Có nên “can thiệp” như doanh nghiệp địa ốc mong muốn?
Đang có một sự giúp đỡ doanh nghiệp từ phía Chính phủ, với những gói hỗ trợ, thế nên các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản có quyền hy vọng mình cũng sẽ được “giải cứu”. Đó là việc cơ cấu lại các khoản nợ với lãi suất thấp hơn và thời hạn dài hơn. Nếu được vay vốn giá rẻ để tiếp tục hoàn thành và xây dựng mới các dự án đã được cấp phép thì quá tốt, còn không thì cũng nên ưu tiên cho các doanh nghiệp đang triển khai các dự án căn hộ cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, hoặc phục vụ các chương trình tái định cư, nhà ở xã hội của thành phố…
Được sống trong những khu căn hộ được quy hoạch như thế này là niềm mơ ước của nhiều người
Ảnh T. Tùng
Song song với việc “tạo điều kiện” cho phía nguồn cung, các doanh nghiệp cũng mong sẽ có những ưu đãi tương ứng cho phía cầu, bởi nếu không như thế thì dù có làm ra bao nhiêu căn hộ cũng chẳng giải quyết được gì. Đó có thể là chính sách cho những người mua căn hộ đầu tiên (hoặc đang ở trong căn hộ chật hẹp dưới 5m2/người) được vay với lãi suất ưu đãi – một biện pháp hỗ trợ trực tiếp và đến đúng được người tiêu dùng cuối cùng.
Các doanh nghiệp cũng chỉ ra rằng một số nghị định thời gian qua (Nghị định 69, Nghị định 120) cũng góp phần làm khó cho doanh nghiệp và đẩy giá thành của sản phẩm căn hộ lên cao. Theo các quy định này, doanh nghiệp vừa phải bồi thường giải phóng mặt bằng (mua đất của người dân theo giá thị trường) vừa phải nộp tiền sử dụng đất (giống như mua lại một lần nữa) cho Nhà nước. Chính điều này góp phần đẩy mặt bằng giá căn hộ lên cao. Rồi quy định các dự án với quy mô từ 10ha trở lên phải dành 20% diện tích đất ở của dự án để xây dựng nhà ở xã hội trong điều kiện hiện nay là không hợp lý vì không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án có quy mô lớn. Hay quy định chủ căn hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở không được chuyển nhượng đã vi phạm quyền sở hữu tài sản của công dân và gây thiệt hại cho chủ sở hữu cũng như nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp có nhu cầu chuyển nhượng nhà ở, làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản của thị trường…
Tuy nhiên, nếu là những người mong muốn giá căn hộ nói riêng, bất động sản nói chung hạ xuống cho phù hợp với thu nhập của đa số người dân, thì họ rất muốn Nhà nước đừng can thiệp vào thị trường bất động sản, ngoại trừ việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng ngày càng đơn giản.
Căn hộ nhỏ – ủng hộ hay chống?
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng việc phát triển khu đô thị vệ tinh và các khu dân cư với nhiều căn hộ nhỏ dành cho 1-2 người ở với diện tích nhỏ là vấn đề nên được quan tâm. Quy luật phát triển đô thị trên thế giới cũng phải qua từng giai đoạn, từ thấp đến cao, từ chật hẹp đến rộng rãi và thân thiện môi trường, nhiều tiện ích. Vậy nên, trong điều kiện rất nhiều người dân còn chưa có nhà ở, sống chen chúc trong những căn nhà thuê chật chội, không đủ điều kiện như hiện nay, thì phát triển căn hộ nhỏ theo định hướng quy hoạch phát triển đô thị của từng địa phương là phù hợp và cần thiết. GS Đặng Hùng Võ cũng cho rằng giá bất động sản hiện quá cao, người có nhu cầu muốn mua nhà ở thực sự không đủ khả năng và họ cần những căn hộ 25m2 là điều bình thường. Nếu biết cách tổ chức không gian sống thì diện tích chừng đó cũng không thể tạo thành khu ổ chuột được. Người nghèo, người độc thân, người mới lập gia đình có quyền đòi hỏi xã hội cung cấp căn hộ nhỏ đáp ứng được nhu cầu và khả năng của mình. Căn hộ tái định cư, nhà ở xã hội hay cho thuê cũng phải có diện tích nhỏ.