Lâu nay, các phương tiện truyền thông luôn tuyên truyền, vận động mọi người luyện tập bơi lội vì môn thể thao này có tác dụng tốt đối với sức khỏe, nhất là với những người thừa cân. Tuy nhiên, không ít người phân vân nên vận dụng cách bơi thế nào và nếu thường xuyên bơi thì mỗi lần bơi bao lâu để đạt hiệu quả như mong muốn.
Những người lớn tuổi hay người bị tim mạch có nên bơi hằng ngày không? Liệu nước trong các hồ bơi có chứa các chất bẩn gây nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có cả bệnh ung thư?… Cuộc trò chuyện với bác sĩ Trương Công Dũng – Tổng thư ký Hội Y học thể thao TP. Hồ Chí Minh đã giúp giải đáp được nhiều thắc mắc của bạn đọc xung quanh vấn đề này.
Thưa bác sĩ, người thừa cân thường được khuyên mỗi tuần nên đến hồ bơi từ ba đến năm lần để giảm cân, nhưng nhiều người làm như vậy mà không đạt kết quả như mong muốn. Nguyên nhân là do đâu?
Khi bơi, do lực cản và tính chất dẫn nhiệt của nước cao nên cơ thể tiêu hao năng lượng khá nhiều, gấp bốn lần so với đi bộ cùng tốc độ, do đó bơi giúp làm săn chắc cơ, nhất là ở eo, hông, đùi và giảm cân đối với người béo phì. Vì ai cũng phải hít thở mạnh và vận động phần thân trên liên tục để có sức rướn và nổi lên mặt nước nên phần cơ ngực, vai và bắp tay cũng nở nang.
Đã có nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ mỡ trong máu đối với người bơi thường xuyên giảm đáng kể so với người bình thường, cụ thể là ở nam giới giảm được 15 – 20%, nữ giới giảm được 20 – 25%.
Tuy nhiên, muốn giảm cân thì phải bơi đúng kỹ thuật từ 20 phút trở lên chứ chỉ đến hồ bơi để ngâm mình, khua nước nhẹ nhàng thì tác dụng giảm cân không đáng kể.
Ngoài tác dụng giảm cân, bơi lội còn nhiều tác dụng khác đối với hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, cơ và xương khớp, nhưng những tác dụng đó chỉ rõ rệt khi bơi liên tục vài trăm mét và đúng kỹ thuật.
Xin bác sĩ giải thích rõ hơn tác dụng của bơi lội đối với hệ hô hấp?
Khi bơi, do cần giữ nhịp thở đều trong tình trạng thiếu không khí nên chúng ta buộc phải cố gắng hít sâu và thở mạnh, nhưng chính nhờ đó mà rèn luyện khả năng thở và cải thiện được chức năng của phổi.
Giáo sư Jeremy Barnes, chuyên gia của Hiệp hội Phổi ở Mỹ cho biết rằng bơi lội là một trong những môn luyện tập giúp cơ thể vận chuyển máu và oxy đến phổi, đến các cơ bắp đầy đủ nhất, đồng thời tích cực giải phóng lượng khí thải ra khỏi cơ thể.
Nếu bơi luôn ở trong tình trạng “yếm khí” thì người có vấn đề về hô hấp, chẳng hạn bị hen suyễn, có thể tham gia bơi được không?
Hoàn toàn có thể nếu đã kiểm soát cơn hen suyễn trước khi bơi. Xin lưu ý là khi đi bơi, người mắc bệnh này nhớ mang theo thuốc giãn phế quản (thuốc xịt) để đề phòng, nhất là bơi trong nước lạnh hoặc hồ bơi công cộng đông người.
Chức năng hô hấp được cải thiện hẳn cũng mang đến lợi ích cho hệ tuần hoàn?
Đúng vậy! Bơi là môn thể thao có cường độ vận động từ trung bình đến cao, đòi hỏi hệ tim mạch phải hoạt động với cường độ cao nên nó rèn luyện hệ tim mạch bền bỉ hơn để cung cấp lượng oxy các bộ phận khác trong cơ thể.
Vậy thì người bị bệnh về tim mạch cũng có thể được phép bơi?
