Đau đầu là một triệu chứng mà hầu hết chúng ta đều phải trải qua một vài lần hoặc thường xuyên trong cuộc đời. Mặc dù triệu chứng đau đầu khi xuất hiện thường xuyên sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống nhưng do quá phổ biến mà nguyên nhân lại khá mơ hồ nên gần như mọi người đều “tự chữa” bằng thuốc giảm đau thay vì đến gặp bác sĩ chuyên khoa.
Hậu quả là, theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, rất nhiều bệnh nhân đau đầu lạm dụng thuốc giảm đau (sử dụng không đúng lúc và không đúng cách) và đau đầu có thể là dấu hiệu của nhiều chứng bệnh nguy hiểm, đôi khi có thể dẫn đến tử vong. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Vũ Anh Nhị, Trưởng bộ môn Thần kinh Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, Hội trưởng Hội Thần kinh học TP. Hồ Chí Minh, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn triệu chứng đau đầu và thời điểm nào thì cần phải đến kiểm tra tại bệnh viện. Bác sĩ Vũ Anh Nhị cho biết:
Đau đầu là triệu chứng đứng hàng thứ bảy trong các triệu chứng bệnh tật phổ biến nhất. Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy, có khoảng 50% dân số bị đau đầu hằng ngày. Người ta ước tính cứ ba người thì có một người đau đầu dữ dội vào một lúc nào đó trong cuộc đời. Ở Việt Nam, một nghiên cứu ngẫu nhiên trong 2.000 người trưởng thành cho thấy có đến 78,83% người bị đau đầu nói chung và 57,23% người đau đầu mãn tính hằng ngày. Đa số các trường hợp này thường không đi khám bệnh hoặc điều trị không đến nơi đến chốn.
Có hai loại đau đầu chính là đau đầu nguyên phát và đau đầu thứ phát. Đau đầu thứ phát, còn gọi là đau đầu cấu trúc hoặc tổn thương trong và ngoài sọ, do nguyên nhân từ vùng đầu và cận cổ hoặc do căn nguyên tâm lý. Có khoảng 10% các bệnh nhân phải cấp cứu là do đau đầu thứ phát và khoảng 1/3 số bệnh nhân đau đầu nặng hay xuất hiện đau đầu đột ngột có thể do một bệnh lý thần kinh khẩn cấp cần phải đánh giá và điều trị nhanh chóng. Các nguyên nhân đau đầu đột ngột bao gồm: xuất huyết nội sọ (xuất huyết khoang dưới nhện, xuất huyết trong não), cao huyết áp nặng cấp tính, chấn thương đầu gây ra xuất huyết.
Đau đầu khởi phát bán cấp có thể nhanh nhưng không đột ngột bao gồm: viêm màng não, viêm não, viêm xoang, huyết khối tĩnh mạch sọ não, bệnh mạch máu não, thiếu máu, viêm mạch máu não. Triệu chứng đau đầu thứ phát xảy ra từ từ ít cấp tính hơn gồm: u não, máu tụ dưới màng cứng mạn tính, áp xe não, viêm động mạch thái dương, tăng áp lực nội sọ vô căn (giả u não), nhiễm trùng nội sọ và viêm xoang mãn tính.
Thưa bác sĩ, vậy còn đau đầu nguyên phát…
Đau đầu nguyên phát chiếm khoảng 50 – 80% các dạng đau đầu, thường kéo dài và có thể trở thành đau đầu mãn tính. Các dạng đau đầu nguyên phát thường gặp gồm: đau đầu migraine (đau nửa đầu), đau đầu dạng căng thẳng và đau đầu cụm.
Nhiều người thường sử dụng thuốc giảm đau để điều trị đau đầu, đặc biệt là đau đầu migraine. Cách chữa trị này có ảnh hưởng tiêu cực về sau hay không?
Trong nghiên cứu nhóm bệnh đau đầu migraine, chúng tôi nhận thấy khoảng 60% các trường hợp lạm dụng thuốc giảm đau (chủ yếu là không đúng chỉ định và thời gian dùng thuốc kéo dài). Điều này gây khó khăn cho chúng tôi trong các điều trị về sau. Vì ở mức độ nhẹ bệnh có thể tự khỏi nhưng sau đó có thể tái phát. Do đó, tốt nhất là bệnh nhân cần tuân thủ các chỉ định như loại thuốc, liều lượng, các chống chỉ định (chỉ có bác sĩ kê toa mới dùng thuốc). Bên cạnh điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cần hạn chế uống rượu bia, hút thuốc, tránh stress tâm lý, có giấc ngủ tốt, ăn uống điều độ.
Một số tài liệu cho rằng phụ nữ thường đau đầu hơn nam giới. Điều này có đúng không thưa bác sĩ?
