Một sự kiện nghệ thuật có tên Atum Atum được tổ chức tại tòa nhà Hà Nội Creative City (số 1 Lương Yên, Hà Nội, từ 8-9 đến 9-10-2016) để khai trương không gian nghệ thuật RA Foundation của tổ chức nghệ thuật Real Art với tác phẩm của nhiều tác giả nổi tiếng trong làng mỹ thuật Việt Nam.
Theo nhà tổ chức, Atum Atum lấy cảm hứng từ vị thần sáng tạo cùng tên trong nền văn minh Ai Cập, người đã tự tạo ra bản thân và thế giới từ bóng tối hỗn mang và sự cô đơn của chính mình. Giống như thần Atum, người nghệ sĩ từ nỗi cô đơn đã tạo ra thế giới riêng của mình.Và cũng giống như thần Atum luôn đổi mới chính mình vào mỗi buổi bình minh, người nghệ sĩ chân thực cũng là người không ngừng sáng tạo và đổi mới bản thân.Atum còn là biểu hiện của những gì tồn tại trước và sau thế giới hữu hình, như nghệ thuật, không chỉ là cái nhìn bề ngoài.
Triển lãm Atum Atum giới thiệu các tác phẩm của Vũ Dân Tân, Trần Lương, Trương Tân, Lê Quảng Hà, Nguyễn Minh Thành, Bùi Thanh Tâm, Tuấn Mami (Hà Nội), Đàm Đăng Lại (nhà điêu khắc sống tại Nhật Bản), Lê Kinh Tài (TP. Hồ Chí Minh) và Leonid Tsvetkov, nghệ sĩ mô hình cảnh quan người Nga sống và làm việc tại Amsterdam, Hà Lan. Trong số đó, tác giả đã qua đời Vũ Dân Tân (1946-2009) đã có đóng góp lớn đưa tên tuổi của Việt Nam ra cộng đồng nghệ thuật quốc tế với những tác phẩm được trưng bày tại nhiều triển lãm quốc tế. Atum Atum dành riêng một không gian trưng bày các tác phẩm nổi tiếng của Vũ Dân Tân, do bà Natasha Kraevskaia – vợ ông thực hiện. Trần Lương là nghệ sĩ tiên phong về nghệ thuật đương đại tại nước ta, với nhiều tác phẩm được đưa vào bộ sưu tập của nhiều bảo tàng danh tiếng như Solomon R. Guggenheim (New York, Mỹ), Bảo tàng mỹ thuật quốc gia Singapore, Bảo tàng mỹ thuật châu Á Fukuoka (Nhật Bản). Anh còn là giám tuyển cho rất nhiều triển lãm trong và ngoài nước.
Lê Quảng Hà và Nguyễn Minh Thành đã là những tên tuổi nổi bật của mỹ thuật Hà Nội trong nhiều năm qua, còn Lê Kinh Tài là một trong những nghệ sĩ có uy tín với tác phẩm đã thoát ra khỏi những chuẩn mực nghệ thuật thông thường tại Việt Nam. Tuấn Mami vẽ tranh sơn dầu, làm sắp đặt, trình diễn, video art và nghệ thuật khái niệm, đã tham dự nhiều triển lãm trong và ngoài nước; còn Đàm Đăng Lại dù sống tại Nhật nhưng đã có vài triển lãm điêu khắc tại Hà Nội thời gian qua. Trong khi đó, nghệ sĩ Leonid Tsvetkov sử dụng bo mạch chủ cũ và những bộ phận bên trong của máy tính đã bỏ đi để thể hiện những mô hình nhà máy lọc dầu và cảnh quan những cụm công nghiệp lớn, qua đó nói lên bức tranh môi trường gần như đen tối…
Theo Real Art, RA Foundation sẽ là không gian nghệ thuật cố định, nơi giới thiệu với các nhà sưu tầm nghệ thuật và người yêu nghệ thuật trong – ngoài nước tác phẩm của những nghệ sĩ đương đại tài năng có sức sáng tạo không ngừng, thể hiện dấu ấn cá nhân rõ nét qua các tác phẩm.
- Đán Bình