Chỉ trừ những trường hợp mắc bệnh tim mạch nặng như suy tim giai đoạn cuối, thiếu máu cơ tim nặng… thì mới không nên bơi, còn những người có vấn đề về tim mạch thì không những nên bơi, mà còn cần tập luyện thêm cả những môn thể thao khác để rèn luyện hệ tim mạch.
Khi bơi, cơ thể ở tư thế nằm ngang chịu tác động của áp lực nước nên máu lưu thông dễ dàng hơn. Thêm vào đó, khi bơi, tần số mạch tăng cao sẽ làm cho lưu lượng máu tăng lên.
Cũng như những môn thể thao khác, bơi lội thường xuyên và lâu dài sẽ tăng khối lượng và kích thước mạch máu trong cơ tim, tăng độ co giãn của mạch máu, giúp quá trình tuần hoàn tốt hơn, giảm huyết áp, giảm nguy cơ vỡ mạch máu, nhồi máu cơ tim và cả đột quỵ.
Thông thường, ai đạp xe được liên tục từ 15 phút trở lên thì có thể bơi, trừ trường hợp nước lạnh dưới 5 độ C. Tuy nhiên, để tránh tai nạn thì người có vấn đề tim mạch nên đến bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra khả năng vận động và tư vấn cách tập luyện hợp lý nhất.
Nếu chỉ ngâm mình ở hồ bơi hoặc đi bộ dưới nước thì có ích lợi gì cho sức khỏe không, thưa bác sĩ?
Việc đi bộ, chạy hoặc tập các động tác dưới nước ít có tác dụng đối với các hệ tuần hoàn, hô hấp, nhưng vẫn có hiệu quả với hệ xương khớp. Khi vận động dưới nước, các khớp ở chân và cột sống không chịu tác động của trọng lượng cơ thể nên sự vận động giúp tăng tính đàn hồi cho cột sống lưng – vai, giảm nguy cơ thoái hóa ở khớp, giảm đau lưng.
Những người bị bệnh xương khớp (khớp gối, khớp háng và khớp cổ chân) thường không thể tập luyện trên cạn vì áp lực của trọng lượng cơ thể lên khớp gây đau đớn, do đó nên luyện tập đi lại, nhún chân dưới nước. Một số nghiên cứu về y học cho thấy việc luyện tập ở mức nước ngang hông giúp giảm được 50% tình trạng quá tải ở các khớp, còn luyện tập ở mực nước ngang ngực có thể giúp giảm đến 75%.
Ngoài ra, đối với những người sau chấn thương, qua phẫu thuật xương khớp thì việc tập luyện dưới nước cũng rất tốt. Có thể tập sớm ngay sau khi vết thương đã liền da và tốt hơn nữa khi phối hợp massage với nước nóng, lạnh.
Người bị bệnh khớp hoặc sau phẫu thuật mỗi ngày nên tập dưới nước bao lâu là vừa đủ?
Tập dưới nước thường không mất nhiều sức nên không cần hạn chế thời gian, chỉ lưu ý không nên ở dưới nước quá lâu để tránh bị cảm lạnh.
Liệu tắm và vận động dưới nước biển có tốt hơn ở hồ bơi không?
Đối với người bình thường thì tắm, ngâm, đi bộ dưới biển hoặc nước khoáng thì tốt hơn vì có thể hấp thu các khoáng chất vi lượng. Nghiên cứu cho thấy ngâm mình dưới nước biển một giờ giúp cơ thể hấp thu một lượng nước và muối khoáng tương đương với việc truyền một lít nước muối sinh lý.
Nhiều người thắc mắc không biết nên bơi vào thời điểm nào trong ngày là tốt nhất, xin bác sĩ hướng dẫn.
Hiệu quả của bơi lội không phụ thuộc vào thời điểm bơi, mà chủ yếu phụ thuộc vào thời gian và cường độ luyện tập. Bơi cũng là một hoạt động giúp thư giãn đầu óc và tăng độ tỉnh táo nên chúng ta cứ bơi theo thói quen hoặc bơi bất cứ lúc nào phù hợp trong ngày.
Tất nhiên nên tránh bơi ngoài trời khi thời tiết quá lạnh hoặc buổi trưa nắng vì dễ bị cảm. Nếu bơi buổi trưa, buổi chiều thì cần bôi kem chống nắng trước khi bơi khoảng nửa giờ để tránh tác động xấu của tia cực tím, trong đó có nguy cơ gây ung thư da.