Đúng là xét về đau đầu nói chung thì tỷ lệ phụ nữ bị đau đầu cao hơn nam giới, nhất là migraine và đau đầu căng thẳng. Trong các nguyên nhân đau đầu ở phụ nữ có liên quan đến các vấn đề như: nội tiết tố trong chu kỳ kinh, thai kỳ, thời kỳ cho con bú, dùng thuốc ngừa thai hay điều trị nội tiết tố thay thế. Migraine trong thời kỳ kinh nguyệt có biểu hiện lâm sàng không khác với migraine thông thường nhưng thời gian thường kéo dài và cường độ nặng hơn. Phụ nữ dùng thuốc ngừa thai có thể kích thích migraine xuất hiện hoặc trầm trọng hơn. Ngừng thuốc ngừa thai làm giảm migraine trên đa số phụ nữ nhưng cũng có trường hợp migraine không thay đổi. Nhiều phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh bị đau đầu thường xuyên hơn. Việc dùng nội tiết tố thay thế trong giai đoạn này có thể cải thiện hay làm migraine trầm trọng thêm và việc điều trị migraine sẽ trở nên khó khăn hơn.
Được biết, hầu hết các loại thuốc đều chống chỉ định trong thai kỳ. Hẳn việc điều trị đau đầu trong thai kỳ thường không sử dụng thuốc?
Đúng là việc dùng thuốc là rất hạn chế với phụ nữ mang thai nhưng không phải bất kỳ thuốc nào cũng chống chỉ định dùng trong thai kỳ. Chúng tôi nhận thấy rằng, những cơn đau đầu nguyên phát trong thai kỳ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi. Do đó, trong những trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ dùng một số thuốc có thể sử dụng cho thai phụ để khắc phục tình trạng đau đầu này.
Phải chăng giữa stress và đau đầu có mối liên hệ mật thiết với nhau, vì người có trạng thái tâm lý căng thẳng thường đau đầu?
Ở bệnh nhân stress, đau đầu thường xuất hiện và tái phát, kèm rối loạn lo âu, mất ngủ và đau đầu thường kéo dài. Phát sinh đau đầu liên quan mật thiết với tinh thần và mất ngủ, chủ yếu là đau đầu căng thẳng. Bệnh nhân lo lắng, sợ não mình bị tổn thương, hoặc có vấn đề gì đó. Các xét nghiệm để kiểm tra hệ thống thần kinh trung ương, thậm chí chụp CT, cộng hưởng từ, nhưng vẫn không phát hiện ra bệnh.
Rất nhiều người tin rằng ăn óc động vật (như heo, khỉ…) có thể chữa trị được đau đầu, phương pháp dinh dưỡng này liệu có hiệu quả?
Tôi cũng có nghe về vị thuốc này, nhưng thực chất đây là cách điều trị theo kinh nghiệm và tâm lý “ăn gì bổ nấy”. Theo quan niệm của y học hiện đại thì không dùng óc động vật trong điều trị bệnh migraine. Cách điều trị hiện nay bằng thuốc, tâm lý và các thay đổi trong sinh hoạt, lối sống đã chứng minh hiệu quả giảm đau trong các trường hợp đau đầu nguyên phát nói chung và migraine nói riêng.
Một số bác sĩ thần kinh cho biết có những triệu chứng đau đầu có thể tự khỏi, không cần can thiệp. Vậy thì lúc nào chúng ta cần đi khám bệnh?
Đúng vậy, đau đầu có lúc chỉ là triệu chứng, không cần can thiệp vẫn có thể qua đi, nhưng cũng có nhiều trường hợp đau đầu là cấp cứu y khoa. Khi có triệu chứng đau đầu đột ngột hay cấp tính kéo dài vài giờ, đau đầu kèm nôn ói, kèm sốt và yếu liệt nửa người phải cho bệnh nhân đến khoa cấp cứu. Một số trường hợp đau đầu kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng, điều trị thông thường không giảm thì nên đến khám các phòng khám chuyên khoa như thần kinh, nội tổng quát. Trong trường hợp đau đầu kéo dài có rối loạn lo âu hay bị stress thì nên đến khám chuyên khoa tâm thần.
Vẫn có những trường hợp đau đầu trị hoài không khỏi, nguyên nhân vì đâu thưa bác sĩ?
Những đau đầu ở giai đoạn đầu, bán cấp có thể điều trị hết, nhưng nếu để đau đầu kéo dài trên ba tháng (đau đầu mãn tính) việc chữa trị triệt để rất khó khăn và phức tạp. Vì thế, với những trường hợp tôi đã lưu ý ở trên thì nên đi khám để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
_______
Một số nơi chữa trị đau đầu:
– Bệnh viện Đại học Y dược, 215 Hồng Bàng, P.11, Q.5, TP. Hồ Chí Minh
– Bệnh viên Chợ Rẫy, 201B Nguyễn Chí Thanh, P.12, Q.5, TP. Hồ Chí Minh
– Bệnh viện Tâm thần, 179 Hàm Tử, P.1, Q.5, TP. Hồ Chí Minh
_______