Ngày nay, sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số giúp người chơi ảnh thuận tiện hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để đạt tới đỉnh cao nghệ thuật là điều không đơn giản, đòi hỏi phải có máu đam mê thật sự để luôn học hỏi, tìm tòi, khám phá. Sự “học” là một điều rất vô cùng, cơ bản nhất là học ở trường lớp, nhưng có khi là những bí quyết “cha truyền con nối” hoặc nghề dạy nghề.
Ở Việt Nam, người chơi nhiếp ảnh trưởng thành từ trường lớp hoặc nghề dạy nghề thì nhiều, nhưng nói đến “cha truyền con nối” rất hiếm có. Vì vậy, gia đình ông Nguyễn Mạnh Đan là trường hợp đặc biệt, được nhiều người trong giới biết đến và khâm phục bởi cả ba thế hệ cùng theo đuổi nghiệp nhiếp ảnh và thành công, để lại nhiều dấu ấn trong lòng người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh.
Là người tiên phong trong lĩnh vực ảnh nghệ thuật theo trường phái duy mỹ, có thể nói ông Nguyễn Mạnh Đan là cây đại thụ trong làng nhiếp ảnh Việt Nam có nhiều cống hiến cho nền nhiếp ảnh nước nhà. Sinh năm 1925 tại Nam Định, trong 70 năm cầm máy, sự nghiệp của ông được vinh danh với hơn 70 huy chương nhiếp ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế. Cùng thời với ông có các tay máy cũng rất nổi tiếng như Nguyễn Cao Đàm, Bàng Bá Lân, Trần Cao Lĩnh, Phạm Văn Mùi… nhưng đến giờ chỉ còn mình ông là thách thức với thời gian. Niềm hạnh phúc của ông là không chỉ được sống trọn vẹn với niềm đam mê mà còn thấy các con trai, rồi lần lượt đến các cháu đều yêu thích nhiếp ảnh và nối nghiệp mình. Ông có chín người con, điều đặc biệt là trong sáu người con trai thì bốn người có tên đệm chữ “Mạnh” là Mạnh Sơn, Mạnh Quỳnh, Mạnh Sinh, Mạnh Ngọc theo nghiệp bố. Anh Mạnh Ngọc dù ở nước ngoài vẫn giữ nghề truyền thống gia đình, và được quốc tế mời làm giám khảo chấm thi ảnh. Anh Mạnh Sinh đang là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh. Cũng giống như bố, thời thanh niên các anh cũng thỏa sức đam mê sáng tác bằng không biết bao chuyến đi lên rừng xuống biển từ Nam chí Bắc. Việc kinh doanh ngành ảnh, chụp hình, tráng rửa phim, làm ảnh… trước hết để thỏa mãn cho thú chơi nghệ thuật của mình. Đến thế hệ thứ ba, các cháu nội là Mạnh Lâm, Mạnh Phúc, Mạnh Nguyên cũng bắt đầu nối gót cha ông.
Anh Mạnh Sinh nhớ lại, anh theo nghề bố từ lúc mới 15, 16 tuổi. Thời đó máy móc còn hạn chế nên học nghề rất lâu, những công đoạn làm trong phòng tối rất mất thời gian, công sức. Anh phải vừa học vừa làm suốt thời gian dài mới có thể thành thạo việc tráng phim, rửa hình. Bố anh không cầm tay chỉ việc mà chỉ nói “hãy nhìn bố làm” và dạy những học trò của mình bằng một câu ngắn gọn: “Sự thật là như vậy, nhưng hãy làm thật sự”. Anh và nhiều bạn bè mãi sau này càng làm nghề càng thấm thía lời dạy của cụ khi hiểu ra chân lý sau câu nói đó là khi bắt tay làm việc, hãy làm hết sức mình trước đã, đừng trông mong thành công, hãy để nó đến tự nhiên.