Có ý kiến cho rằng trong bể bơi, một số mỹ phẩm (trong đó có kem chống nắng), mồ hôi, nước tiểu chứa nhiều Nitơ khi kết hợp với clo trong nước sẽ tạo ra nhiều chất nguy hại cho sức khỏe, có thể gây ung thư. Theo bác sĩ, ý kiến ấy có đúng không?
Không tẩy trang trước khi bơi hoặc đi tiểu trong hồ bơi chỉ gây mất vệ sinh cho nước chứ không đến nỗi gây bệnh ung thư. Chất clo trong hồ bơi thường được kiểm tra đúng nồng độ cho phép và chưa có nghiên cứu nào cho thấy bệnh ung thư xuất phát từ nước hồ bơi cả. Không nên vì điều này mà ngại đi bơi.
Bệnh thường gặp nhất khi bơi ở hồ bơi công cộng là viêm tai ngoài và viêm kết mạc vì các vi khuẩn và hóa chất có trong nước. Nhiều người cũng than phiền vì clo trong nước gây hiện tượng “tóc xanh” (green hair), tức là tóc bị khô và ngả màu vàng xanh.
Vậy phòng tránh những bệnh ấy bằng cách nào?
Cách phòng tránh đơn giản là mang kính và nón bơi. Ngay sau khi bơi xong cần vệ sinh tai bằng tăm bông và dung dịch Oxy già, rửa mắt bằng nước Cloraxin và gội đầu bằng dầu gội đầu chuyên dụng có bán ở các nhà thuốc.
Khi bơi, chuyện uống phải nước hồ bơi cũng khó tránh. Liệu có dễ bị bệnh về đường tiêu hóa khi uống phải nước ở bể bơi công cộng?
Tôi nghĩ bệnh về đường tiêu hóa do nước hồ bơi ít hơn rất nhiều so với việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh hằng ngày.
Những tai nạn thường gặp trong bơi lội có phải do bơi không đúng kỹ thuật hay không?
Bơi không đúng kỹ thuật chỉ làm cho chúng ta nhanh đuối sức và dễ bị các chấn thương về khớp, ví dụ lỏng khớp, bong gân. Đa số tai nạn thường gặp là do bơi quá sức hoặc khởi động không kỹ, dẫn đến hiện tượng chuột rút, ở chỗ sâu có thể bị chết đuối nếu không được cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, một khi không khởi động kỹ và bơi quá sức thì còn dễ bị đau khớp vai, trật khớp vai, đau lưng do giãn dây chằng…
Theo bác sĩ, người lớn tuổi bơi hai giờ mỗi ngày thì có quá sức không?
Hoàn toàn không nếu người đó cảm thấy mình có đủ sức để bơi. Theo tôi, bơi lội là một môn thể thao tốt cho tất cả mọi người, vì vậy những người ngoài 65 tuổi bơi đều đặn mỗi ngày một, hai giờ là tốt, đáng khuyến khích.
Người lớn tuổi chỉ cần lưu ý là không ngâm mình dưới nước quá lâu khi thời tiết lạnh, tránh bơi khi bụng quá đói, khi cơ thể đang mệt mỏi. Cần khởi động và làm nóng cơ thể đầy đủ trước khi bơi.
Xin bác sĩ hướng dẫn thêm về cách khởi động và làm nóng.
Nên khởi động khoảng mười phút bằng các bài tập kéo căng cơ mặt trước và mặt sau đùi, kéo căng cơ vai, cơ hông, sau đó chạy tại chỗ để cơ thể nóng lên.
Trẻ em khoảng 1-2 tuổi không nên cho bơi ở bể bơi công cộng vì sức đề kháng của trẻ còn yếu, khó chống chọi được với những bệnh lây nhiễm từ nước bẩn. Còn người lớn khi bơi thì tốt nhất là có người hướng dẫn kỹ thuật bơi đúng để đạt hiệu quả cao nhất từ môn thể thao này, đồng thời tránh những chấn thương về xương khớp.
Xin cảm ơn bác sĩ về những lời khuyên hữu ích trên đây!