đạt 36,2 tỉ USD, phần nhập khẩu từ Mỹ chiếm 21,6 tỉ USD, như vậy Ấn Độ xuất siêu gần 15 tỉ USD.
Anh Mayank Sekhsaria (thứ hai từ trái sang) từ Mỹ trở về Ấn Độ điều hành Công ty Greenlight Planet
Hiện thị trường Ấn Độ có sức thu hút rất mạnh về trang thiết bị và dịch vụ trong nhiều lĩnh vực quan trọng như năng lượng, y tế, môi trường, công nghệ cao, hạ tầng cơ sở, giao thông và quốc phòng, với kim ngạch hàng chục tỉ USD. Dự kiến mức tăng trưởng GDP năm 2011-2012 của Ấn Độ là 7%, được xem là khá cao trong tình hình kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn như hiện nay. Bên cạnh các chuyên gia khoa học và doanh nhân phương Tây đi tìm cơ may ở Ấn Độ, ngày nay người ta còn chứng kiến nhiều hiện tượng chất xám chảy ngược trở về nguồn. Trong số 30 ngàn người rời nước Anh tìm sang Ấn Độ như đã nêu trên, không ít người là thế hệ thứ hai, thứ ba của những gia đình Ấn Độ đã sang Anh từ nhiều thập niên trước, đã nhập tịch và sống ổn định trên đất Anh. Sự chuyển biến của họ, ngoài lý do những ràng buộc về văn hóa và tình cảm gia đình, dòng họ, còn có những triển vọng về kinh tế đang mở ra. Theo một kết quả điều tra vừa được Tổ chức Doanh nghiệp Kaufman (Mỹ) tiến hành, mỗi năm có hàng chục ngàn người quay về Ấn Độ sau những năm tháng miệt mài ở thung lũng Silicon của Mỹ hay tại trung tâm kinh tế của nhiều nước Tây Âu.
Câu chuyện về Mayank Sekhsaria là một điển hình của “giấc mơ Mỹ” nhưng “thực tại Ấn Độ”. Ở tuổi 26, anh từ bỏ công việc tại hãng Google ở Mỹ, quay vềẤn Độ và cùng với bạn bè thành lập Công ty Greenlight Planet, chuyên mang ánh sáng đến các làng quê bằng sản phẩm do công ty làm ra là những chiếc đèn cháy sáng bằng năng lượng mặt trời. Dù lợi nhuận thu về có thể không bằng những năm tháng gắn bó với Google, nhưng Sekhsaria còn có lòng tự hào về sự đóng góp cho xứ sở, giúp thu ngắn cách biệt giàu – nghèo vốn là căn bệnh trầm kha của các xã hội đang phát triển. Với Sekhsaria cũng như với nhiều người gốc Ấn đang sống ngoài nước, trở về quê hương để làm ăn sinh sống vừa là cơ hội, vừa là thách thức; cơ hội thâm nhập vào một thị trường với hơn 1,1 tỉ người. Dù sao, “giấc mơẤn Độ” là điều có thật, đang cuốn hút nhiều người muốn biến giấc mơấy thành hiện thực, trong điều kiện một nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất trắc.
Lê Nguyễn tổng hợp