Sau nhiều năm sống với nghề, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, anh nhận thấy công việc nào cũng vậy, luôn có nhiều người đến với những mục đích khác nhau. Với sáng tác nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng đều cần đến yếu tố sáng tạo, nó phản ảnh ý tưởng, quan điểm của tác giả. Nếu có ảnh hưởng thì chỉ mang hơi hướng phong cách hoặc trường phái chứ không nên “sao chép”. Điều quan trọng là nó phải lay động được cảm quan người xem. Để có được tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao là cả công trình mang dấu ấn cá nhân rõ nét đòi hỏi phải vững tay nghề. Vì vậy, người xem không chỉ trân trọng giá trị tác phẩm mà cả công sức tác giả đã bỏ ra. Anh cũng bày tỏ, bây giờ người chơi ảnh dễ dàng có được một chiếc máy ảnh kỹ thuật số đa năng làm thay cho con người rất nhiều nên những giá trị trên cũng giảm dần. Ngành kinh doanh ảnh cũng qua thời hoàng kim, người ta chụp nhiều nhưng đa số không làm hình vì đã có công nghệ lưu trữ.
Theo anh, để có những bức ảnh đẹp cần những yếu tố cơ bản là khoảnh khắc, thiết bị và kỹ năng. Trong đó, khoảnh khắc luôn biến chuyển và cần may mắn là đúng thời điểm, chọn được ánh sáng tốt. Vì vậy, máy ảnh tối tân, đa phương tiện chưa đủ để tạo một bức ảnh nghệ thuật. Thiết bị chỉ là sự hỗ trợ chứ không đóng vai trò quyết định, không phải có máy ảnh tối tân là chụp được ảnh đẹp giá trị, vì điều quan trọng nhất ở thiết bị chính là phù hợp chứ không phải hiện đại. Nói như vậy để thấy rằng con người bao giờ cũng phải làm chủ mỹ thuật, và kỹ năng là yếu tố quan trọng tạo nên cái tôi cá tính riêng cho người cầm máy. Chính vì thế đạt tới đỉnh nghệ thuật là điều không đơn giản, đòi hỏi người cầm máy phải có đam mê, học hỏi, tìm tòi, khám phá một thời gian dài mới rút ra được những kinh nghiệm quý giá cho bản thân.
Nói về bố, anh nhìn nhận bố là một người thầy nghiêm khắc và kỹ tính trong nghề nghiệp. Đó gần như là tố chất bắt buộc phải có của gia đình “Nguyễn Mạnh” mà anh cùng các anh em, con cháu luôn giữ gìn để bố anh yên tâm. Nhìn lại những bức ảnh chụp Hạ Long với chiếc thuyền buồm nâu từ những năm 1950 của bố, anh không khỏi xúc động, bởi nét duyên dáng ấy đã trở thành thời quá vãng, ngày nay không còn nữa. Bố anh cả đời góp nhặt nét đẹp quê hương, mỗi bức ảnh đều gửi gắm nhiều tâm ý mà người vô tình xem một lần chưa chắc đã nhận ra. Đó là những giá trị văn hóa, lịch sử, những lễ hội, phong tục xưa, những cảnh đẹp hùng vĩ hay bình dị để bất kỳ người Việt nào, dù đi năm châu bốn biển mỗi khi nhìn thấy cũng bồi hồi nhớ về quê hương đất tổ. Vì vậy, tâm huyết của bố anh là thực hiện những bộ sách ảnh của cả gia đình để chia sẻ với mọi người về tình yêu nhiếp ảnh qua những hình ảnh thân thương của quê hương. Có thể thấy hình ảnh Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử được tái hiện một cách sinh động, chân thực, nhiều mỹ cảm qua các giai đoạn bằng các tập sách gia đình ông Nguyễn Mạnh Đan đã thực hiện từ 1969 đến nay là Việt Nam khói lửa, Hình ảnh kinh tế Việt Nam, Quê hương Việt Nam, Hình ảnh Việt Nam và gần đây là Non sông nước Việt.
- Thu Ngân